Lợi dụng đông người, nhiều khách tranh lấy cua dì Ba nhưng "quên" trả tiền: "Họ cố tình làm thế, tội dì lắm!"

TỨ QUÝ,
Chia sẻ

Theo những người phụ bán cua cho dì Ba, có nhiều khách ăn mặc đẹp và đi xe sang trọng vào mua cua rồi cố tình "quên" trả tiền. Thậm chí khi bị mọi người phát hiện yêu cầu trả tiền thì những khách này trả cua lại, không mua nữa khiến nhiều người dân bức xúc.

Lợi dụng đám đông để lấy cua mang đi, khi bị phát hiện thì bảo... "quên" 

Những ngày qua, "cơn sốt mâm cua hấp dì Ba" bán hết sạch trong 10 phút vẫn chưa "hạ nhiệt" nên mỗi buổi trưa, con hẻm 565 Nguyễn Trãi (quận 5, TP. HCM) luôn chật kín khách đứng chờ.

Theo người dân, vì khách chờ càng nhiều nên số lượng cua được dì Ba mang đến cũng tăng dần để ai cũng có thể mua được cua của dì sau hàng giờ chờ đợi.

Khách đông hơn nên dì Ba mừng lắm, nhiều lúc xúc động vì tình cảm của mọi người dành cho mình. Tuy nhiên dì Ba cũng có lúc buồn, khóc nghẹn khi có nhiều khách cố tình "quên" trả tiền.

"Có khách lấy cua mà không trả tiền, dì nghe nhiều người ở ngoài chứng kiến rồi nói lại chứ không biết vì lúc đó đông người tranh lựa cua. Việc này làm dì cũng buồn lắm nhưng không biết làm sao, may mắn nhờ những người dân tốt bụng hỗ trợ phụ bán rồi nhắc nhở khách trả tiền", dì Ba chia sẻ.

Theo dì Ba, có những ngày khách đông, tranh nhau mâm cua khiến dì không thể nào chen vào bán được. Chính vì thế, dì cũng không biết ai trả tiền hay chưa.

Hơn nữa dì Ba cũng lớn tuổi, tính toán lại chậm nên nên lợi dụng điều này, một số khách lấy cua rồi mang đi, khi bị phát hiện thì bảo "quên" trả tiền.

Lợi dụng đông người, nhiều khách tranh lấy cua dì Ba nhưng quên trả tiền: Họ cố tình làm thế, tội dì lắm! - Ảnh 1.

Mâm cua của dì Ba luôn tấp nập người mua mỗi ngày

"Họ cố tình không trả tiền. Tội dì Ba lắm!"

Thấy dì Ba lớn tuổi lại bán một mình với mâm cua cả chục triệu đồng nên người dân ai cũng thương. Cô Châu (48 tuổi, bán trái cây gần đó) là một trong số những người sẵn sàng tạm ngưng bán trái cây để phụ giúp dì Ba bán cua vào những ngày qua.

Cô Châu bức xúc cho biết: "Tôi đang phụ bán với dì Ba ở trong vòng vây hàng chục người thì nghe khách nói có đến 3 người cố tình không trả tiền. Đó là trường hợp 2 vợ chồng đi xe rất sang trọng lấy cua bỏ vào túi nilon rồi vội leo lên xe, định bỏ chạy thì bị một chị khách thấy kéo lại, lúc đó họ mới chịu trả tiền. Còn một người phụ nữ nữa cầm 2 con cua bự, không bỏ túi nilon định leo lên xe máy đi thì bị mọi người phát hiện, gọi lại thì khách này còn phản ứng lại rồi trả cua chứ không mua nữa".

Lợi dụng đông người, nhiều khách tranh lấy cua dì Ba nhưng quên trả tiền: Họ cố tình làm thế, tội dì lắm! - Ảnh 2.

Cô Châu là người giúp dì Ba bán cua trong nhiều ngày qua

Theo cô Châu, lúc đó mọi người yêu cầu: "Tại sao lấy cua mà bỏ đi không trả tiền, lại tính tiền cua đi chứ" thì người phụ nữ đáp lại với giọng gắt gỏng: "Từ từ tôi tính tiền". Sau đó người này trả lại cua, không mua nữa rồi lên xe bỏ đi. "Họ cố tình chứ không phải quên trả tiền đâu", cô Châu bức xúc.

