Máy bay rơi ở Đài Loan

Máy bay rơi có thể do phi công tắt nhầm động cơ

Lê Minh,
Chia sẻ

Thông tin từ dữ liệu chuyến bay cho thấy các phi hành đoàn điều khiển chiếc máy bay TransAsia Airways ATR 72-600 bị rơi có thể đã tắt động cơ bên trái của máy bay sau khi động cơ bên phải bị cháy.

Các nhà phân tích cho biết những phát hiện ban đầu từ hộp đen máy bay cho thấy có thể phi hành đoàn đã mắc một sai lầm. Những phát hiện này được công bố khi báo cáo điều tra cho thấy cơ trưởng vẫn còn nắm chặt cần điều khiển khi thi thể của ông được tìm thấy trong buồng lái, dường nhưng ông đã chiến đấu để máy bay tránh bay vào khu vực đông dân cư. 

Cơ quan Hàng không Hành chính dân sự (CAA) cũng tiết lộ rằng TransAir Airways đã không đáp ứng được khoảng một phần ba các qui định áp dụng sau một vụ tai nạn chết người vào hồi tháng 7/2014 tại đảo Penghu, Đài Loan. 

Hội đồng An toàn hàng không của Đài Loan cho biết động cơ bên phải của máy bay đã bị cháy khoảng 2 phút sau khi máy bay cất cánh. Tín hiệu cảnh báo om sòm trong buồng lái và động cơ bên trái sau đó đã bị phi hành đoàn tắt bằng tay, không rõ lý do, chủ tịch hội đồng Thomas Wang nói trong một cuộc họp báo.

“Phi công đã cố gắng để khởi động lại động cơ nhưng không có kết quả. Điều đó có nghĩa là trong khoảnh khắc cuối cùng của chuyến bay, không có bất kỳ động cơ nào hoạt động”, ông nói. “Chúng tôi không rõ tại sao động cơ bên trái lại bị tắt bằng tay”. 

Máy bay rơi có thể do phi công tắt nhầm động cơ  1
Lực lượng cứu hộ và thợ lặn tìm kiếm hành khách mất tích tại địa điểm máy bay ATR 72-600 TransAsia rơi. Dữ liệu hộp đen và ghi âm cho thấy các phi công đã liên tục kêu lên "Cấp cứu, cấp cứu, động cơ bị cháy" chỉ 35 giây sau khi nhận thấy động cơ bị hỏng.

Các nhà phân tích nói rằng có thể các phi công đã mắc một sai lầm. “Có vẻ như họ đã tắt nhầm động cơ”, Greg Waldron, biên tập viên tạp chí hàng không Flightglobal cho biết. “Động cơ bên phải bị cháy nhưng bản thân nó không đủ để gây ra một vụ tai nạn vì ATR được thiết kế để bay trên một động cơ”, ông lưu ý. “Tai nạn xảy ra một vài giây sau khi cả hai động cơ bị tắt. Các phi công đã cắt giảm nhiên liệu cho một động cơ và sau khi họ cắt nhiên liệu cho động cơ còn lại thì máy bay không thể hoạt động được nữa vì không còn nhiên liệu”.

Gerry Soejatman, một chuyên gia phân tích hàng không độc lập, cho biết: “Sự cố máy bay rơi ở Đài Loan có thể là một sai lầm vô tội. Tôi sẽ xem xét sự việc lần nữa, những thay đổi trong cách bố trí các thiết bị đo đạc động cơ của máy bay (so với phiên bản cũ của ATR72) có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn”.

Theo Straits Times 
Chia sẻ