Lấy chồng Trung Quốc, nhiều phụ nữ Pakistan trở thành nô lệ tình dục

BÌNH GIANG,
Chia sẻ

Đám cưới giữa một cô gái Pakistan theo đạo Ki-tô và một người đàn ông Trung Quốc cũng theo đạo Ki-tô cách đây 6 tháng ở thành phố Faisalabad trông có vẻ hoàn hảo.

Lấy chồng Trung Quốc, nhiều phụ nữ Pakistan trở thành nô lệ tình dục - Ảnh 1.

Cô dâu 19 tuổi, còn chú rể 21 tuổi. Cô dâu là một thợ trang điểm, còn chú rể kinh doanh mỹ phẩm.

Cô dâu 19 tuổi, còn chú rể 21 tuổi. Cô dâu là một thợ trang điểm, còn chú rể kinh doanh mỹ phẩm.

Gia đình cô dâu không có nhiều tiền, nhưng bên chú rể hào phóng chi hết tiền đám cưới.

Mọi thủ tục diễn ra theo đúng phong tục Pakistan, khiến bố mẹ cô dâu hài lòng. Sau đám cưới, cô dâu đi theo chú rể để bắt đầu một cuộc sống mới.

Nhưng chỉ trong vòng 1 tháng, cô dâu, người chỉ tiết lộ tên Sophia, tìm cách về nhà. Cô chạy trốn khi nhận thấy mình sắp rơi vào cảnh phải phục vụ tình dục cho nhiều người nếu đến Trung Quốc.

Ông Saleem Iqbal, một nhà hoạt động chuyên theo dõi những vụ hôn nhân như thế, cho biết có ít nhất 700 phụ nữ Pakistan, chủ yếu là người theo Công giáo, đã lấy chồng Trung Quốc chỉ trong hơn 1 năm qua. Chưa rõ chuyện xảy ra với những phụ nữ đó như thế nào, nhưng tổ chức Quan sát nhân quyền quốc tế nói rằng họ phải đối mặt với “rủi ro trở thành nô lệ tình dục”.

Trong vài tuần gần đây, hơn hai chục người Trung Quốc và môi giới người Pakistan bị bắt vì liên quan đến hôn nhân giả.

BBC dẫn thông tin từ Cơ quan điều tra liên bang Pakistan (FIA) nói rằng “các băng nhóm tội phạm Trung Quốc đang buôn bán phụ nữ Pakistan dưới danh nghĩa kết hôn nhằm ép họ bán dâm”. FIA cũng nói rằng một nhóm giả danh là kỹ sư đang làm việc cho một dự án điện để lừa các cô gái kết hôn rồi đưa sang Trung Quốc với giá 12.000 – 25.000 USD/phụ nữ.

Những phụ nữ theo Công giáo, chủ yếu xuất thân từ những cộng đồng nghèo khổ, trở thành mục tiêu chính của những kẻ buôn người.

Trung Quốc phủ nhận chuyện phụ nữ Pakistan đang bị đưa sang nước này làm gái mại dâm. Họ nói rằng “nhiều bài báo đã thêu dệt vấn đề và lan truyền tin đồn”.

Nhưng trong tuần này, Trung Quốc thừa nhận số trường hợp phụ nữ Pakistan nộp hồ sơ xin visa tăng mạnh trong năm nay. Từ đầu năm đến nay có 140 đơn xin visa, tương đương với số lượng của cả năm 2018. Một quan chức Trung Quốc tại Đại sứ quán ở Islamabad nói với một tờ báo địa phương rằng Đại sứ quán này đã từ chối ít nhất 90 đơn xin visa.

Tình trạng gia tăng số vụ nghi ngờ buôn bán cô dâu từ Pakistan sang Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh có làn sóng hàng chục ngàn người Trung Quốc sang Pakistan làm việc. Trung Quốc đang đầu tư nhiều tỷ đô la vào Vành đai kinh tế Trung Quốc – Pakistan, một mạng lưới bến cảng, đường bộ, đường sắt và các dự án năng lượng.

Trung Quốc và Pakistan đang có quan hệ gần gũi và chính sách cấp visa tại cửa khẩu cũng khuyến khích các doanh nhân và nhiều ngành nghề không liên quan trực tiếp đến Vành đai đổ vào Pakistan.

Trong số đó có những người được cho là sang Pakistan để tìm cô dâu. Các nhà nghiên cứu nói rằng di sản của chính sách 1 con kéo dài mấy chục năm và tâm lý thích con trai ở Trung Quốc đã tạo nên một xã hội mất cân bằng khi hàng triệu đàn ông không tìm được vợ.

Trong nhiều năm, thực tế đó dẫn đến tình trạng buôn bán cô dâu từ nhiều nước châu Á, trong đó có cả Việt Nam, Myanmar và Campuchia. Nhiều phụ nữ bị lừa với lời hứa sẽ tìm được việc, nhưng cuối cùng bị bán làm vợ. Dường như con đường vào Pakistan dễ dàng đã tạo nên một điểm nóng mới về buôn bán người.

