Mạng xã hội: Công cụ nhân rộng sự ngược đãi?

Trần Trang,
Chia sẻ

Xử sự tàn ác, ngược đãi với người khác thì không có gì là mới, nhưng với sự giúp đỡ của công nghệ, của thế giới ảo, sự sỉ nhục ấy được khuếch đại và còn lưu lại mãi mãi.

Nạn nhân của ngược đãi trên mạng: từ người thường đến hạng sao

Ngược đãi, xử sự tàn ác với người khác bằng lời nói không còn là chuyện lạ trên mạng xã hội. Hằng ngày, bất kể ai theo dõi những người nổi tiếng (ca sĩ, người mẫu…) trên Facebook, không khó để tìm thấy những lời chê bai, dè bỉu, thậm chí thóa mạ nhân vật chính dưới mỗi bài đăng hoặc tấm ảnh. Những góc cạnh đời tư, cá nhân nhất của họ dễ dàng bị dân mạng đem ra làm chuyện bàn tán, thậm chí bới móc, sỉ vả.

Những người của công chúng có những cách khác nhau để đối phó với những cơn “bão” scandal, trước “gạch đá” của công chúng, nhưng sự vụ mới đây nhất như chuyện Thánh cô cô bóc – “tập đoàn” những kẻ moi móc chuyện to, chuyện nhỏ của làng sao Việt hay scandal của Hồ Ngọc Hà thì quả thực khó đỡ. Với những nhân vật bị “Thánh cô” bóc mẽ những chuyện kín, chuyện hở về đời tư, những ồn ào xung quanh ít nhiều khiến họ khốn đốn, ảnh hưởng hình ảnh cá nhân, bị công chúng “chất vấn”, tò mò đời tư nhiều hơn; còn với scandal của ca sĩ Hồ Ngọc Hà, những gạch đá của dân mạng không chỉ khiến ca sĩ này bị ảnh hưởng nghiêm trọng về tinh thần mà còn cả về quyền lợi về kinh tế.

Bắt đầu từ thông tin (chưa được xác thực) tình cảm giữa Hồ Ngọc Hà và Cường Đô la đang rạn nứt, Hồ Ngọc Hà đang có quan hệ tình cảm thân mật với một đại gia, là kẻ thứ ba phá vỡ hạnh phúc gia đình đại gia nọ, cô ca sĩ này đã trở thành tâm điểm soi mói, lên án, thậm chí tẩy chay của dân mạng. Bắt đầu từ một trang web dành cho phụ nữ với hàng loạt topic về chuyện của Hồ Ngọc Hà, thu hút hơn 6.000 comment, hơn 1,6 triệu lượt xem trong vòng chưa tới một tháng, các “bà mẹ bỉm sữa” nhảy xổ vào thóa mạ, lên án, “dập” Hồ Ngọc Hà tơi bời. Họ sục sạo các trang mạng khác, chia sẻ những thông tin, hình ảnh để chứng minh, Hồ Ngọc Hà là kẻ phá hoại hạnh phúc người khác, tự nhận mình là “đứng về phía nước mắt”, tức vợ của đại gia kia và hô hào nhau “khủng bố tinh thần” Hà Hồ, sẵn sàng áp đảo, chửi bới, làm nhục những người lên tiếng bênh vực cô ca sĩ hay khuyên họ giữ bình tĩnh.
ngược đãi
Hồ Ngọc Hà trở thành đối tượng bị các bà mẹ bỉm sữa ném đá, tẩy chay.

Không dừng lại ở việc ném đá vào tinh thần, “liên minh các bà mẹ bỉm sữa” thậm chí còn “đánh” vào kinh tế của Hồ Ngọc Hà, cụ thể là các nhãn hàng quảng cáo mà cô đại diện. Họ lập nên một trang gọi là “Hội tẩy chay Hồ Ngọc Hà”, hiện đã có hơn 23. 000 thành viên và vẫn không ngừng tăng lên mỗi ngày, họ gửi thư đến nhà sản xuất các nhãn hàng mà Hồ Ngọc Hà là người đại diện để yêu cầu hủy bỏ hợp đồng, cổ vũ cho phong trào không mua sắm các sản phẩm có liên quan đến Hồ Ngọc Hà với các khẩu hiệu: “Hóa đơn không Hà”, “Mua một món hàng của hãng X là bạn đã làm giàu cho kẻ chuyên đi phá vỡ hạnh phúc của gia đình khác”, “Mua hàng khác tránh mác Hà Hồ”… và chia sẻ hàng trăm lượt bài viết, hình ảnh của “chiến dịch tẩy chay” của mình. Chưa biết thực tế, Hồ Ngọc Hà và các nhãn hàng có ký hợp đồng quảng cáo với cô đã thiệt hại bao nhiêu, nhưng chắc chắn, tất cả đã vạ lây khi bị những cư dân mạng dùng quyền của người tiêu dùng để “trừng phạt” họ. Một số nhãn hàng thậm chí đã gỡ bỏ những hình ảnh, video clip quảng cáo sản phẩm có hình ảnh của Hồ Ngọc Hà.

