"Loạn" thị trường bán máy đo SpO2 giữa mùa dịch COVID-19: Bác sĩ cấp cứu hướng dẫn cách chọn mua máy chất lượng

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Theo bác sĩ, chỉ số SpO2 đơn độc không giúp chẩn đoán bệnh, sẽ có lúc kết quả đo không chính xác và người dân cần phải chú ý một số yếu tố để chọn mua được máy chất lượng, đúng mục đích sử dụng.

Bên cạnh các chỉ số huyết áp, mạch, nhiệt độ, SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi) là một chỉ số quan trọng giúp theo dõi diễn tiến bệnh, để phát hiện các trường hợp bệnh chuyển độ nặng.

Khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, máy đo SpO2 là dụng cụ quan trọng không chỉ dùng trong các bệnh viện mà còn cần thiết cho các bệnh nhân đang điều trị, theo dõi tại nhà.

Chính vì thế, thị trường máy SpO2 thời gian gần đây trở nên sôi động. Trên mạng xã hội và các website mua sắm, hàng loạt máy đo SpO2 nhiều thương hiệu được quảng cáo chất lượng, giúp bảo vệ sức khỏe với đủ giá cả khác nhau khiến người mua "loạn não", không biết phải chọn thế nào.

Tuy nhiên theo bác sĩ Trần Thị Thanh Tuyền, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), chỉ số SpO2 đơn độc không giúp chẩn đoán bệnh.

Độ chính xác khi đo chỉ số SpO2 phụ thuộc một số yếu tố, và bệnh nhân cần chú ý thêm các triệu chứng kèm theo để liên hệ nhân viên y tế hỗ trợ cần thiết.

"Loạn" thị trường bán máy đo SpO2 giữa đại dịch COVID-19: Bác sĩ cấp cứu hướng dẫn cách chọn mua máy chất lượng - Ảnh 1.

Bác sĩ Trần Thị Thanh Tuyền.

Nhằm giúp người dân hiểu rõ và biết cách lựa chọn máy đo SpO2 phù hợp, bác sĩ Tuyền chia sẻ những thông tin cụ thể như sau: 

1. Máy đo SpO2 hoạt động thế nào?

Máy đo SpO2 hay máy đo oxy theo nhịp mạch (pulse oxymeter) dùng để đo độ bão hòa oxy máu ngoại biên, là phương pháp nhanh, tương đối chính xác giúp đánh giá tình trạng oxy trong máu.

Máy có cấu tạo chính gồm nguồn sáng đèn LED và cảm biến ánh sáng đặt đối diện nhau. Ánh sáng xuyên qua vật cản như ngón tay được mô, hemoglobin trong máu hấp thụ một phần, còn lại sẽ đi đến cảm biến.

Từ lượng ánh sáng hấp thụ, máy sẽ ước lượng độ bão hòa oxy trong máu (tỉ lệ %).

"Loạn" thị trường bán máy đo SpO2 giữa đại dịch COVID-19: Bác sĩ cấp cứu hướng dẫn cách chọn mua máy chất lượng - Ảnh 2.

Máy đo chỉ số SpO2 dạng kẹp tay.

2. Cách đo đúng

Tùy theo loại máy có thể đo ở tai, ngón tay, trán,… và cần tuân theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất. Với loại máy thường gặp đo ở ngón tay chú ý các điểm sau:

- Thư giãn, làm ấm tay trước.

- Đặt ngón tay ngay ngắn, phù hợp kích thước của đầu dò của máy, thường ngón giữa hoặc ngón trỏ.

- Trước khi đo loại bỏ lớp sơn móng tay, nếu cấp cứu có thể xoay ngón tay đo ở mặt không sơn.

- Không rung lắc, cử động khi đo.

- Chờ vài giây cho tới khi màn hình hiển thị con số ổn định và đọc kết quả.

"Loạn" thị trường bán máy đo SpO2 giữa đại dịch COVID-19: Bác sĩ cấp cứu hướng dẫn cách chọn mua máy chất lượng - Ảnh 3.

Cách đo chỉ số SpO2 kẹp ngón tay.

3. Các yếu tố khiến kết quả đo không chính xác

- Sơn móng tay, móng tay giả.

- Tình trạng tăng sắc tố ở da.

- Da quá dày.

- Bệnh nhân cử động, run.

- Tưới máu kém ở nơi cần đo (do tụt huyết áp, nhiệt độ lạnh).

- Ngộ độc CO.

- Bệnh lý hồng cầu, thiếu máu nặng.

- Tiếp xúc trực tiếp nguồn sáng chói vào đầu dò (ánh sáng mặt trời, đèn phòng mổ).

"Loạn" thị trường bán máy đo SpO2 giữa đại dịch COVID-19: Bác sĩ cấp cứu hướng dẫn cách chọn mua máy chất lượng - Ảnh 4.

Sơn móng tay có thể khiến kết quả đo SpO2 không chính xác.

4. Phân tích kết quả

Kết quả SpO2 bình thường dao động 95%-100%, có chênh lệch với độ bão hòa oxy máu động mạch khoảng 4%.

Kết quả <=93% là dấu hiệu giảm oxy máu.

Nếu kết quả thấp dưới 80% cho biết tình trạng giảm oxy máu nặng.

Bệnh nhân giảm oxy máu cần đo SpO2 nhiều lần để theo dõi diễn tiến tình trạng giảm oxy máu.

Tình trạng giảm oxy máu thường có các triệu chứng khác thường kèm theo:

Thở nhanh, khó thở.

Rối loạn tri giác.

Mạch nhanh >100 lần/phút.

Xanh tím đầu ngón tay, chân, mặt, môi.

Đau ngực.

Cần thông báo cho nhân viên y tế để được tư vấn và theo dõi, nhập viện điều trị khi cần thiết, cả trong trường hợp giảm oxy máu không triệu chứng.

5. Cách chọn mua máy SpO2

Mỗi hãng, mỗi dòng máy sẽ có cấu tạo, chất liệu đầu dò khác nhau dẫn tới độ chính xác, độ bền cũng khác nhau.

Các loại máy dùng ở bệnh viện được kiểm định kĩ thuật và độ chính xác cao so với các máy cá nhân có thể tự mua ở nhà thuốc.

Các thiết bị điện tử có tích hợp đo SpO2 như đồng hồ thông minh, thiết bị theo dõi luyện tập thể dục thể thao thường không được kiểm định y khoa, không dùng được trong các mục đích y khoa như chẩn đoán và theo dõi bệnh.

Nên chọn máy theo các nhãn hàng uy tín, chế độ bảo hành tốt, giá thành phù hợp, mua tại cơ sở kinh doanh được cấp phép.

Các điểm cần chú ý khi sử dụng máy SpO2:                                        

Thực hiện cách đo đúng để cho kết quả chính xác.

Chỉ số SpO2 cần được đo nhiều lần để theo dõi, SpO2 giảm dần là dấu hiệu nặng.

Không chỉ dựa vào SpO2 để chẩn đoán bệnh.

SpO2 không dùng để chẩn đoán hoặc loại trừ COVID-19.

Nếu có thắc mắc về chỉ số SpO2, hoặc triệu chứng diễn tiến xấu hơn cần liên hệ ngay với nhân viên y tế để được tư vấn hướng dẫn.

(Nguồn tham khảo: Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ - FDA)

Chia sẻ