Mất ăn tết vì ATM liên ngân hàng 'đứt gánh'

Theo VTC,
Chia sẻ

Công việc cuối năm bận rộn không tiện ra ngân hàng, hoặc chủ quan tin tưởng vào sự thuận tiện của các cây ATM, không ít người đã phải khóc ròng vì khoản tiền tiêu tết bỗng dưng bị đóng băng.

Hết Tết mới được nhận tiền thưởng Tết

Chiều 28 Tết, nhận được tin báo tiền thưởng đã đổ về tài khoản MB Bank - nơi cơ quan trả lương hàng tháng, chị Hà, nhân viên một công ty truyền thông vui mừng chạy đi rút với dự định mua sắm cuối năm. Sau khi nháo nhào qua hàng loạt máy ATM của MB Bank đều báo lỗi và hết tiền, chị liền thử vận may với một cây ATM của Vietinbank, nơi thỉnh thoảng chị vẫn rút liên ngân hàng thành công.

Thế nhưng, không chỉ chưng hửng với thông báo giao dịch thất bại, chị còn giật mình khi hệ thống gửi tin nhắn tới điện thoại cho biết tài khoản của chị đã bị trừ tiền, cộng với phí giao dịch 3.300đ. Chị lập tức gọi điện đến tổng đài thông báo sự việc, thì được nhân viên tư vấn hẹn sẽ truy soát và trả lời trong vòng 21 ngày làm việc. Tính cả 9 ngày nghỉ Tết Âm lịch, khoản tiền của chị bỗng dưng bị đóng băng trong gần một tháng.

 Công nhân viên chức xếp hàng dài chờ rút tiền ở ATM.

Với một công chức bình thường lương tháng chưa đầy 5 triệu đồng, tiền bị giữ lại 30 ngày đồng nghĩa với hàng loạt dự định của chị trong dịp Tết phải gác lại.

Chị Hà không phải trường hợp hiếm hoi gặp chuyện không may như vậy trong những ngày cuối năm. Nhu cầu rút tiền tăng đột biến đã khiến phần lớn các cây ATM của hầu hết các ngân hàng đều trong tình trạng quá tải, chưa kể máy móc, phần mềm gặp trục trặc, đặc biệt khi rút tiền liên ngân hàng. Bực mình vì chờ đợi, máy hết tiền, giao dịch không thành công, nhiều người còn khóc dở mếu dở vì 'dông cả năm' với khoản tiền lớn bị om qua Tết, đặc biệt là công nhân nhận lương qua thẻ và học sinh, sinh viên - những đối tượng có túi tiền eo hẹp.

Người rút liên ngân hàng bị 'phân biệt đối xử'?

Trên diễn đàn mạng, một bạn sinh viên bức xúc chia sẻ: Cũng do rút tiền liên ngân hàng, bạn đã bị 'đóng băng' khoản tiền gia đình gửi lên, nên năm hết tết đến mà vẫn phải muối mặt vay mượn bạn bè để mua vé về quê.

Nhiều thành viên cho biết mình cũng từng rơi vào hoàn cảnh tương tự, đồng thời đặt ra nghi vấn: Có phải do cuối năm số tiền vào ATM có hạn, nên các ngân hàng đã bí mật áp dụng chính sách ưu tiên cho khách giao dịch bằng thẻ của mình và hạn chế khách sử dụng thẻ liên ngân hàng hay không?

Trao đổi về vấn đề này, anh Cao Nguyên Vinh, Trung tâm Chăm sóc Khách hàng Vietcombank phân tích, không có chuyện ưu tiên người dùng thẻ trong ngân hàng bởi máy móc là hoàn toàn tự động; trong hoàn cảnh quá tải thì rút tiền trong hay ngoài ngân hàng đều có một xác suất gặp lỗi giao dịch. Tuy nhiên, giữa các hệ thống khác nhau thì  rõ ràng xác suất gặp lỗi cũng cao hơn.

Anh Vinh tư vấn, trong giai đoạn này, tốt nhất khi có nhu cầu lớn về tiền mặt, khách hàng nên chủ động rút tiền ở các chi nhánh giao dịch; còn trường hợp phải dùng máy giao dịch tự động thì tốt nhất nên rút đúng cây ATM của ngân hàng mà mình mở tài khoản để nếu có sự cố xảy ra, việc tra soát và giải quyết cũng sẽ nhanh gọn, dễ dàng hơn.

Chị Nguyễn Thị Mai Phương, Phòng Chăm sóc khách hàng MBBank chi nhánh Đống Đa cho biết thêm, do giai đoạn cuối năm một số ngân hàng tiến hành nâng cấp hệ thống, thay mới các cây ATM cũ, nên việc xảy ra lỗi khi kết nối giữa các hệ thống ngân hàng là khá thường gặp.

Đối với câu hỏi nếu khách hàng đang cần tiền gấp thì có thể hỗ trợ xử lý nhanh hơn hay không, các ngân hàng đều cho biết điều này rất khó khả thi vì tất cả phải thực hiện đúng quy trình và phụ thuộc vào phía ngân hàng liên minh, nơi sở hữu cây ATM mà khách hàng đã giao dịch.

Về quyền lợi của khách hàng bị lỗi rút tiền, tư vấn viên của các ngân hàng lớn như MBBank, Vietcombank, Techcombank đều cho hay, sau thời gian đối soát (từ 10 đến 30 ngày làm việc tùy theo hệ thống liên minh thẻ, không kể thứ Bảy, Chủ nhật và ngày lễ tết), ngoài khoản tiền bị trừ do lỗi giao dịch, chủ tài khoản cũng sẽ được hoàn lại 3.300đ tiền phí giao dịch liên ngân hàng.

Tuy nhiên, do được coi như đã rút khỏi tài khoản nên số tiền bị đóng băng sẽ không được hưởng lãi, cho dù thực tế khách hàng chưa nhận được và do đó chưa hề được sử dụng số tiền định rút của mình.

Trong mọi trường hợp, người thiệt thòi vẫn cứ là khách hàng và tốt nhất, trước khi chờ đợi ai đó giải quyết, mỗi người nên tự trang bị cho mình những cách xử lý tình huống nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro do phụ thuộc vào ATM.

Một vài lời khuyên cho khách hàng sử dụng ATM dịp tết:

- Nếu khoản tiền định rút thực sự quan trọng và cần gấp, nên hạn chế rút liên ngân hàng để tránh tiền bị giữ lại để tra soát lâu khi xảy ra lỗi giao dịch.

- Bảo vệ kĩ thẻ ATM và số pin của mình, thận trọng khi giao dịch và hết sức hạn chế nhập sai mật mã nếu bạn không muốn 'chết đói trên đống tiền' trong thời gian ngân hàng nghỉ Tết.

- Khi giao dịch báo lỗi, đừng vội vàng thực hiện lại giao dịch vì nguy cơ bị giữ tiền cũng theo đó tăng lên. Ví dụ: nếu rút 5 triệu đồng lần 1 thất bại, bạn tiếp tục đưa thẻ vào lần 2, lần 3... thì số tiền bị om lại có thể lên đến 10, 15... triệu đồng. Tốt nhất, nên thử bắt đầu với một số tiền vừa phải và chờ khoảng 15-30 phút rồi kiểm tra lại số dư tài khoản trước khi bắt đầu lượt giao dịch mới.
Chia sẻ