Điều tra của FIA và các cuộc phỏng vấn của BBC với nhiều nhà hoạt động và nạn nhân nói lên rằng một số tu sĩ cũng tham gia vào việc tìm cô dâu và cấp giấy chứng nhận tôn giáo giả cho đàn ông Trung Quốc đến đây.

Sau lễ cưới, các cặp đôi nghỉ tạm ở những ngôi nhà riêng biệt ở Lahore và các thành phố khác mà những kẻ buôn người thuê. Từ đó, họ bị đưa về Trung Quốc.

Ngôi nhà ở Lahore

Sophia cảm thấy không ổn ngay trước đám cưới. Cô được yêu cầu phải đi kiểm tra sức khỏe trước lễ đính hôn. Rồi người mai mối đòi tổ chức đám cưới ngay sau đó.

“Gia đình tôi cảm thấy không ổn vì chuyện gấp gáp này, nhưng ông ta nói rằng người Trung Quốc sẽ trả hết chi phí kết hôn, nên bố mẹ tôi đồng ý”, Sophia kể.

1 tuần sau, Sophia được đưa đến ngôi nhà ở Lahore cùng nhiều cặp đôi mới cưới khác để chờ thủ tục. Các cô gái Pakistan ở đây dành phần lớn thời gian để học tiếng Trung Quốc.

Đến lúc này, Sophia phát hiện chồng cô không phải người theo Công giáo, cũng không phải người quan tâm đến trách nhiệm với vợ. Họ không thể giao tiếp nhiều vì rào cản ngôn ngữ, nhưng anh ta liên tục đòi quan hệ với cô.

Cô quyết định bỏ trốn sau khi nói chuyện với một cô bạn đã chuyển đến Trung Quốc sau khi lấy chồng. Bạn cô nói với cô rằng cô ấy bị buộc phải quan hệ với nhiều người bạn của chồng.

Nhưng khi Sophia tâm sự với người môi giới, anh ta nổi đóa. Ông ta nói rằng bố mẹ cô sẽ phải trả lại hết chi phí đám cưới, gồm cả chi phí cho một linh mục địa phương đã dàn xếp và tổ chức lễ kết hôn.

Bố mẹ cô từ chối trả tiền và đến Lahore đón cô về.

Dù những vụ truy quét của cảnh sát gần đây tập trung vào hoạt động buôn bán các cô gái Công giáo nghèo, nhưng BBC nói rằng cộng đồng Hồi giáo cũng bị ảnh hưởng.

Một phụ nữ Hồi giáo sống ở khu dân cư nghèo ở Lahore đã sang Trung Quốc với chồng từ tháng 3 năm nay nói rằng cô nhiều lần bị lạm dụng thân xác vì từ chối ngủ với “những vị khách say rượu”.

“Gia đình tôi khá mộ đạo, nên họ đã đồng ý với đám cưới sau khi một giáo sĩ địa phương đề nghị”, người phụ nữ chỉ tiết lộ tên Meena kể.

“Nhưng khi đến Trung Quốc, tôi phát hiện chồng mình chẳng phải người Hồi giáo. Anh ta chẳng theo tôn giáo nào. Anh ta còn cười nhạo khi tôi cầu nguyện”, cô nói.

Khi cô từ chối quan hệ với những người đàn ông theo lệnh của chồng, Meena bị đánh đập và đe dọa.

“Anh ta nói đã mua tôi bằng tiền và tôi không có cách nào khác là phải nghe theo anh ta. Và nếu tôi không nghe, anh ta sẽ giết tôi và bán nội tạng của tôi để lấy lại tiền”, cô kể.

Meena được giới chức Trung Quốc cứu từ đầu tháng 5 này theo đề nghị của Đại sứ quán Pakistan sau khi họ nhận được thông tin cầu cứu từ gia đình cô.

Ông Jameel Ahmed Mayo, một quan chức cấp cao của FIA, nói với BBC rằng những phụ nữ đó nếu không “đủ ngoan” để bán dâm thì sẽ đối diện với nguy cơ bị lấy nội tạng.

FIA chưa cung cấp bằng chứng về cáo buộc này, còn Bắc Kinh phủ nhận tình trạng đó đang diễn ra.

“Theo điều tra của Bộ Công an Trung Quốc, không có tình trạng ép buộc bán dâm hay bán nội tạng người đối với những phụ nữ Pakistan ở Trung Quốc sau khi kết hôn với người Trung Quốc”, Đại sứ quán Trung Quốc ở Islamabad nói trong một tuyên bố.

Nhưng tuyên bố cho biết đang có các cuộc điều tra phối hợp giữa lực lượng chức năng hai nước. “Chúng tôi sẽ không cho phép một vài tội phạm làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa Trung Quốc và Pakistan hay làm tổn hại tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước”, tuyên bố nói.

Theo BBC

Chia sẻ