ngược đãi
Không dừng lại ở việc "ném đá" cá nhân, dân mạng còn khiến nhiều nhãn hàng tiêu dùng vạ lây.

Không chỉ người của công chúng, ngay cả những con người bình thường, một ngày nào đó, có thể trở thành nạn nhân của những màn ngược đãi qua mạng. Nạn nhân nổi tiếng nhất đã từng công khai những trải nghiệm đau đớn của mình, có lẽ là Monica Lewinsky - nữ thực tập sinh Nhà Trắng Mỹ, người từng làm kinh động cả thế giới vào năm 1998 với vụ scandal “tình dục” với cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton. Khi vụ việc bị đổ bể hồi tháng 1/1998, chỉ qua một đêm, cô gái 24 tuổi từ một con người hoàn toàn riêng tư trở thành một kẻ bị sỉ nhục công khai trên khắp thế giới. Đó có lẽ là nạn nhân đầu tiên bị mất thanh danh cá nhân trên quy mô toàn cầu.

Monica nhớ lại, lúc đó tuy chưa có mạng xã hội, người ta vẫn có thể bình luận online, gửi chuyện này qua email và dĩ nhiên gửi cả những chuyện đùa cợt ác ý. Sau đó là quãng thời gian mà cả cha mẹ cô đều lo sợ rằng cô sẽ bị sỉ nhục đến chết: “Tôi đã mất gần như mọi thứ và suýt mất cả mạng sống mình. Mỗi tối, mẹ đã phải ngồi cạnh bên giường con gái vì sợ tôi quẫn trí. Ngay cả khi đi tắm, tôi cũng buộc phải để cửa phòng tắm mở”.

ngược đãi
Bị khủng bố trên mạng, nhiều người đã bị ảnh hưởng tâm lý, thậm chí tự sát.

Không vượt qua được nỗi đau như Monica, nhiều người thường khác đã vĩnh viễn trở thành người cõi khác sau khi bị ngược đãi qua mạng. Đó là câu chuyện của một nữ sinh lớp 12 ở Hà Nội đã uống thuốc diệt cỏ tự vẫn vì bị bạn học chế ảnh “nóng”, bêu xấu trên Facebook; là một nữ sinh Đà Nẵng tự tử ngay trước kì thi tốt nghiệp vì bị nhục mạ trên trang Facebook “Bộ mặt thật của các hot teen Đà Thành” bằng những lời lẽ tục tĩu, thông tin bịa đặt, xúc phạm nhưng may mắn được cứu sống; là Tyler Clementi, một sinh viên 18 tuổi của Đại học Rutgers (Mỹ) nhảy cầu tự tử khi bị chế giễu, bắt nạt sau khi đoạn clip thân mật của cô bị một người bạn chung phòng bí mật ghi hình và tung lên mạng; là Callum Moody-Chapman (Anh) trầm mình dưới biển vì bị một nam sinh 17 tuổi khác liên tục đe dọa, miệt thị trên tài khoản Facebook; hay mới đây nhất là chuyện bé gái Izabel Laxamana 13 tuổi (Mỹ) nhảy cầu tự tử sau khi video quay lại cảnh cha cô bé sỉ nhục, cắt tóc để trừng phạt con gái xuất hiện trên Youtube…

