Lạm phát toàn cầu 2022: Mưu cầu một cuộc sống đầy đủ là quá xa xỉ với một bộ phận người dân trên thế giới

Sông Thương,
Chia sẻ

Với tỷ lệ lạm phát lên đến mức 3 con số, giá thực phẩm tăng hơn 50% hay thậm chí là gấp đôi, cuộc sống đầy đủ ấm no như mọi năm dường như đã trở thành ước mơ xa vời của không ít gia đình trên thế giới.

Lạm phát "bùng nổ" toàn cầu

Lạm phát đã và đang gia tăng ở gần như tất cả các khu vực trên thế giới vào năm 2022. Những căng thẳng địa chính trị gây ra tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, chi phí năng lượng cao khiến giá cả tiêu dùng leo thang đến mức ngất ngưởng. 

Kết quả là gần một nửa số quốc gia trên toàn thế giới đang chứng kiến tỷ lệ lạm phát lên đến mức 2 con số hoặc thậm chí là cao hơn nữa.

Theo dữ liệu từ Trading Economics, một số quốc gia đang phải đối mặt với mức lạm phát cao kỷ lục. Dựa trên dữ liệu mới nhất hiện có 3 quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới, trong đó Zimbabwe (269%), Lebanon (162%) và Venezuela (156%). 

Khi áp lực giá tăng lên, 33 ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất trong năm nay. Những đợt tăng này được đánh giá là lớn nhất trong hai thập kỷ, đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên lãi suất chạm đáy.

Lạm phát, bão giá toàn cầu 2022: Nhà nhà gặp khó chi tiêu, nam giới không dám đi chơi, phụ nữ ngại mua sắm - Ảnh 1.

Ảnh hưởng của lạm phát đến chi phí sinh hoạt của các khu vực và quốc gia

Châu Âu

Theo News Sky, một báo cáo mới cho thấy nhiều người trên khắp châu Âu dự kiến sẽ không thanh toán hoá đơn trong thời gian tới do lạm phát gia tăng thắt chặt chi phí tài chính của nhiều gia đình.

Báo cáo thanh toán hàng năm của người tiêu dùng châu Âu (ECPR) được thực hiện bởi Intrum đã khảo sát 24.000 người tiêu dùng trên khắp lục địa. Kết quả cho thấy 80% số người tham gia khảo sát lo lắng về tác động của việc giá hàng tiêu dùng và năng lượng tăng vọt dù nguồn tài chính của họ không có bước tiến triển nào.

Trong khi đó, 60% số người tham gia cho biết họ đang dần thay đổi cách tiêu tiền của mình, cắt giảm các bữa ăn bên ngoài. Đây chắc chắn là một tin tức xấu đối với lĩnh vực nhà hàng - khách sạn đang cố gắng vực dậy sau sự tàn phá của đại dịch.

Người dân Châu Âu dường như đã chuẩn bị tinh thần để đón một mùa Giáng sinh thiếu thốn hơn mọi năm. Tại Hungary, doanh số bán thực phẩm đã giảm 5,6% vì các gia đình phải đương đầu với mức tăng hàng năm hơn 34% đối với thịt cá và 80% đối với các loại bánh mì. 

Lạm phát, bão giá toàn cầu 2022: Nhà nhà gặp khó chi tiêu, nam giới không dám đi chơi, phụ nữ ngại mua sắm - Ảnh 2.

Trong khi đó, những người mua sắm ở Cộng hoà Séc phải vật lộn với giá đường tăng đến 105%, còn giá bột mì thì tăng lên 45,5% so với một năm trước đó.

Tại một khu chợ của Budapest (thủ đô của Hungary), bà Eva Racv, 75 tuổi cho biết bà không đủ tiền để mua bữa ăn truyền thống của Giáng sinh cho năm nay: “Đây sẽ là một Giáng sinh khó khăn hơn, vì lương hưu của chúng tôi ít và chúng tôi cần chi trả tiền điện nước, thuốc men". 

“Chúng tôi sẽ có một ít nước dùng, bắp cải, thịt nướng và khoai tây trong dịp Giáng sinh. Tôi cảm thấy tuyệt vọng trước tình hình này, và nó sẽ kéo dài trong bao lâu đây?”, bà cho biết thêm.

Lạm phát, bão giá toàn cầu 2022: Nhà nhà gặp khó chi tiêu, nam giới không dám đi chơi, phụ nữ ngại mua sắm - Ảnh 3.

