Lễ tốt nghiệp "ngàn tỷ" ở RMIT: Nhiều quy tắc rườm rà, sang chảnh như trường châu Âu, cho sinh viên 1 đặc quyền không phải ai cũng có

THẢO VÂN,
Chia sẻ

Đúng là chỉ có ai con nhà giàu mới dám vào học RMIT. Nhìn lễ tốt nghiệp tốn tiền đến thế này cơ mà.

Lễ tốt nghiệp là sự kiện được các sinh viên trông đợi nhất sau quãng thời gian 4 - 5 năm học đại học. Được xướng tên trước toàn thể hội trường và hiên ngang bước lên sân khấu nhận tấm bằng cử nhân từ những thầy cô đầu ngành hẳn không còn gì vinh dự hơn đối với các sinh viên.

Mới đây nhất trên MXH TikTok đã xuất hiện video chia sẻ lại buổi lễ tốt nghiệp của Đại học RMIT. Ai xem xong cũng phải choáng ngợp với mức độ đầu tư của ngôi trường này. Vậy đối với sinh viên những ngôi trường quốc tế học phí lên tới con số trăm triệu thậm chí bạc tỷ thì lễ tốt nghiệp có gì khác biệt?

Lễ tốt nghiệp "ngàn tỷ ở RMIT có gì? (Nguồn: @phuongvy.nguyenkhanh)

RMIT Việt Nam là thành viên của ngôi trường danh tiếng Học viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne (Úc), do vậy, lễ tốt nghiệp của ngôi trường này cũng mang hơi thở của các buổi lễ tương tự tại xứ chuột túi. Và tất nhiên thêm chút rườm rà, nhiều thủ tục nữa.

Cụ thể, cô nàng VySa - chủ nhân của video chia sẻ trong video rằng: "Trường được trang trí rất xinh đẹp và sang chảnh. Mỗi năm sẽ được trang trí theo các phong cách khác nhau. Những ai được vinh danh trong buổi lễ tốt nghiệp này đều được khắc tên mình trong bảng tên được để ở ngay sân trường".

Lễ tốt nghiệp ngàn tỷ ở RMIT: Nhiều quy tắc rườm rà, sang chảnh như trường châu Âu, cho sinh viên 1 đặc quyền không phải ai cũng có - Ảnh 2.

Cô bạn chia sẻ lại khuôn viên xung quanh trường của buổi lễ tốt nghiệp.

Và một trong những chi tiết quan trọng nhất của một buổi lễ tốt nghiệp đó là lễ phục của các tân cử nhân. Tại ngôi trường học phí bạc tỷ này, tất cả những người tham dự lễ tốt nghiệp phải mặc lễ phục tốt nghiệp phù hợp với bằng cấp hoặc chức vụ tại trường. Riêng các tân cử nhân sẽ khoác lên mình áo choàng đen, mũ trùm lụa đen viền mép với dải bện màu trắng và đường viền lụa có màu tùy theo màu quy định của ngành học, nón vuông đen với chóp tua lụa đen.

Trong khuôn viên của buổi lễ, mỗi sinh viên đều được sắp xếp một chỗ ngồi riêng được gắn ở mỗi ghế. Các tân cử nhân sẽ được phát một tấm thẻ theo số thứ tự của mình để chờ lượt mình lên nhận bằng tốt nghiệp. Theo chia sẻ của cô bạn Vy thì "đây là khoảnh khắc tự hào và rơm rớm nước mắt nhất khi thấy bố mẹ đến và chứng kiến được bước trưởng thành của mình".

Một trong những phẩm vật đặc biệt nhất của buổi lễ, được đặt tại vị trí chính giữa sân khấu là quyền trượng. Quyền trượng biểu đạt uy quyền của Chủ tịch Hội đồng trường với tư cách là người đứng đầu nghi lễ của Đại học RMIT. Quyền trượng được thiết kế theo thuật toán angorit và được in 3D nguyên khối bằng titanium biểu tượng cho tri thức hiện tại cũng như quá khứ. Đây được xem là một điểm khác biệt siêu hay ho so với các trường ĐH khác.

Sau buổi lễ tốt nghiệp các bạn sinh viên sẽ tập trung ở sân trường để ném mũ cử nhân và chụp hình cùng người thân và bạn bè. Ai xem xong cũng cảm thấy vui lây cho cô bạn này phải không nào?

Được biết để đủ điều kiện tốt nghiệp thì cực kì khó, vì khi vào trường, bạn sẽ phải học tập bằng tiếng Anh nên không có vốn tiếng Anh tốt bạn sẽ rất khó bắt kịp bài giảng của thầy cô.

Quang cảnh một buổi lễ tốt nghiệp ở Đại học RMIT.

Các bạn còn phải trải qua những đánh giá thực tiễn tùy theo từng ngành học, bao gồm bài tập, viết luận, thuyết trình cá nhân hay theo nhóm, các dạng đồ án. Ở đây thang điểm quy định cho môn học là 100, bao gồm: NN (0-49) trượt môn, PA (50-59) vừa đạt qua môn, CR (60-69) mức khá, DI (70-79) mức giỏi, HD (80-89) mức xuất sắc.

Sau đó, điểm môn học sẽ được tính ra điểm trung bình (GPA) theo thang 4.0. Do đó, những ai hay cúp tiết, trốn học hay không tích cực trong các hoạt động nhóm hẳn cũng nằm trong nhóm nguy cơ "tạch" rất lớn.

Nhưng sinh viên ở đây khi đã tốt nghiệp thì vẫn được hưởng vô số đặc quyền mà không phải ai cũng có.

Ở các trường ĐH khác, sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể "thoát ly" khỏi ngôi trường mà mình đã gắn bó lâu dài. Riêng tại RMIT, các cựu sinh viên sẽ nhận được một tấm thẻ "quyền lực" Alumi mà trong đây chứa đựng tất cả những đặc quyền mà các bạn sẽ có.

RMIT cho rằng, trải nghiệm của các sinh viên với nhà trường không dừng lại vào ngày tốt nghiệp. ĐH RMIT hỗ trợ tối đa các cựu sinh viên trưởng thành từ đây trong sự nghiệp lẫn cuộc sống. Trong đó, nhà trường giúp cựu sinh viên phát triển sự nghiệp bằng các hội thảo phát triển chuyên môn và cá nhân, tạo cơ hội việc làm và tư vấn hướng nghiệp, được tham gia các hoạt động giao lưu và sự kiện đặc biệt.

Lễ tốt nghiệp ngàn tỷ ở RMIT: Nhiều quy tắc rườm rà, sang chảnh như trường châu Âu, cho sinh viên 1 đặc quyền không phải ai cũng có - Ảnh 4.

Ngoài ra, bạn cũng có thể được nhận ưu đãi cho các chương trình học tiếp theo, được nhận giảm giá từ các thương hiệu đa dạng trên toàn quốc từ ăn uống, mua sắm & giải trí, làm đẹp & phúc lợi, khách sạn & du lịch. Bạn cũng có thể sử dụng phòng tập thể thao miễn phí.

Điều này cho thấy, dù có tốt nghiệp thì RMIT vẫn sẵn sàng chào đón bạn và bạn hoàn toàn có thể xem đây là ngôi nhà thứ hai để trở về bất cứ lúc nào.

Đúng là trường quốc tế thì lễ tốt nghiệp cũng nằm ở "tầm" khác, vừa hoành tráng lại còn sang xịn nữa phải không nào?

Chia sẻ