Ngược đãi được “tiếp sức” bởi mạng xã hội

Khi chuyện của Monica xảy ra cách đây gần 20 năm, nó vẫn còn là một điều xa lạ. Nhưng giờ, hiện tượng “bắt nạt trên mạng”, “ngược đãi qua mạng” hay còn gọi là “quấy rối trực tuyến” đã được nhìn nhận như một hiện tượng. Monica có thể được coi là nạn nhân đầu tiên, nhưng chắc chắn, cô gái ấy không phải là nạn nhân cuối cùng của cái gọi là “văn hóa sỉ nhục online” hay nói theo ngôn ngữ thời thượng là “ném đá” đang bị biến thái dần như một trong những mặt trái của internet. Những câu chuyện đau lòng như thế, có lẽ sẽ chưa chấm dứt, nếu những kẻ bạo hành qua bàn phím vẫn còn “lộng hành”.
Những lời nói, những dòng chữ tưởng như vô cảm khi bàn tay gõ tách tách trên máy lại có sức nặng “nghìn cân”, như dao nhọn, súng đạn dễ dàng khiến nạn nhân thương tổn nặng nề. Internet và mạng xã hội cho con người thêm công cụ, thêm sự lựa chọn tìm kiếm, lan tỏa thông tin, và cũng từ đó, những hành vi “ném đá trên mạng” được nhân rộng hơn, gây hậu quả nghiêm trọng hơn.

Đúng như lời Monica chia sẻ, “xử sự tàn ác với người khác thì không có gì là mới, nhưng với sự giúp đỡ của công nghệ, của thế giới ảo, sự sỉ nhục ấy được khuếch đại và còn lưu lại mãi mãi. Nếu như sự xấu hổ ở thế giới thực chỉ trong phạm vi gia đình, làng xóm, trường học hay cộng đồng xung quanh, thì ở thế giới ảo, hàng triệu người có thể đâm vào tim bạn bằng những lời lẽ của họ”. Luật pháp cũng đã có chế tài xử phạt những kẻ gián tiếp bằng lời nói hay hành động gây đến cái chết cho người khác, nhưng vấn đề đặt ra là, không có gì khẳng định được kẻ nào, lời bình luận của ai là giọt nước tràn ly, khiến nạn nhân gục ngã.

Nguyên nhân để một ai đó bị ngược đãi trên mạng, bị bạo hành bằng những lời lẽ độc ác của dân mạng đôi khi… lãng xẹt, đó là khi một người của công chúng mặc một chiếc váy không tôn dáng, khi một người thường có phát ngôn đặc biệt, chia sẻ quan điểm sống khác với đám đông. Với những nạn nhân là người nổi tiếng, người của công chúng, biết trước cái giá của sự nổi tiếng, họ có thể đủ bản lĩnh để lờ đi những gạch đá xấu xí mà thiên hạ dành cho mình, nói một cách đời thường, gạch đá bao nhiêu xe ném vào, họ nhận hết để dành “xây biệt thự”. Tuy nhiên, với những người vô tình bị nổi tiếng hoặc “lỡ miệng” chia sẻ quan điểm khác thường, những màn công kích dồn dập từ đám đông dễ khiến họ bị hoảng loạn, lo sợ và ám ảnh.

ngược đãi
Những màn tung ảnh "tình địch" nhờ tư vấn thế này không thiếu trên mạng xã hội.

Thậm chí, cộng đồng mạng còn vô duyên và rỗi việc đến mức, họ sẵn sàng hùa nhau “đánh hội đồng”, áp đảo tin thần, dọa nạt, xúc phạm danh dự một ai đó chỉ vì… ngứa mắt. Facebook cá nhân của người bị “đánh” cũng có thể bị dân mạng xâm nhập, lục lọi và những hình ảnh, thông tin cá nhân của người đó hoàn toàn có thể bị lôi ra chế, xuyên tạc, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, mà những kẻ “thủ ác” chẳng phải chịu trách nhiệm gì. Một lời bình luận đưa ra nhằm thỏa mãn “tâm trạng” của cư dân mạng mang theo sự tàn nhẫn có thể sẽ khiến một ai đó tổn thương hoặc phá hỏng cuộc đời của một con người.

Chàng trai đăng tuyển vợ “còn trinh” nhận hơn 10.000 tin nhắn “khủng bố” và hàng trăm cuộc gọi vì một bản tin vu vơ do người khác đăng trên trang cá nhân; một single mom chia sẻ quan điểm rằng con chị vẫn hạnh phúc khi cha mẹ ly hôn đã bị thóa mạ, bị hăm dọa; một người mẹ đơn thân chân ngắn chia sẻ bí quyết nuôi con chân dài, cư dân mạng cũng nhảy sổ vào thóa mạ… - những câu chuyện như vậy, bao giờ sẽ dừng lại?

Chia sẻ