Nhiều gia đình không đủ điều kiện để mua món súp cá truyền thống cho lễ Giáng sinh năm nay

Một cuộc khảo sát của Barometr Providenta cho thấy người Ba Lan sẽ chi trung bình 1.259 zloty (khoảng 6,7 triệu đồng) cho mùa Giáng sinh năm nay, cao hơn 307 zloty (1,6 triệu đồng) so với 1 năm trước, mặc dù gần một nửa số người được khảo sát cho biết họ sẽ mua các sản phẩm rẻ hơn để giảm chi tiêu.

Mỹ

Trong khi nhiều người Mỹ mong chờ kỳ nghỉ lễ bình thường đầu tiên sau gần 3 năm đại dịch, thì một lần nữa, họ lại bị ném vào cuộc khủng hoảng lương thực trầm trọng trong khi lễ Giáng sinh đang gần kề.

Nancy Murphy, một điều dưỡng viên 45 tuổi chia sẻ trong khi nhận gà tây đông lạnh miễn phí cùng một số mặt hàng tạp hoá tại nhà thờ: “Trong thời đại dịch, mọi người mất việc làm và không ai có tiền. Bây giờ họ đã trở lại với công việc của mình nhưng số tiền kiếm được vẫn chưa đủ. Cuộc sống vẫn còn rất khó khăn".

Cách duy nhất mà họ có thể làm để chống lại lạm phát giá tiêu dùng là lập kế hoạch cụ thể cho bữa ăn mỗi ngày, cùng danh sách thực phẩm tương ứng. Họ thay những miếng thịt đắt đỏ bằng thực phẩm rẻ và dễ no bụng hơn, mua các sản phẩm có chất lượng trung bình và quan trọng nhất, không bao giờ đến cửa hàng với một chiếc bụng đói.

Đối với Jamie Siracusa, giá thực phẩm tăng đồng nghĩa với việc có ít mặt hàng hơn có thể bổ sung vào tủ lạnh cộng đồng mà cô đang điều hành nằm ở Brookline, ngoại ô Boston. 

Lạm phát, bão giá toàn cầu 2022: Nhà nhà gặp khó chi tiêu, nam giới không dám đi chơi, phụ nữ ngại mua sắm - Ảnh 4.

Theo đó, tủ lạnh cộng đồng là chiếc tủ lạnh được đặt ở khu vực đông người qua lại, nơi mọi người có thể đóng góp hoặc lấy thức ăn miễn phí tùy theo nhu cầu của mình. Nhu cầu sử dụng tủ lạnh của mọi người trong khu vực thường có lúc lên lúc xuống, nhưng vào các ngày trong năm nay, chiếc tủ lạnh luôn trong tình trạng trống rỗng. Vào tháng 10, Siracusa đã mua thực phẩm để chất đầy tủ lạnh, nhưng cũng hết sạch chỉ trong vài giờ.

Mặc dù lạm phát đang có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng giá thực phẩm vẫn còn cao hơn nhiều so với vài thập kỷ qua. Dữ liệu mới nhất cho thấy giá thực phẩm và đồ uống trong tháng 11 đã tăng 0,3% so với tháng 10, lạm phát lương thực nói chung ghi nhận mức tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là một số mặt hàng thực phẩm cơ bản như trứng gà đã tăng tới hơn 40%.

Châu Á

Lạm phát dẫn đến sự thay đổi lớn trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Theo khảo sát mới nhất của Blackbox-ADNA được thực thiện với 9.000 người trưởng thành trên khắp thế giới, 90% người Đông Nam Á được hỏi cho biết họ đã cắt giảm chi tiêu trong 6 tháng để đối đầu với tác động của lạm phát tăng cao.

Người tiêu dùng trong khu vực đã thực hiện nhiều hành động khác nhau để tiết kiệm tiền hoặc giảm chi phí trong 6 tháng qua: 25% cho biết họ đang nấu những bữa ăn rẻ hơn, 25% đang nói lời tạm biệt với việc ăn uống bên ngoài, 24% mua nhiều mặt hàng giảm giá, 12% mua hàng từ các thương hiệu bình dân và 12% cắt giảm sử dụng dịch vụ giao đồ ăn tận nhà.

Lạm phát, bão giá toàn cầu 2022: Nhà nhà gặp khó chi tiêu, nam giới không dám đi chơi, phụ nữ ngại mua sắm - Ảnh 5.

Mọi người hạn chế sử dụng dịch vụ giao thức ăn tận nhà nhằm tiết kiệm chi phí

Ngay cả ngành thương mại điện tử cũng không thể thoát khỏi cơn bão giá này, tỷ lệ mua hàng trực tuyến tại đây đã giảm đến 9% so với năm 2021.

