Lí do khiến cơ thể mẹ bầu “biến dạng” với hiện tượng mũi nở to, môi tều và bàn chân “voi” lúc mang thai
Nhiều mẹ bầu được ví như Thị Nở tái sinh vì những thay đổi của cơ thể khi mang thai khủng khiếp đến nỗi làm biến dạng cả con người: mũi nở to, hai chân phù như chân voi, ngón tay không còn đeo được nhẫn...
Nguyên nhân khiến mẹ bầu trở thành "gấu mẹ" vĩ đại
Có những thay đổi của cơ thể khi mang thai khiến nhiều mẹ bầu không khỏi ngỡ ngàng và ngạc nhiên, thậm chí có phần tủi thân vì không thể hiểu nổi tại sao có thai lại khiến cơ thể biến dạng đến vậy. Những thay đổi vẻ bề ngoài có thể thấy rất rõ như mũi nở, mồm vều, bắp tay lực lưỡng, chân to như chân voi. Những thay đổi của cơ thể khi mang thai này khiến nhiều phụ nữ không khỏi chạnh lòng mỗi khi nhìn mình trong gương. Tuy nhiên, đây hoàn toàn là những hiện tượng bình thường của thai kì và sẽ dần biến mất sau khi mẹ sinh bé.
Phù nề là hiện tượng khá phổ biến đối với các mẹ bầu (Ảnh minh họa)
Nguyên nhân khiến cho mẹ bầu trở thành "gấu mẹ vĩ đại" chính là do trong thời kỳ mang thai, cơ thể người mẹ sản xuất thêm 50% lượng máu và chất lỏng bổ sung để đáp ứng cho nhu cầu phát triển của thai nhi, đồng thời giúp làm mềm cơ thể mẹ khi phải giãn nở để tạo thêm không gian chứa em bé. Chất lỏng bổ sung này cũng giúp khớp xương chậu và các mô tế bào giãn ra khi em bé chào đời và đó là nguyên nhân gây phù nề cho mẹ bầu.
Hiện tượng phù nề có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ, tùy thuộc vào cơ địa của từng mẹ bầu, nhưng nó thường phổ biến từ tháng thứ 5 và tăng lên vào 3 tháng cuối thai kỳ. Nhưng nếu mẹ phát hiện mình có hiện tượng sưng phù xuất hiện sớm từ tuần thứ 20 thì cần được thăm khám bởi nguy cơ huyết áp cao, còn nếu đột ngột bị phù ở tay và mặt thì đó có thể là dấu hiệu của tiền sản giật khá nguy hiểm.
Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khách quan khiến cho tình trạng phù ở mẹ bầu trầm trọng hơn đó là:
- Đứng lâu.
- Chế độ ăn ít kali.
- Sử dụng đồ uống có chứa caffein.
- Ăn mặn.
- Làm nhiều việc nặng, vất vả.
Hiện tượng phù nề có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ, tùy thuộc vào cơ địa của từng mẹ bầu (Ảnh minh họa)
Các biểu hiện biến dạng trên cơ thể do phù nề gây ra
Biểu hiện phù nề ở phụ nữ mang thai thể hiện rõ nhất trên mặt và tay chân, cụ thể ở những bộ phận sau đây:
- Mũi: Trong thời gian mang thai, nhiều mẹ bầu nhận thấy cánh mũi của mình nở to bất thường và đỏ như trái cà chua ngự trị trên khuôn mặt. Hiện tượng này là do các mạch máu mũi phình ra, làm tăng áp lực, nguyên nhân khiến chúng dễ bị vỡ. Nếu mạch máu vỡ, mẹ cũng không cần lo lắng, hãy dùng đá lạnh đắp lên mũi và lưu ý luôn giữ ẩm cho mũi.
- Mặt: Nhìn chung khuôn mặt của mẹ bầu cũng phù lên trông thấy. Tuy nhiên, mẹ không cần quá lo lắng vì khuôn mặt "bánh bao" bị phù của các mẹ sẽ trở lại gần như bình thường ngay lập tức sau khi sinh em bé.
- Môi: Nhiều mẹ hài hước chia sẻ rằng không cần đến thẩm mỹ viện mà vẫn có đôi môi tều chỉ sau một thời gian có thai. Đó cũng là kết quả của hiện tượng phù gây ra. Chỉ trừ khi thấy môi nặng nề hay đau đớn, còn không thì hiện tượng môi tều này không có gì phải lo lắng cả.
- Ngực: Đây cũng là bộ phận sưng to và trở nên nhạy cảm hơn sau khi mẹ có thai. Triệu chứng sưng đau có thể xuất hiện sớm nhất vào khoảng 1-2 tuần sau khi thụ thai, sau đó từ tuần thứ 6 đến thứ 8, bầu ngực mẹ có thể sẽ sưng hơn và tiếp tục phát triển trong suốt thai kỳ. Thường thì ngực sẽ tăng lên một kích thước nhất định để tiết sữa và sẽ co lại sau khi mẹ dừng cho con bú.
Ngực sưng đau và phát triển to thêm trong suốt thai kì (Ảnh minh họa)
- Tay: Do lượng máu và các dịch lỏng trong cơ thể mẹ tăng lên 50% để đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng thai nhi nên lượng dịch dư thừa đã lấp đầy các mô bàn tay, bàn chân của mẹ bầu, khiến cho bắp tay, bàn tay sưng phù lên. Thậm chí nhiều mẹ bầu đã không còn đeo vừa nhẫn và phải tháo bỏ nếu không muốn để lại vệt hằn trên ngón tay.
