Làm thêm giờ có phải văn hoá độc hại? Chia sẻ từ một công ty truyền thông sẽ giúp chị em không ngược đãi bản thân nữa!

Quiry,
Chia sẻ

Đang ngày càng có nhiều người coi OT (Over-time: làm thêm ngoài giờ) là một điều hiển nhiên mà bất cứ nhân viên bình thường nào cũng nên thực hiện.

8 tiếng làm việc/ngày là tiêu chuẩn với hầu hết dân công sở. Tuy nhiên đôi khi khối lượng công việc nhiều lên mà cần giải quyết nhanh chóng thì làm thêm ngoài giờ (OT) là một sự lựa chọn được mọi người cân nhắc. Nhưng liệu cứ làm hùng hục như vậy có tốt hay không? Giữa đời sống cá nhân, sức khỏe với công việc, tiền lương, điều gì nên được đánh đổi?

Mới đây, một công ty truyền thông M.B tại Sài Gòn đã đăng tải dòng trạng thái bày tỏ quan điểm về làm ngoài giờ. Chia sẻ này gây được nhiều tranh luận thú vị trên MXH. Theo ý kiến của công ty này, OT dù đáng khen nhưng suy nghĩ sai lệch là "tôi OT được, bạn cũng phải thế!".

Cái bẫy của OT và văn hóa độc hại mang tên làm thêm ngoài giờ

"Việc ai đó cống hiến là tốt, việc làm thêm giờ cũng vô cùng đáng khen. Nhưng mọi thứ bắt đầu sai trái khi xuất hiện những người có suy nghĩ kiểu "vì tôi làm được nên bạn cũng phải làm được". Và vì tôi làm thêm, nên bạn cũng phải làm thêm cùng tôi.

Làm thêm giờ (sau đây sẽ gọi tắt là OT) đang dần trở thành một văn hóa trong nhóm ngành dịch vụ, một thứ văn hóa ung thư độc hại mà ai cũng nhắm mắt làm ngơ. À không thể gọi là OT được, vì các công ty bắt nhân viên làm thêm giờ có trả tiền cho họ đâu?

Trong agency (công ty truyền thông) và client (khách hàng) có một cái bẫy khá nổi tiếng, gọi là "em thích về lúc nào cũng được, chỉ cần xong việc là được". Nhưng công việc được giao lại không tương xứng với thời gian làm việc tối đa trong ngày. Nên rất nhiều người vẫn ở lại công ty quá giờ làm việc, hoặc đem việc về nhà làm và vẫn… cảm thấy bình thường.

Làm thêm giờ đang bị biến tướng thành văn hóa độc hại: Chia sẻ từ một công ty truyền thông sẽ giúp chị em không ngược đãi với bản thân nữa! - Ảnh 1.

Họ thậm chí còn không được trả lương cho những khoảng thời gian ấy.

Tôi cảm thấy cực kỳ khó chịu với những cuộc gọi, tin nhắn sau 7h tối về công việc, đặc biệt khi người nhắn cố tỏ vẻ đáng yêu thảo mai và hồn nhiên nhờ người khác "làm gấp cái này giúp chị". Tôi và một vài người bạn có thói quen block số đồng nghiệp khi họ gọi về công việc ngoài giờ làm, nhưng tất nhiên đây không phải điều ai cũng làm được.

Mọi người thậm chí còn không dám về khi sếp ở lại làm việc. Cũng không dám từ chối khi được giao những công việc quá sức so với thời gian được cho (thật ra phần lớn là do không biết đong đếm). Họ phải cảm thấy tội lỗi cho những việc không phải lỗi của họ.

Bạn tôi có kể rằng khi anh đi làm ở agency nọ và đến gặp nhân sự nói về việc mình không thể OT thì quản lý trông có vẻ bất ngờ. Như thể OT là một điều gì đó hiển nhiên và mọi người khi sinh ra ngoài quyền được mưu cầu hạnh phúc thì còn kèm cả việc phải làm thêm giờ."

Bản chất của làm thêm ngoài giờ là gì?