Tại Nhật Bản, người tiêu dùng đang cắt giảm đáng kể chi tiêu khi chi phí hàng hoá và dịch vụ tiếp tục tăng. Nghiên cứu cho thấy chi phí thực phẩm phản ánh rõ nhất những tác động của lạm phát, đi theo sau là các hoá đơn tiện ích và phí nhiên liệu xe cộ. Chỉ có 12% người dân cho biết họ không cảm thấy chi phí hằng ngày tăng lên.

Trước áp lực của lạm phát giá tiêu dùng, 42,3% người dân chia sẻ họ đang cố gắng chi tiêu ít hơn cho thực phẩm, trong khi 36% cắt giảm các hoạt động du lịch và giải trí. Nam giới chi tiêu ít hơn khi đi chơi, phụ nữ ít mua quần áo và các loại mỹ phẩm hơn. 

Các gia đình có con nhỏ cũng phải đối mặt với khó khăn, khiến một phần lớn các gia đình buộc phải cho con nghỉ hoặc giảm tần suất học thêm ngoài giờ so với trước đó. 

Lạm phát, bão giá toàn cầu 2022: Nhà nhà gặp khó chi tiêu, nam giới không dám đi chơi, phụ nữ ngại mua sắm - Ảnh 6.

Yae Oono, sống và làm việc tại Kawasaki cho biết: “Mọi thứ vốn đã khó khăn, nhưng mỗi lần đi siêu thị, giá của một số thứ lại tăng lên. Tôi đặc biệt nhận thấy rằng các loại trái cây nhập khẩu như chuối hoặc dứa đắt hơn so với trước nhiều".

Ngược lại với tỷ lệ lạm phát và giá cả tiêu dùng ngày càng tăng cao của Nhật Bản, lạm phát giá tiêu dùng tại Trung Quốc có xu hướng giảm dần về cuối năm. Đặc biệt, giá thịt lợn, mặt hàng chủ yếu tại Trung Quốc đã giảm 0,7% so với hồi tháng 10 nhờ vào việc các nhà chức trách đã mở kho thịt lợn dự trữ trong những tháng gần đây. Trong khi đó, các mặt hàng không phải thực phẩm vẫn giữ nguyên so với hồi tháng 10.

Nguyên nhân dẫn đến lạm phát

Sự mất cân bằng giữa cung và cầu

Kể từ khi đại dịch nổ ra, hầu hết chúng ta đã quen với việc thiếu một số mặt hàng thiết yếu. Nếu hỏi chủ cửa hàng về nguyên nhân, thì câu trả lời mà bạn nhận được nhiều nhất đó là do vấn đề chuỗi cung ứng.

Khi chúng ta dần thoát ra khỏi đại dịch, nhu cầu về các mặt hàng này sẽ tăng lên rất nhanh, nhưng nguồn cung lại không đủ để đáp ứng hết những nhu cầu đó do nhiều nguyên nhân khác nhau. Chính điều đó đã đẩy giá cao vọt lên so với trước đây.

Lạm phát, bão giá toàn cầu 2022: Nhà nhà gặp khó chi tiêu, nam giới không dám đi chơi, phụ nữ ngại mua sắm - Ảnh 7.

Giá năng lượng tăng cao

Trong thời gian qua, nhiều biến động thế giới đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nhiên liệu, chi phí cho mỗi đơn vị nhiên liệu tăng vọt. Nhưng việc giảm thiểu sử dụng năng lượng là vô cùng khó khăn vì đây là yếu tố không thể thiếu để phục vụ các ngành sản xuất khác. Điều này đã dẫn đến việc chi phí sản xuất hàng hoá và dịch vụ cao hơn.

Chẳng hạn như chi phí thực phẩm có thể tăng do chi phí năng lượng cần thiết để vận hành bộ máy tinh chế và vận chuyển đến nơi bán cao hơn.

Người dân Châu Âu chật vật trước giá năng lượng tăng mạnh không kiểm soát. Theo đó, người tiêu dùng Tây Ban Nha đã phải trả nhiều hơn tới 140% để mua khí tự nhiên, trong khi giá điện của Pháp và Đức tăng gấp 10 lần so với hồi tháng 8. Điều đó khiến các gia đình phải đối mặt với tình trạng mất điện trong mùa đông giá rét này vì không có đủ khả năng chi trả hoá đơn.

