"Mẹ Chồng": Khán giả có tâm mà phim thì chẳng tới tầm

PA DUN,
Chia sẻ

Vì cố gắng đặt mình vào một nước cờ khó nên "Mẹ Chồng" khiến khán giả cứ chông chênh vì không hiểu rốt cuộc sau từng nấy thời gian bộ phim đang giải quyết điều gì.

Sau bao chiến dịch PR rầm rộ, cuối cùng Mẹ Chồng, bộ phim đánh dấu sự trở lại của Thanh Hằng sau hai năm vắng bóng trên màn ảnh rộng cũng chính thức lên sàn.

Trước khi bộ phim ra mắt, người hâm mộ dành khá nhiều sự chờ đợi bởi từ lâu câu chuyện mẹ chồng - nàng dâu vẫn là chủ đề chạm tới nhiều ngóc ngách thẳm sâu của mỗi gia đình. Ai cũng hi vọng rằng có lẽ một câu chuyện về mẹ chồng - nàng dâu sẽ được kể lại dưới góc nhìn điện ảnh một cách hoàn toàn khác biệt.

Ấy nhưng...

Trước tiên thì cũng nên dành lời khen cho các tuyến nhân vật của Mẹ Chồng. Hẳn biên kịch của Mẹ Chồng đã phải xem khá nhiều phim "cung đấu" để có thể xây dựng một tuyến nhân vật khá đầy đủ đến như vậy.

Mẹ Chồng: Khán giả có tâm mà phim thì chẳng tới tầm - Ảnh 1.

Mẹ Chồng lấy bối cảnh lại làng Đại Điền ở thập niên 50 xoay quanh câu chuyện bi kịch của gia đình nhà họ Huỳnh do bà Hai Lịnh đứng đầu. Cũng ở đây, câu chuyện mẹ chồng - nàng dâu lại được đưa ra khai thác nhưng nó không chỉ giản đơn là câu chuyện của bát cơm, chén mắm mà nó là những cuộc đấu đá mà người ta phải trả bằng mạng sống.

Mẹ Chồng: Khán giả có tâm mà phim thì chẳng tới tầm - Ảnh 2.

Phim mở màn bằng hình ảnh cô Ba Trân (Thanh Hằng) xinh đẹp ngọt ngào trong tà áo bà ba thướt tha trên đường làng. Cũng như bao người con gái khác, Ba Trân mơ ước một cuộc sống hạnh phúc bên người đàn ông mà cô yêu mến. Nhưng không, những ngày mơ mộng trong tình yêu của Ba Trân nhanh chóng bị dập tắt khi cô bị cuốn vào cuộc chiến của quyền lực. Cô bị sự cay nghiệt của mẹ chồng là bà Hai Lịnh làm cho mờ mắt. Cô bị thứ tình yêu sẻ chia với Bảy Loan ( Ngọc Quyên) làm đảo điên.

Sự hận thù làm cho trái tim của Ba Trân đánh mất đi sự thiện lương, ngây thơ của ngày đầu bước chân vào nhà Hội Đồng Lịnh.

Mẹ Chồng: Khán giả có tâm mà phim thì chẳng tới tầm - Ảnh 3.

Để rồi từ đó, Ba Trân quên hết đi cuộc sống với những nụ cười mà thay vào đó là những toan tính hiểm ác để cũng cố quyền lực.

Vì căm phẫn, vì đau đáu trong đầu câu nói mà bà Hai Lịnh từng đay nghiến: "Cây độc không trái, gái độc không con" mà Ba Trân dễ dàng để đánh mất đi nhân tính của chính mình.

Tước đi quyền hạn của bà Hai Lịnh, Ba Trân nghiễm nhiên trở thành mợ cả quyền lực nhà họ Huỳnh. Khi con dâu Tư Thì (Lan Khuê) lặp lại bi kịch khi không thể sinh con nối dõi thì Ba Trân tiếp tục cưới thêm Tuyết Mai (Midu) cho con trai.

Về cơ bản, khán giả cho phép mình dễ tính đi khi xem phim Mẹ Chồng vì cố gắng hiểu xa hơn cho cái ý nghĩa mà bộ phim hướng tới.

Bằng câu chuyện bi kịch nhà họ Huỳnh, Mẹ Chồng đã đánh sâu được vào nỗi đau của cả một thế hệ phụ nữ trong những ràng buộc về lề lối và quy chuẩn xã hội. Đau đớn hơn, nó còn là câu chuyện của những người phụ nữ tự tạo bi kịch cho chính mình.

Thế nhưng chỉ có vậy bởi dù khán giả có tâm đến thế nào họ vẫn cảm thấy vô cùng thất vọng vì xem cả bộ phim trong trạng thái "gồng".

Trước tiên là ở dàn diễn viên của Mẹ Chồng. Ấn tượng về lớp diễn viên sau khi xem Mẹ Chồng của bạn là gì? Phải chăng là cao và chỉ vậy.

