Lương lãnh đạo 36 triệu đồng/tháng: Thu nhập không tương xứng

Theo Soha/ Trí thức trẻ,
Chia sẻ

Khi thông tin này được Chủ tịch HĐQT ngân hàng BIDV đưa ra đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối nhưng cũng có không ít người đồng tình, ủng hộ quan điểm này.

Tại Hội nghị của Chính phủ triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước 2014 - 2015, Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) ông Trần Bắc Hà cho rằng: “Hiện nay, cái gì cũng vận hành theo nguyên tắc thị trường, nhưng riêng tiền lương thì không theo thị trường”.

Ông Hà băn khoăn không biết hiện nay chúng ta lấy căn cứ nào để tính tiền lương của Chủ tịch Tập đoàn doanh nghiệp Nhà nước ở mức 36 triệu đồng/tháng. Chủ tịch BIDV nói về mức lương 36 triệu đồng/tháng: “Thu nhập kiểu này không sống được cũng phải sống vì dù sao vẫn còn cao hơn công chức Nhà nước. Nhưng mức lương này chưa phù hợp với thực tiễn, chưa tạo được động lực cho người đứng đầu DN ra sức cống hiến”.

Lương lãnh đạo 36 triệu đồng/tháng: Thu nhập không tương xứng 1
Ảnh minh họa

Ngay lập tức, thông tin này đã vấp phải sự tranh cãi gay gắt từ phía cộng đồng. Rất nhiều ý kiến cho rằng, mức lương này là quá cao so với mức thu nhập trung bình của đại bộ phận người dân Việt Nam nên điều ông Hà nói là “khó sống” rất khó có thể chấp nhận được. “Các lãnh đạo hưởng mức lương chính thức là 36 triệu đồng/tháng với các khoản phụ cấp khác nữa mà còn than khó sống thì người lao động ăn mức lương tối thiểu có 2,7triệu đồng/tháng thì sống sao đây?”, độc giả có nick name Bắp chia sẻ.

Lương lãnh đạo 36 triệu đồng/tháng: Thu nhập không tương xứng 2
Comment của độc giả

Bên cạnh đó, không ít người lại nhận định rằng, ý kiến này của ông Hà là hoàn toàn đúng. Bởi lẽ, với mức lương đó đối với một người có chức vị cao như ông Hà và những lãnh đạo khác thì chưa tương xứng.

"Ông Bắc Hà nói đúng.. Cần phải được hưởng theo năng lực và hiệu quả mới tránh được tham ô, vô trách nhiệm với doanh nghiệp mình đang điều hành, đồng thời tránh chảy máu chất xám... Bác nào so sánh 36 triệu gấp 6 lần lương 6 triệu của kỹ sư hay cử nhân thì hãy thử cho 6 ông cử nhân đó lên điều hành tập đoàn lớn xem.. Giả sử các ông đó cực kỳ đồng thuận không cãi nhau gì thì có mà 60 ông cũng chẳng làm nổi.. So sánh thật thiển cận quá", độc giả có nick name Chiakhoago chia sẻ.

Nick name Phuong cho hay: "Có ở vị trí lãnh đạo mới biết 36 triệu/tháng là thấp. Người ta phải lo cơm, áo, gạo, tiền cho hàng trăm, hàng ngàn công nhân, người lao động. Tức là ảnh hưởng của người ta đến xã hội lớn. Mấy người lương thấp thì sức ảnh hưởng nhỏ, đương nhiên lương thấp. Cần trả lương theo kinh tế thị trường là hợp lý".

"Đi so sánh lương của mình với chủ tịch của đơn vị nghìn tỷ. Quá khập khiễng. Hãy xem lại trí tuệ và công sức các bạn bỏ ra cho công việc. Lãnh đạo 1 doanh nghiệp làm ra lợi nhuận vài ngàn tỷ đồng/1năm mà thu nhập như vậy đúng là không tương xứng. Điều hành những đơn vị như vậy, cả trăm triệu cũng đáng", độc giả Ngân Anh nói.

Lương lãnh đạo 36 triệu đồng/tháng: Thu nhập không tương xứng 3
Comment của độc giả

"Người ta bỏ ra bao công sức, tìm hiểu nghiên cứu, giúp công ty lãi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm mà chỉ được hưởng như vậy liệu có xứng đáng không? Công sức bỏ ra bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu là đúng..... Còn những ai kêu lương thấp thì có làm được như người ta không mà kêu? Mình thấy cái gì cũng có cái lý của nó. Ai làm được nhiều thì hưởng nhiều, ai không làm được như vậy thì hưởng ít hơn. Thử hỏi các bạn có làm ra lãi vài trăm tỷ đồng như người ta không mà lên tiếng nói người ta. Mình nói vậy chỉ là vài đôi lời tới các bạn không cố gắng làm như người khác mà hay kêu ca", Song Toàn tỏ ra khó gay gắt.

Chung quan điểm trên, độc giả Nguyễn Tùng viết: "Quyền lợi đi kèm với trách nhiệm và hiệu quả công việc. Nếu lãnh đạo tốt đem lại lợi nhuận lớn, đóng thuế nhiều cho ngân sách nhà nước và công ăn việc làm tốt cho nhân viên thì 36 triệu/tháng đúng là quá thấp. Nhưng ngược lại, nếu áp dụng lương cao cho lãnh đạo cơ quan nhà nước thì cũng phải áp dụng hình thức trừ lương hay buộc thôi việc những ông lãnh đạo làm công ty thua lỗ. Thế mới là công bằng, không phải cào bằng".

Trước đó, theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), qua tổng hợp số liệu công ty mẹ của các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty hạng đặc biệt, trong giai đoạn 2008-2012, tiền lương bình quân của người lao động tăng bình quân 18,6%/năm (đạt mức 5,56 triệu đồng/tháng), cao hơn so với DN dân doanh, DN FDI.

Bộ LĐ-TB-XH cũng chỉ ra rằng, việc phân phối tiền lương vẫn còn bình quân, chưa theo vị trí công việc. Một số công ty phân phối có sự chênh lệch lớn giữa khối văn phòng và đơn vị thành viên, dùng quỹ lương, tiền thưởng của người lao động để trả thêm cho viên chức quản lý, dẫn đến tiền lương của viên chức quản lý quá cao so với quy định; tuyển dụng dư thừa dẫn đến dôi dư, Nhà nước phải giải quyết.

Chia sẻ