Giá năng lượng cao đã gây ra gánh nặng tài chính rất lớn cho các hộ gia đình. Trong thời gian gần đây, ở Anh đã nổi lên phong trào không trả hoá đơn năng lượng, một phong trào phản đối việc giá năng lượng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Không những thế, nhiều cuộc biểu tình yêu cầu thay đổi giá năng lượng đã nổ ra ở nhiều quốc gia như Pháp, Cộng hoà Séc.

Đời sống người dân ngày càng trở nên khó khăn, họ buộc phải thắt chặt chi tiêu khi giá cả hàng hoá tiêu dùng tăng vọt, đồng thời phải thực hiện một loạt các biện pháp khẩn cấp để tiết kiệm năng lượng như hạn chế sưởi ấm, hạn chế tiêu dùng điện. Thay vì dùng máy sưởi cả ngày, người dân bắt đầu làm quen với việc mặc thêm nhiều lớp quần áo khi ở nhà.

Thiếu hụt lao động

Lạm phát, bão giá toàn cầu 2022: Nhà nhà gặp khó chi tiêu, nam giới không dám đi chơi, phụ nữ ngại mua sắm - Ảnh 8.

Tình trạng thiếu hụt lao động vẫn kéo dài dù đại dịch đã được kiểm soát

Dịch Covid-19 được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp bắt đầu phục hồi và tăng cường sản xuất kinh doanh để đáp ứng nhu cầu tăng cao sau dịch. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt lao động vẫn còn tiếp tục kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp phải bỏ ra một khoản tiền lớn để thu hút, tuyển dụng và đào tạo lao động từ đầu.

Các quốc gia đã làm gì để giải quyết những hậu quả của lạm phát

Dù mức lạm phát chậm và ổn định có thể là yếu tố cần thiết để thúc đẩy một nền kinh tế phát triển, nhưng nếu lạm phát xảy ra với mức độ quá nhanh, chính phủ buộc phải vào cuộc để “giải cứu" người tiêu dùng, và dưới đây là cách mà chính phủ các nước đã làm để kiềm chế lạm phát.

Vào đầu tháng 11, chính phủ Mỹ đã công bố gói viện trợ trị giá 4,5 tỷ USD để giúp người dân giảm hoá đơn tiền điện tại nhà. Chính quyền cũng đưa ra Đạo luật giảm lạm phát trị giá 430 tỷ USD vào tháng 8.

Mexico sẽ tăng mức lương tối thiểu lên thêm 20% vào năm sau khi đã đạt được thỏa thuận giữa người sử dụng lao động, người lao động và chính phủ. Canada vào tháng 11 đã chi hàng tỷ USD để hỗ trợ những người có thu nhập thấp và giảm nợ cho sinh viên. Vào tháng 9, nước này cũng công bố gói viện trợ trị giá 3,32 tỷ USD.

Lạm phát, bão giá toàn cầu 2022: Nhà nhà gặp khó chi tiêu, nam giới không dám đi chơi, phụ nữ ngại mua sắm - Ảnh 9.

Các chính phủ châu Âu hiện đang tung ra các chương trình quy mô lớn để hỗ trợ các hộ gia đình trong bối cảnh giá năng lượng leo thang và việc chi trả cho thực phẩm, nhà ở của nhiều người trở nên khó khăn hơn.

Vào giữa tháng 11, chính phủ Anh đã công bố gói ngân sách quy mô 55 tỷ Bảng Anh (tương đương 65 tỷ USD) đến từ việc cắt giảm chi tiêu công và tăng thuế. Dự kiến số tiền huy động được sẽ được sử dụng cho chương trình y tế, phúc lợi xã hội và củng cố sự vững mạnh của hệ thống tài chính trong nước.

Các ngân hàng Tây Ban Nha đã đồng ý tăng lương cho người lao động thêm 4,5%, ngoài ra, chính phủ và các ngân hàng cũng đồng ý về các biện pháp hỗ trợ thế chấp cho hơn 1 triệu hộ gia đình dễ bị tổn thương.

Tại Châu Á, Nhật Bản sẽ chi 200 tỷ USD cho một gói bao gồm hỗ trợ cấp hoá đơn tiền điện và xăng dầu cho người dân, đồng thời công bố đợt tăng lương kỷ lục và dự luật cứu trợ trị giá 103 tỷ USD.

Ấn Độ đang cân nhắc việc giải phóng kho lúa mì thuộc dự án lưu trữ nhà nước ra thị trường để hạ nhiệt giá tiêu dùng, đồng thời giảm thuế 40% đối với các hàng nhập khẩu. Vào cuối tháng 9, nước này đã hạn chế xuất khẩu gạo để tăng nguồn cung và làm dịu giá nội địa.

Chia sẻ