Sau 2 năm trở lại màn ảnh rộng, Thanh Hằng đã chứng tỏ được sự cao tay hơn với nghệ thuật của mình. Ở Mẹ Chồng, Thanh Hằng đã khắc phục được khá nhiều khuyết điểm trong diễn xuất. Bằng chứng, Thanh Hằng có thể vào vai cô con dâu Ba Trân nhẹ nhàng của ngày mới bước chân vào nhà Hai Lịnh cho tới mợ cả Ba Trân với vô số âm mưu và đong đầy sự hiểm ác.

Ở Mẹ Chồng, Thanh Hằng đã học được thêm nhiều cách diễn xuất từ ánh mắt cho tới cơ mặt, thậm chí tới cả nụ cười mỉm.

Nhưng không hiểu sao xem Thanh Hằng đóng cứ bị mệt, bởi cô cứ gồng lên một cách đầy nỗ lực nhưng lại không kịp chạm tới cái thẳm sâu của lòng người. Hoặc đâu đó, người ta vẫn còn nhớ tới ánh mắt của nàng Kiều Thị trong Mỹ nhân kế.

Với vai Tư Thì, Lan Khuê thật sự trở thành cái tên gây bối rối khi khiến khán giả không biết đang xem The Face hay xem phim. Có một gợi ý khá thú vị dành cho vai diễn của Lan Khuê là nên đổi Tư Thì thành Tư "Rình" bởi suốt bộ phim vai trò của nhân vật chủ yếu xoay quanh các phân cảnh đi rình.

Mẹ Chồng: Khán giả có tâm mà phim thì chẳng tới tầm - Ảnh 5.

Có lẽ sẽ là khắt khe nhưng vai diễn của Lan Khuê được đánh giá là tệ nhất Mẹ Chồng.

Còn vai Bảy Loan của Ngọc Quyên thì có lẽ chẳng có gì để nói bởi nó nhạt như đúng vai diễn của cô trong phim vậy. Vai diễn theo kiểu trăm người có thể diễn được dù với khuôn mặt sắc sảo của Ngọc Quyên thì vào vai hiền dịu có vẻ không hợp một chút nào.

Nếu Ba Trân là vai diễn đánh dấu sự trở lại màn ảnh của Thanh Hằng sau 2 năm thì vai Tuyết Mai cũng có ý nghĩa tương tự như vậy với Mi Du. Sau thời gian dài vắng bóng với chuyện cá nhân và kinh doanh, Mi Du trở lại màn ảnh với một vai diễn khá an toàn.

Mẹ Chồng: Khán giả có tâm mà phim thì chẳng tới tầm - Ảnh 6.

Phải thừa nhận một điều, tuyến nhân vật nam của Mẹ Chồng bị lép vế hoàn toàn trước dàn diễn viên nữ. Nếu Lâm Vinh Hải diễn khá tròn trịa thì Song Luân khiến người ta thở dài ngao ngán. Ai cũng muốn dừng phim lại để nhắc Song Luân rằng anh đang đóng phim chứ không phải diễn kịch.

Mẹ Chồng: Khán giả có tâm mà phim thì chẳng tới tầm - Ảnh 7.

Từ những câu thoại, ánh nhìn, cách diễn của Song Luân khiến nhiều người tưởng tượng rằng mình đang ngồi dưới sân khấu kịch lấp lánh ánh đèn nào đó chứ không phải đi xem một bộ phim điện ảnh.

Phải thừa nhận rằng ê kíp của Mẹ Chồng rất nỗ lực trong việc truyền tải ý nghĩa của bộ phim tới người xem. Nhưng có lẽ họ chưa đạt đến cái tầm của một bộ phim cung đấu đúng nghĩa.

Mẹ Chồng: Khán giả có tâm mà phim thì chẳng tới tầm - Ảnh 8.

Chọn một đề tài hấp dẫn, nhiều chiều như mẹ chồng - nàng dâu để làm phim được xem là một cuộc chơi không hề dễ với ê kíp Mẹ Chồng. Chơi dao thì dễ đứt tay nếu như bạn không đủ tỉnh táo giải quyết từng nút thắt một. Tôi đọc được ở đâu đó một câu bình luận khá hài hước rằng với Mẹ Chồng bạn sẽ nhận ra rằng Taylor Swift "tuổi tôm" mới chơi rắn lại được với Thanh Hằng.

Ê kíp Mẹ Chồng cứ cố mãi, với mãi nhưng chẳng thể nào giải quyết thỏa đáng từng vấn đề, không thể nào lột tả hết được những mưu mô phức tạp và tâm lý sâu cay của những người phụ nữ trong cuộc tranh đấu giành giật tình yêu và cả địa vị.

Suốt cả thời lượng phim, tôi chờ đợi một phân đoạn cao trào nhưng mãi không thể tìm thấy.

Chính vì thế, cảm giác khi rời rạp sau khi xem Mẹ Chồng là gì? Là chưng hửng, là tiếc nuối, là không biết có nên khen dở hay không vì "tiếc" công Thanh Hằng.

Giá như, à mà thôi làm gì có giá như.

Dẫu sao với một bộ phim nhiều trai xinh gái đẹp, cùng với sự đầu tư công phu của cả ê kíp về phục trang, bối cảnh, âm nhạc, lời thoại… cũng sẽ giúp Mẹ Chồng trở thành phim Việt thành công của tháng cuối năm 2017.

Chia sẻ