"Bản chất của việc OT là (1) bạn làm việc chưa đủ hiệu quả để hoàn thành công việc được giao và (2) lượng công việc được giao vượt quá khả năng của một người. Và đã OT thì phải trả tiền theo luật lao động.

Nếu bạn rơi vào (1), việc bạn cần làm là cố gắng để cải thiện hiệu suất làm việc, chứ không phải tiếp tục làm thêm, ngày qua ngày. Vì giả sử năng suất bạn là làm mỗi ngày 10 việc kể cả cá nhân lẫn công ty, thì dành thêm thời gian cho việc của công ty cũng không khiến bạn làm lên được 11 hay 12 việc được. Bạn sẽ lại cắt thời gian ăn, ngủ để làm những việc cá nhân khác. Và bạn sẽ lại dậm chân tại chỗ, một vòng luẩn quẩn. Giải pháp của làm việc thiếu hiệu quả là… tìm cách làm việc hiệu quả hơn, chứ không phải làm nhiều hơn.

Làm thêm giờ đang bị biến tướng thành văn hóa độc hại: Chia sẻ từ một công ty truyền thông sẽ giúp chị em không ngược đãi với bản thân nữa! - Ảnh 2.

Nếu bạn rơi vào (2), thì bạn nên từ chối OT nếu không thích. Nếu lo sợ sẽ bị công ty đuổi việc hoặc đồng nghiệp xa lánh vì bạn không OT, thì hóa ra công ty chỉ giữ bạn lại và đồng nghiệp nể bạn chỉ vì bạn có thể OT thôi à?

Vì nếu công việc trở nên quá sức so với nhân viên như ở trường hợp (2), phần lớn do lỗi quản lý kém cỏi hoặc họ cố tình kém cỏi. Khi lượng công việc quá sức so với team của bạn, việc của quản lý là tuyển thêm người hoặc từ chối bớt những task được giao. Chứ không phải nhận hết rồi đẩy xuống bên dưới, hoặc ở lại làm đến khuya để cấp dưới phải áy náy. Nếu một quản lý không thể biết tự bảo vệ cho chính họ và cấp dưới của mình, thì họ còn có thể làm gì?

Bản chất của từ "quản lý" là bao hàm việc xây dựng kế hoạch, tổ chức, chỉ huy, phối hợp và kiểm soát. Chứ không phải "người làm nhiều hơn những người khác" hay "người ở lại đến khuya để hoàn thành xong công việc cho team". Bạn quản lý để việc vượt quá khả năng xử lý, là do bạn quản lý kém, chứ không phải do kỹ năng bạn kém. Tương tự với team của bạn.

Làm thêm giờ đang bị biến tướng thành văn hóa độc hại: Chia sẻ từ một công ty truyền thông sẽ giúp chị em không ngược đãi với bản thân nữa! - Ảnh 3.

Nguồn ảnh: Monster Box.

[...] Thành thật mà nói, việc ai đó có thể lên manager cũng chẳng phải do họ có thể OT. Nên việc OT vẫn là vô nghĩa.

Tôi nghĩ thế giới sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều khi mọi người bắt đầu không còn xem OT là hiển nhiên, cũng như không còn áp đặt rằng mình làm được thì người khác cũng phải làm. Vì nếu bạn thích, bạn tự đi mà làm. Đôi lúc biết rằng không làm gì còn quan trọng hơn việc biết phải làm gì."

Hầu hết mọi người sau khi đọc xong bài viết đều comment rằng đúng là họ đã bị cuốn vào vòng xoáy của OT mà bỏ quên đi mất sức khỏe cũng như quyền lợi của chính bản thân mình. Vậy còn với chị em thì sao, bạn có cảm thấy làm thêm ngoài giờ đang khiến bạn cạn kiệt năng lượng và chán nản với công việc không?

Làm thêm giờ đang bị biến tướng thành văn hóa độc hại: Chia sẻ từ một công ty truyền thông sẽ giúp chị em không ngược đãi với bản thân nữa! - Ảnh 4.

Nguồn ảnh và bài viết: Monster Box

Chia sẻ