Masahisa Fukase - nhiếp ảnh gia ám ảnh chụp đúng một điều: Người vợ yêu dấu

Thạch Anh,
Chia sẻ

Nhiếp ảnh gia Nhật Bản Masahisa Fukase tập trung một cách ám ảnh vào việc chụp người vợ và cũng là nàng thơ của ông từ ngày Fukase gặp nàng tới khi chia lìa.

Tác phẩm nổi tiếng nhất của Masahisa Fukase là cuốn sách ảnh "Sự cô đơn của bầy quạ" xuất bản năm 1986. Vào năm 2010, một ủy ban chuyên gia đã bầu chọn nó là bộ sách ảnh danh giá nhất trong 25 năm.

Giống như mọi tác phẩm của Fukase, nó là kết tinh trong tâm trí u sầu và đầy ám ảnh của ông. Đàn quạ - dù được chụp khi đang bay hay đậu trên cành cây, được khắc họa trong những bức ảnh đen trắng tương phản cao đầy nhiễu hạt, là một biểu tượng cho nỗi đau của sự chia lìa giữa ông với người vợ thứ hai - Yoko.

Yoko là chủ thể của một loạt ảnh tuyệt vời khác mang tên "Từ cửa sổ" mà Fukase thực hiện vào năm 1974. Lần đầu tiên được trưng bày tại châu Âu vào 7 năm trước, loạt ảnh này đã được xuất hiện bên các tác phẩm của Daido Moriyama và Eikoh Hosoe, hay thậm chí một vài tài năng mới nổi khác trong giới nhiếp ảnh Nhật.

Ảnh chụp Yoko giống như một loạt các bức chụp nhanh không hề sắp xếp, với đủ biểu cảm khác nhau của bà như khi cố tình làm mặt xấu, tạo dáng sành sỏi hay thậm chí đơn giản là hét lên với ông trước khi rời căn hộ của họ.

Masahisa Fukase: Có một tâm hồn nhiếp ảnh chỉ muốn yêu và ám ảnh chụp đúng một điều - người vợ yêu dấu - Ảnh 2.

Với vẻ ngoài là những lát cắt đời thường của cuộc sống, ẩn ý đằng sau mới là thứ làm nên giá trị cho các tác phẩm của Masahisa Fukase. 

Trong bộ ảnh chụp Yoko, ẩn ý bên trong được đẩy tới cực điểm của ám ảnh. Một câu hỏi đơn giản là, tại sao Fukase lại dành tới 13 năm cho một dự án chụp đúng một điều duy nhất - người vợ của ông? Hay là, cảm giác liên tục của Yoko khi bị chụp một cách dai dẳng suốt 13 năm bởi chồng mình là như thế nào?

Hẳn là, nó cũng ít nhiều đóng góp vào lựa chọn rời đi của bà. Sau này, Yoko lý giải cuộc sống chung của cả hai là chuỗi khoảnh khắc "buồn tẻ ngột ngạt xen kẽ với bạo lực và những cơn phấn khích dữ dội tới gần như muốn tự sát".

Nhưng dù sao thì, Yoko cũng từng rất nguyện ý tham gia vào dự án của Masahisa Fukase. Bà vừa "diễn sâu", vừa ăn vận, vừa tạo dáng. Thành quả là một kiểu thẩm mỹ vừa mang vẻ vui nhộn vừa có gì đấy u ám. 

Trong một bức ảnh, Yoko đang nhìn vào gương trong khi khuôn mặt được trang điểm cho có vẻ già đi nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp. Ở một bức ảnh khác, bà mặc bộ kimono và quỳ xuống ngay dưới các tác phẩm của Fukase trong một triển lãm khi khán giả đi ngang, hoàn toàn không để ý tới dáng vẻ kỳ lạ của bà hay việc bà đang tạo dáng.

Masahisa Fukase: Có một tâm hồn nhiếp ảnh chỉ muốn yêu và ám ảnh chụp đúng một điều - người vợ yêu dấu - Ảnh 3.

