VP Luật sư Chu Đông và Cộng sự

Ly hôn đơn phương - dễ hay khó?

,
Chia sẻ

Thủ tục và thời gian để giải quyết ly hôn khi một trong hai vợ chồng không đồng ý

Tôi kết hôn với anh Hải năm 2005 và đã có 1 con gái được 19 tháng. Tuy nhiên, cuộc sống giữa tôi và gia đình chồng sau khi cưới không thể hòa hợp được. Bố mẹ chồng luôn có lời lẽ chê bai, xúc phạm tôi là ăn bám gia đình họ (dù tôi đã có công việc ổn định) và đó cũng chính là lý do khiến chúng tôi nảy sinh mâu thuẫn (Tôi quê ở Thanh Hoá, còn nhà chồng ở Hà Nội).

 

Đã nhiều lần tôi đề nghị chồng ở riêng để tránh việc đụng chạm nhưng anh không đồng ý vì anh là con trai duy nhất. Cũng chính vì là con trai duy nhất nên anh rất được gia đình cưng chiều, có vợ con rồi nhưng vẫn quen thói ý lại, không chịu giúp đỡ vợ bất cứ việc gì. Nửa năm trở lại đây anh còn thường xuyên rong chơi, nhậu nhẹt, nhiều khi uống rượu say về còn đánh đập tôi trong khi gia đình không hề can thiệp. Thậm chí có lần hàng xóm phải đưa tôi vào viện. Nay nhận thấy tình cảm vợ chồng đã hết, tôi không muốn tiếp tục sống những tháng ngày đen tối thêm nữa nên đã nhiều lần đề nghị chồng ký vào Đơn xin ly hôn nhưng anh ta không chịu ký và không đồng ý ly hôn. Tuy vậy, anh ta cũng không hề bày tỏ ý chí sẽ cải thiện tình hình để hàn gắn cuộc hôn nhân. Vậy xin được hỏi tôi có thể đơn phương xin ly hôn được không? Nếu được thì thời gian giải quyết là bao lâu và nơi nào giải quyết? (Nguyễn Thu Lan – Hai Bà Trưng – Hà Nội)

        

Trả lời:

 

Căn cứ vào nội dung chị trình bày, những vấn đề chị hỏi chúng tôi xin được trả lời như sau:

1. Về quyền yêu cầu của Toà án giải quyết việc ly hôn và thẩm quyền giải quyết

Theo quy định của Khoản 1 Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (Luật HNGĐ), chị có quyền làm đơn đơn phương xin ly hôn mà không nhất thiết phải có chữ ký đồng ý của anh Hải. Chị có thể gửi đơn lên toà án quận, huyện, thị xã nơi chị và anh Hải đang cư trú để yêu cầu giải quyết theo điểm a, khoản 1 Điều 33, điểm a, khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (BL TTDS).

Nếu chị nộp đơn xin ly hôn đơn phương, thì sau 4 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án, tuỳ từng trường hợp Toà án ra một trong các quyết định sau đây:

a. Công nhận sự thoả thuận của các đương sự;

b. Tạm đình chỉ giải quyết vụ án;

c. Đình chỉ giải quyết vụ án;

d. Đưa vụ án ra xét xử.

Và trong thời hạn một tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà; trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là hai tháng.

2. Về  căn cứ xin ly hôn

Theo quy định của Luật HNGĐ:

Vợ chồng chung thuỷ, thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững (Điều 18)

Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có nghĩa vụ và quyền ngang nhau về mọi mặt trong gia đình (Điều 19).

Vợ, chồng tôn trọng và giữ gìn danh dự, nhân phẩm, uy tín cho nhau. Cấm vợ, chồng có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của nhau (Điều 21).

Vợ, chồng tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau; không được cưỡng ép, cản trở nhau theo hoặc không theo một tôn giáo nào (Điều 22).

Vợ, chồng cùng bàn bạc, giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau chọn nghề nghiệp; học tập, nâng cao trình độ văn hoá, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội theo nguyện vọng và khả năng của mỗi người. (Điều 23).

Khi giải quyết yêu cầu xin ly hôn, Toà án xem xét các quan hệ vợ chồng nói trên có bị xâm phạm không, khi đó:

Toà án xem xét yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Toà án quyết định cho ly hôn (Điều 89 Luật HNGĐ).

Tại mục 8 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật HNGĐ đã giải thích rõ hơn quy định trên, cụ thể như sau:

a.1. Được coi là tình trạng của vợ chồng trầm trọng khi:

Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan,tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan,tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

 Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình;

a.2. Để có cơ sở nhận định đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được, thì phải căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm trọng như hướng dẫn tại điểm a.1 mục 8 này. Nếu thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hoà giải nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau, thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.

a.3. Mục đích của hôn nhân không đạt được là không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng;...;

Đối chiếu những trình bày của chị về đời sống vợ chồng với những quy định của pháp luật đã nêu ở trên, quan hệ vợ chồng của chị thực sự đã trở nên trầm trọng, không thể kéo dài được nữa, phù hợp với quy định của Luật HNGĐ và Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP. Vì vậy, chị đủ căn cứ để xin ly hôn và nộp đơn xin ly hôn đơn phương.

 
 
VP Luật sư Chu Đông và Cộng sự
Số 10 đường Yên Phụ Ba Đình - HN
Chia sẻ