Mẹ bầu béo ú mà con "siêu" còi

,
Chia sẻ

Mang bầu, chị Thủy ăn khỏe lắm, tự hào về thành tích “tuần lên 1 kg”. Đến 22 tuần, chị đã tăng hơn 10kg nhưng bác sỹ siêu âm, chỉ số thai nhi nhỏ hơn so với tuần tuổi.

Sinh con lần đầu, chị Thủy (Tôn Thất Tùng – Hà Nội) chỉ tăng có 9kg. Không biết có phải vì thế mà chị sinh con trai chỉ có 2,7kg. Sang tiếp tập 2, chị quyết tâm bồi bổ sức khỏe để con không bị suy dinh dưỡng.

Hết 3 tháng đầu nghén ngẩm, chị ăn khỏe lắm và tự hào về thành tích “tuần lên 1 kg”. Đến 22 tuần, chị đã tăng được hơn 10kg nhưng đi siêu âm, bác sỹ vẫn bảo chỉ số thai nhi nhỏ hơn so với tuần tuổi. Đến khi sinh con, chị tăng 25kg, nhưng con vẫn chỉ có 2,6kg.

Con gái lớn đầu tiên của chị Hiền (Văn Điển – Hà Nội) sinh non gần 1 tháng, nặng 2,5kg thôi. Trộm vía, nuôi cũng khá vất vả, từng li từng tí. Rút kinh nghiệm, sang đứa thứ hai, chị ăn thật nhiều. Nói dại, nếu chẳng may có vấn đề gì, nuôi đỡ vất hơn.

Sang đến tháng thứ 7, chị tăng gần 20 kg, mà con cũng phát triển lớn hơn tuổi thai. Cả nhà mừng thầm vì chắc chắn đứa bé sinh ra sẽ khỏe mạnh, mập mạp. Thế nhưng khi đau bụng nhập viện, các bác sỹ xác định lượng đường trong máu của chị Hiền quá cao. Bé Tin ra đời gần 5kg, nhưng lại bị hạ đường huyết, phải nằm điều trị.

Bà bầu không cần tăng cân quá mức

Hiện nay, rất nhiều bà bầu tăng từ 20kg trở lên trong suốt thời gian thai kỳ nhưng con vẫn bị suy dinh dưỡng như thường, chỉ nặng có 2,5kg. Dù đã được khuyến cáo nhiều lần, hầu hết các mẹ bầu vẫn liên tục ăn cho 2 người, dẫn tới tình trạng bà bầu thừa cân.
Ngày càng có nhiều mẹ bầu có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường

Theo bác sỹ Mai Trọng Hưng (BV Phụ sản Hà Nội), đó cũng là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt các nguy cơ như sinh non, tiểu đường, sinh mổ... Với những mẹ bầu tăng cân quá nhanh, lại bị cao huyết áp, có triệu chứng phù, protein niệu sẽ đe dọa sự phát triển của thai nhi.

Mẹ béo phì sinh con quá to hoặc quá nhỏ đều nguy hiểm. Bé sinh nặng cân sẽ có nguy cơ nhiễm các bệnh về rối loạn chuyển hóa, hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, sức đề kháng kém. Bé sinh nhẹ cân có nguy cơ suy thai cấp và ngạt, sức đề kháng kém, dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tim.

Tránh nhiễm độc thai nghén

Từ khi mang bầu, nhiều mẹ tự ý bổ sung quá nhiều canxi dễ dẫn tới nguy cơ mắc bệnh sỏi thận và tắc sữa, khiến nhau thai bị canxi hóa sớm, không thực hiện tốt chức năng nuôi dưỡng thai.
Khi mang bầu, chị em nên đi khám thai thường xuyên để nghe tư vấn của bác sỹ

Chỉ đến 3 tháng giữa của thai kỳ, các chị em hãy bổ sung các lượng vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Tốt nhất là thông qua con đường ăn uống. Nếu bổ sung các loại thuốc sắt, canxi, vitamin tổng hợp, thực phẩm chức năng, nên hỏi ý kiến của bác sỹ.

Tránh ăn uống quá nhiều dễ dẫn tới tình trạng mẹ bầu bị tiểu đường và cao huyết áp. Theo kết quả nghiên cứu, ở Việt Nam, một phụ nữ mang thai nặng tối đa là 59kg, tỉ lệ sẩy thai là 2,1%, tỉ lệ chết lưu là 1,2%. Nếu mẹ bầu tăng lên 65kh, tỉ lệ này cũng tăng theo là 8,7% và 5,3%.

Chế độ ăn uống để tăng cân hợp lý từ 10 – 12kg:

-          Ăn đa dạng các loại thực phẩm, ăn nhiều bữa để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng.

-          Mỗi bữa chỉ nên ăn thêm 1 bát cơm và thức ăn so với thời kỳ chưa mang thai. Các loại thức ăn giàu chất đạm như tôm, cua, trứng sữa, chỉ nên ăn từ 150 – 170g/ngày.

-          Nếu có điều kiện, uống thêm sữa hàng ngày, bất kể là sữa tươi, sữa bà bầu hay sữa hộp giấy.

-          Nên ăn nhiều rau và trái cây. Uống ít nhất 2l nước mỗi ngày. Hạn chế uống các loại nước ngọt, cồn, rượu, bia.

-          Trong nấu ăn, nên dùng muối  hoặc bột canh iot thay cho loại bình thường.
 
Nam  Hải
(Tổng hợp)
Chia sẻ