Guardian nhận định đối với Masahisa Fukase, chiếc máy ảnh giống như một phương tiện để ông cố gắng kiểm soát Yoko cũng như thế giới xung quanh. Ông thậm chí từng nói: "Tôi làm việc và chụp ảnh với hy vọng dừng lại mọi thứ. Theo nghĩa đó, tác phẩm của tôi có thể là một vở kịch trả thù nào đó về cuộc sống hiện tại". 

Nếu tất cả các nhiếp ảnh gia đóng băng thế giới mỗi lần họ nhấn nút chụp, thì đối với Masahisa Fukase hành động đó còn mang thêm một sắc thái tối tăm - như thể thông qua việc chụp ảnh, ông có thể bằng cách nào đó khiến thời gian ngừng trôi. Yoko không phải người đầu tiên, người vợ trước đó của Fukase là Kawakami cũng liên tục được chụp và xuất hiện trong cuốn sách ảnh đầu tiên của ông.

Khi Yoko bỏ Fukase vào năm 1976, nhiếp ảnh gia bắt đầu nghiện rượu và chịu những đợt suy nhược, trầm cảm nặng nề. Trong những tháng sau khi chia ly, ông tập trung chụp ảnh lũ quạ mình thấy ở mỗi ga tàu trên đường về nhà với cùng đôi mắt từng chụp Yoko.

Ông liên tục chụp quạ tới năm 1982, khi ông tái hôn. Trong thần thoại Nhật Bản, quạ là một sinh vật hay gây rối, điềm xấu về những khoảng thời gian sóng gió, đồng thời cũng là biểu tượng của tình yêu đã mất và một trái tim vỡ nát tới gần như không thể chữa lành.

Masahisa Fukase: Có một tâm hồn nhiếp ảnh chỉ muốn yêu và ám ảnh chụp đúng một điều - người vợ yêu dấu - Ảnh 4.

Nếu "Sự cô đơn của bầy quạ" là một bản thánh ca buồn về sự mất mát và trái tim tan vỡ, thì loạt ảnh chụp Yoko được xem là giai đoạn hân hoan được cô đọng hơn trong cuộc đời ông khi vẫn còn tình yêu. Chúng được in ra từ tâm trí của người tạo ra chúng: đó là một kiểu tự truyện ám ảnh và sâu sắc, với chủ thể chính thực ra không phải quạ, cũng chẳng phải Yoko, mà chính là người đứng sau ống kính - Masahisa Fukase. 

Năm 1982, Fukase viết, ông "đã trở thành một con quạ". Như chính 6 năm trước đó, chính tâm hồn của ông đã phóng chiếu qua Yoko và một phần của ông đã trở thành Yoko.

Masahisa Fukase qua đời năm 2012, 40 năm sau khi "làm một con quạ", 20 năm sau khi chìm vào hôn mê, suýt chết vì một cú ngã cầu thang tại quán bar ưa thích.

Yoko đến thăm ông 2 tháng một lần suốt 2 thập kỷ trống rỗng đó. Điều đau lòng và bi kịch là ông không nhận thức được, cũng chẳng đóng băng được thời gian nữa.

"Anh ấy mãi là một phần nhân dạng của tôi", Yoko nói, thêm vào: "Với máy ảnh đặt trước mắt, anh ấy mới có thể nhìn được, thiếu đi thì không".

Masahisa Fukase: Có một tâm hồn nhiếp ảnh chỉ muốn yêu và ám ảnh chụp đúng một điều - người vợ yêu dấu - Ảnh 5.

Đối lập với bóng tối trong đời của Masahisa Fukase, "Từ cửa sổ" là một giai âm rực rỡ tươi sáng đối chọi với những huyền thoại được thêu dệt xung quanh ông và tác phẩm của ông. Cuối cùng, chủ đề mà người xem rút được từ những tác phẩm vừa hồn nhiên vừa tăm tối, ở cả lũ quạ hay Yoko là gì, hãy tự nhìn bằng đôi mắt của chính mình!

Nguồn: Guardian

Chia sẻ