"Thậm chí có một cô gái cũng lấy cua mang đi nhưng không trả tiền nên bị mọi người chặn xe lại bảo: "Trời ơi, mua cua sao không tính tiền, tội nghiệp người già lắm". Sau đó cô gái này cũng trả cua mà không mua nữa", cô Thuý (51 tuổi, phụ bán cua cho dì Ba) ngồi kế bên chia sẻ thêm về tình trạng khách cố tình không trả tiền mua cua.

Lợi dụng đông người, nhiều khách tranh lấy cua dì Ba nhưng quên trả tiền: Họ cố tình làm thế, tội dì lắm! - Ảnh 3.

Cô Thúy ngồi kế dì Ba, chứng kiến nhiều trường hợp khách hàng mua cua nhưng "quên" trả tiền.

Mâm cua hấp khoảng 50kg giá hơn chục triệu đồng của dì Ba vừa đặt xuống thì hàng chục người vây quanh, tranh nhau lựa nên chỉ vài phút đã hết sạch. Nhiều khách "chầu chực" cả tuần mới mua được cua của dì Ba.

Tuy nhiên, việc quá đông người nhưng không xếp hàng dẫn đến tình trạng lộn xộn, khó kiểm soát, khoảng 4-5 người dân tốt bụng gần đó luôn sẵn sàng túc trực, tình nguyện làm "vệ sĩ" cho dì.

Lợi dụng đông người, nhiều khách tranh lấy cua dì Ba nhưng quên trả tiền: Họ cố tình làm thế, tội dì lắm! - Ảnh 4.

Số lượng khách chen mua cua quá đông đến nỗi dì Ba không thể kiểm soát hết được.

Có 2 người phụ bán (người tính tiền, người cân cua), 2 người đứng canh vòng ngoài để nhắc nhở khách đừng "quên" trả tiền mua cua, thậm chí có thêm người điều tiết giao thông khi con hẻm ùn tắc vì mâm cua đặc biệt của dì Ba.

"Dì Ba đã già nhưng có những khách cố tình mua cua mà không trả tiền, tôi thấy không thể chấp nhận được, tội nghiệp dì ấy lắm", cô Châu chia sẻ thêm.

Nhiều người đề xuất dì Ba nên đổi phương án bán cua

Và cũng chính những người Sài Gòn hào sảng giúp đỡ dì Ba những ngày qua đã đề xuất với dì Ba đổi phương án bán cua để phục vụ nhu cầu lớn của khách được tốt hơn.

Cô Châu và mọi người đề xuất với dì Ba làm cua được bao nhiêu rồi mang ra bán trước, khi nào hết thì bán tiếp để kéo giãn lượng khách theo thời gian. Khách sẽ mua từng đợt, tránh tình trạng chen lấn xô đẩy để lựa cua. Bên cạnh đó, việc bán chia theo từng đợt cũng sẽ kiểm soát được khách, không để tình trạng mua rồi "quên" trả tiền như những lần trước.

"Hiện tại dì Ba sẽ không mang ra một lượt nữa mà mang ra từng đợt để khách mua dần. Nếu mang ra một lượt như trước thì khách ập vào một lúc, mọi người không kịp trở tay", cô Châu nói.

Lợi dụng đông người, nhiều khách tranh lấy cua dì Ba nhưng quên trả tiền: Họ cố tình làm thế, tội dì lắm! - Ảnh 5.

Dì Ba thay đổi cách bán hàng nhằm tránh những khách hàng "quên" trả tiền

Mặc dù đã chia ra từng đợt nhưng thời gian bán hết sạch cua cũng "siêu" nhanh. Mỗi lần dì Ba mang cua ra cho khách thì chỉ ít phút đã nằm gọn trong túi nilon của họ.

Mọi người cũng đang tính đến phương án yêu cầu khách xếp hàng để trật tự hơn nhưng rất khó thực hiện. Theo những người phụ bán cho dì Ba, việc xếp hàng là do ý thức của từng khách nên không thể bắt buộc được.

Chia sẻ