- Chân: Bàn chân, ngón chân, bắp chân và cả mắt cá chân bị phù trong thai kỳ cũng là hiện tượng khá phổ biến, đặc biệt trong 3 tháng cuối. Nguyên nhân là bởi chất lỏng thừa tập trung trong các mô và có xu hướng nghiêng về các chi dưới. Tuy nhiên, sau khi sinh em bé, hiện tượng sưng phù này sẽ giảm bớt. Mẹ bầu có thể thực hiện một số động tác giúp cải thiện tình hình như nâng bàn chân lên cao khi phải ngồi lâu, tập thể dục đều đặn, uống nhiều nước và tránh ăn đồ ăn mặn.
Chân sưng phù khiến nhiều mẹ bầu cảm thấy khó chịu và nặng nề (Ảnh minh họa)
Những gợi ý giúp mẹ bầu giảm, tránh phù nề
Để giúp hạn chế tình trạng phù nề, sưng to và gây cảm giác nặng nề, mệt mỏi, mẹ bầu có thể tham khảo những gợi ý sau đây:
- Chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, đủ chất: Một chế ăn uống đảm bảo vừa giúp cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cả mẹ và bé, vừa giúp hạn chế hiện tượng phù nề.
+ Chất đạm: Tăng cường bổ sung đạm bằng các thực phẩm thịt nạc, thịt gia cầm, đậu, trứng…
+ Rau xanh: Bổ sung thêm rau xanh, hoa quả, các loại hạt để cung cấp kali cho bà bầu như khoai lang, cà chua, chuối, sữa chua, rau chân vịt, nước cam, dưa hấu…
+ Ăn nhạt: Muối chính là tác nhân khiến phù nề nặng hơn bởi muối tăng lưu giữ chất lỏng, tích nước trong cơ thể người mẹ. Hãy ăn nhạt và giảm lượng muối trong bữa ăn.
+ Uống đủ nước: Khi mang bầu, việc uống đủ nước sẽ giúp các hệ tiêu hoá, tiết niệu hoạt động trơn tru hơn đồng thời phòng tránh được quá trình tích trữ chất lỏng, gây phù cho người mẹ.
Một chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh và đầy đủ dưỡng chất sẽ giúp mẹ bầu hạn chế tình trạng phù nề khi mang thai (Ảnh minh họa)
+ Hạn chế đồ ăn sẵn: Thực phẩm chế biến sẵn thường có nhiều chất bảo quản, hàm lượng đường, muối cao, nhiều dầu mỡ. Những lí do này đều có hại và càng làm tình trạng phù nề thêm trầm trọng mà thôi.
+ Bổ sung vitamin C - E: Các loại thực phẩm giàu vitamin E và vitamin C đều có lợi trong việc giảm sự giữ nước trong cơ thể. Vitamin E có nhiều trong dầu thực vật, ngô ngọt, dầu hướng dương, hạt điều, hạnh nhân, bơ thực vật và dầu bắp. Thực phẩm giàu vitamin C là ớt xanh, ớt đỏ, trái cây họ cam quýt, khoai tây, dưa hấu, cà chua, bắp cải, dâu tây, bông cải xanh…
- Nghỉ ngơi và chăm sóc sức khỏe: Việc nghỉ ngơi và có chế độ sinh hoạt điều độ sẽ giúp giảm sưng phù, tránh mệt mỏi cho mẹ bầu. Mẹ có thể:
+ Mát-xa: Xoa bóp, mát-xa nhẹ nhàng cũng hữu ích trong việc giảm sưng phù, tăng lưu thông máu và giúp loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể. Xoa bóp nhẹ nhàng với dầu ô liu còn có thể giúp ích trong việc giảm đau. Nén lạnh cũng hiệu quả trong việc giảm đau.
+ Không dùng hương liệu: Dầu thơm và các loại hóa chất mát-xa không an toàn cho phụ nữ mang thai. Vì vậy, mẹ bầu tránh các loại tinh dầu thơm. Tuy nhiên dầu hoa oải hương, dầu hoa cúc và dầu bách thảo rất tốt trong việc giảm sưng và cảm giác khó chịu.
Tập thể dục nhẹ nhàng trong thời gian mang thai là một cách để giúp cơ thể người mẹ khỏe mạnh và săn chắc hơn (Ảnh minh họa).
+ Tránh làm việc nặng: Mẹ bầu cần tích cực nghỉ ngơi, không đứng quá lâu và hạn chế các công việc nặng nhọc. Tập thể dục nhẹ nhàng, tham gia các hoạt động phù hợp như bơi lội, đi bộ…
+ Uống trà thảo dược: Một số loại trà thảo dược có tác dụng lợi tiểu, tốt cho phụ nữ có thai như trà bồ công anh, tầm ma, cỏ thi. Đây là thảo dược tuyệt vời trong việc ngăn ngừa tích nước cho mẹ bầu, trừ trường hợp mắc bệnh về mật thì nên tránh. Mỗi ngày chỉ cần 1-2 chén trà là vừa đủ.
- Mặc đồ thoải mái: Khi bị phù nề, cơ thể người mẹ sẽ phình to hơn bình thường. Vì vậy cần chọn mặc những loại quần áo rộng rãi, thoải mái, chất vải thoáng mát. Tránh mặc quần áo chật, tránh đi tất, giầy chật, đặc biệt là những đôi giày, tất thít chặt lấy cổ chân vì nó càng làm cho hiện tượng phù nề gia tăng.
Nguồn: Kidspot, Popsugar, Theparent