Loan "Cá" bị bắt, tiểu thương Đồng Nai vẫn khiếp hãi không dám nhắc tên

Minh Tuấn,
Chia sẻ

Dù Loan "Cá" bị bắt, nhưng các tiểu thương vẫn rất sợ hãi khi nhắc tới tên bà trùm bảo kê này vì họ nghĩ rằng còn nhiều đàn em của Loan đang ở ngoài vòng pháp luật.

Ngày 8/5, phóng viên VTC News quay lại khu chợ tự phát trên đường Đồng Khởi ngay trước cổng Công ty Chang Shin (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), đây cũng là địa bàn hoạt động mạnh nhất của băng Loan "Cá".

Theo ghi nhận, tình hình buôn bán của các tiểu thương vẫn diễn ra bình thường, một số sạp hàng bị bỏ trống sau khi băng Loan "Cá" bị bắt.

Theo tìm hiểu, khu vực cổng trước và cổng sau Công ty Chang Shin tập trung hàng chục nghìn công nhân. Hàng ngày có khoảng 500 tiểu thương tập trung kinh doanh buôn bán dọc tuyến đường Đồng Khởi và tỉnh lộ 768 phục vụ cho các công nhân.

Khi phóng viên nhắc đến cái tên Loan "Cá", hầu hết các tiểu thương đều lộ rõ vẻ mặt hốt hoảng và chỉ nói là không biết. "Tôi không biết Loan "Cá" là ai cả, tôi chỉ muốn buôn bán yên ổn ở đây thôi, tôi kinh doanh ở đây nhiều năm rồi, bây giờ không muốn rước hoạ vào thân đâu. Anh đi hỏi bất kỳ ai họ cũng không dám nói đâu", một tiểu thương cho biết.

Loan Cá bị bắt, tiểu thương Đồng Nai vẫn khiếp hãi không dám nhắc tên  - Ảnh 1.

Khu chợ tự phát trên đường Đồng Khởi ngay trước cổng Công ty Chang Shin, địa bàn cốt yếu của Loan "Cá".

Theo một số người buôn bán tại đây, băng Loan "Cá" hoạt động tại KCN Thạnh Phú từ vài năm nay. Ngoài đàn em, còn có bà Nhung là tay sai đắc lực của Loan, bà ta và một số đàn em cũng buôn bán tại khu chợ này. Mỗi ngày Loan "Cá" còn bố trí đàn em bán vé số ở các khu chợ trên 3 cổng của Công ty Chang Shin nhằm theo dõi tình hình và thu tiền bảo kê.

Ngoài hoạt động bảo kê với tiểu thương, băng Loan "Cá" cũng mở thêm "dịch vụ" cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê tại nhiều khu nhà trọ lân cận như KCN Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu), phường Trảng Dài, Tân Phong (TP Biên Hòa).

Một nạn nhân cho biết, bà đang vay của băng Loan "Cá" 1 triệu đồng để làm ăn buôn bán, chúng giao kèo mỗi ngày phải trả 50.000 đồng đến khi nào chúng cảm thấy đủ thì mới không thu nữa. Nếu không thu đủ chúng sẽ dùng nhiều thủ đoạn để bắt ép bà phải trả tiền cho bằng được.

"Nếu mà chậm trả tiền là bọn chúng cứ tới chửi bới, phá chỗ buôn bán của tôi. Dù bây giờ Loan "Cá" bị bắt rồi nhưng tôi vẫn sợ chúng quay lại trả thù lắm, đàn em của nó vẫn còn ngoài kia mà", người này cho biết.

Liên quan đến vụ việc này, ông Phạm Lê Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú cho biết, băng Loan "Cá" lộng hành ở địa phương rất tinh vi, khi xuất hiện lực lượng công an bọn chúng sẽ lẩn trốn, lúc lực lượng công an rời đi thì bọn chúng lại lộng hành.

"Theo người dân phản ánh, vào sáng sớm có một nhóm thanh niên xăm trổ mang nhiều tấm gỗ rải gắp khắp nơi tại khu vực buôn bán nhằm chiếm chỗ, ai buôn bán tại khu vực này phải trả 1 triệu đồng. Công an sau đó cho tịch thu các tấm gỗ đó, nhưng chúng vẫn làm cái mới tới rải tiếp", ông Nhân cho hay.

Ông Phạm Lê Nhân cũng cho biết, khi phát hiện có tình trạng bảo kê ở KNC Thạnh Phú, chính quyền xã báo cáo với UBND huyện Vĩnh Cửu, thì được biết Công an tỉnh Đồng Nai đang có chuyên án về vụ việc này, nên yêu cầu chính quyền xã giữ bí mật phối hợp hành động với công an tỉnh để triệt phá.

Theo cơ quan điều tra, Lý Thị Loan (31 tuổi, biệt danh Loan "Cá") cùng chồng là Nguyễn Quốc Tuấn (43 tuổi, biệt danh Tuấn "Cá") từng bán cá diêu hồng tại chợ Hóa An. Để tranh giành thị phần đầu mối ở chợ cá lớn nhất TP Biên Hòa, khoảng 6 năm trước, Loan quy tụ nhiều thanh niên ăn chơi, có tiền án tiền sự, xăm trổ để thị uy đối thủ.

Mấy năm trở lại đây, thấy khu vực phía trước cổng Công ty Pouchen, đối diện chợ Hóa An có nhiều tiểu thương tự ý họp chợ buôn bán hàng rong, vợ chồng Loan "Cá" nảy sinh ý định thu tiền bảo kê của các tiểu thương.

Loan Cá bị bắt, tiểu thương Đồng Nai vẫn khiếp hãi không dám nhắc tên  - Ảnh 2.

Loan "Cá" cùng đàn em bị bắt tại trận khi đang thu tiền bảo kê.

Sau khi huy động được đàn em xăm trổ hùng hậu, vợ chồng Loan "Cá" dùng vũ lực và nhiều thủ đoạn uy hiếp tiểu thương, ép họ phải tự nộp tiền "mặt bằng" từ 20.000 - 50.000 đồng/ngày và từ 5.000- 7.000 đồng tiền "dọn vệ sinh". Khu vực này Loan chỉ dám bắt nạt người buôn hàng rong vì vịn vào việc lấn chiếm lòng lề đường chứ không dám thu bảo kê hàng quán lớn ven Quốc lộ 1K.

Trong băng của vợ chồng Tuấn "cá", Ái và Tùng (hiện chưa rõ lai lịch) được giao nhiệm vụ trực tiếp thu tiền "vệ sinh"; Nguyễn Văn Tuấn (tự Tuấn "Úc", ngụ huyện Trảng Bom) và 3 đối tượng khác được giao thu tiền "mặt bằng".

Đến năm 2017, vợ chồng Loan "Cá" ly thân, băng của Loan "Cá" tràn qua địa bàn xã Thạnh Phú để tổ chức hoạt động bảo kê, cho vay nặng lãi. Còn Tuấn "Cá" tiếp tục hoạt động bảo kê ở khu chợ Hoá An và hỗ trợ Loan khi "có đụng chạm" với các băng nhóm.

Tại KCN Thạnh Phú, Loan "Cá" sai đàn em thu tiền bảo kê của tiểu thương từ 1 - 1,5 triệu đồng/ tháng, đối với những người bán hàng rong thì thu 50.000 đồng/ngày. Nếu ai không chịu đóng, hoặc đóng trễ chúng sẽ kéo tới đập phá, đe doạ tính mạng.

Qua nắm bắt tình hình và nhận tin báo của người dân, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Đồng Nai xác lập chuyên án, triệt phá thành công băng nhóm bảo kê này và bắt Loan "Cá" vào chiều 5/5 khi chúng đang thu tiền bảo kê của các tiểu thương.

Chia sẻ