Làm gì khi trẻ biếng ăn

,
Chia sẻ

Biếng ăn là hiện tượng hay gặp và có một nghịch lý là ở các gia đình càng chú ý chăm sóc trẻ bao nhiêu thì trẻ càng lười ăn bấy nhiêu.

 
Biếng ăn do bệnh tật: Nếu trẻ đang bị bệnh như ho, sốt, tiêu chảy, kiết lỵ... thì biếng ăn là chuyện đương nhiên, tốt nhất nên đưa trẻ đi khám bệnh và điều trị. Ngoài việc điều trị bằng thuốc, trẻ sẽ được các bác sĩ hướng dẫn về chế độ ăn riêng cho từng bệnh.
 
Nói chung với trẻ ốm cần phải chế biến các thức ăn giàu dinh dưỡng, phải kiên trì dỗ dành cho trẻ ăn ít một, chia thành nhiều bữa trong ngày, khi khỏi bệnh trẻ sẽ thèm ăn trở lại. Lúc này cần phải cho trẻ ăn nhiều hơn bình thường.
 
Biếng ăn do chế độ ăn không hợp lý: Thường là do người chăm sóc trẻ thiếu kỹ năng trong cách cho trẻ ăn và chế biến thức ăn cho trẻ. Khẩu vị của trẻ cũng giống như người lớn, nếu cứ bắt trẻ ăn một loại thức ăn nào đó trong một thời gian dài thì trẻ sẽ chán ăn.  

Muốn trẻ ăn ngon miệng phải liên tục thay đổi món ăn cho trẻ, thay đổi cả cách chế biến. Nếu có điều kiện, nên thay đổi các món ăn trong ngày (trong một ngày ăn 3-4 bữa bột thì có thể cho ăn bột trứng, bột thịt, bột tôm, bột cá, bột cua... ngay cả các loại rau cho vào bột cũng phải thay đổi cho hợp mùi vị (ví dụ: bột thịt cho rau ngót, bột cá cho rau cải, bột cua, tôm cho rau mồng tơi...) thì mới tạo ra các mùi vị thơm ngon giúp trẻ ăn ngon miệng.

Đối với trẻ đã ăn cháo nếu ngày nào cũng chỉ nấu một nồi cháo thịt hoặc xương đun đi, đun lại cả ngày thì trẻ sẽ chán ăn. Một nồi cháo trắng, đến mỗi bữa thêm một loại thực phẩm khác nhau để chế biến thành cháo cá, cháo tôm, cháo thịt gà, thịt bò, thịt lợn, cháo gan, cháo trứng... trong một ngày sẽ giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.

Nên thay đổi cả cách chế biến: trẻ 7-8 tháng tuổi phải ăn bột, nhưng nếu trẻ không chịu ăn có thể cho ăn cháo nấu nhừ; trẻ 2-3 tuổi không chịu ăn cơm có thể cho ăn cháo, bún, mì, súp, phở...
 

Biếng ăn còn do trẻ ăn không đúng bữa và hay ăn vặt: Muốn trẻ ăn ngon miệng phải cho trẻ ăn đúng bữa, không cho trẻ ăn vặt và tuyệt đối không cho trẻ ăn bánh, kẹo, nước ngọt, hoa quả ngọt trước bữa ăn, vì cho ăn như vậy làm cho lượng đường trong máu tăng, gây ức chế tiết men tiêu hóa gây ra sự biếng ăn ở trẻ.

Việc cho trẻ ăn đúng giờ còn làm tăng lượng hấp thu thức ăn vào cơ thể. Tuy nhiên cũng không nên quá cứng nhắc, ví dụ trẻ đang ngủ say, giấc ngủ làm cho sự thèm ăn giảm đi, thì không nên đánh thức trẻ dậy bắt ăn, hoặc có khi trẻ đang đói, khóc hết hơi nhưng vẫn chờ đến giờ mới cho ăn. Trong những trường hợp này nên cho trẻ ăn chậm hơn hoặc sớm hơn một chút cũng không sao.

Biếng ăn do yếu tố tâm lý: Hay gặp ở những gia đình bà mẹ quá lo lắng, tìm mọi cách dọa nạt, bóp mồm, bóp miệng bắt trẻ ăn bằng được gây cho trẻ một tâm lý sợ hãi.
 
Chán ăn tâm lý còn gặp trong các trường hợp do thay đổi người chăm sóc trẻ một cách đột ngột như: mẹ phải đi làm, cho trẻ đi mẫu giáo, nhà trẻ, gửi người khác trông cũng có thể làm trẻ biếng ăn.

Gặp trường hợp này người mẹ cũng không nên quá lo lắng vì qua một thời gian trẻ ăn sẽ thèm ăn trở lại. Khi cho trẻ ăn, phải tạo ra một không khí thoải mái, chỉ dỗ dành chứ không dọa nạt trẻ, khi trẻ không muốn ăn thì thôi chứ không bắt ép, có thể cho trẻ vừa chơi vừa ăn, ăn cùng với trẻ con hàng xóm, dần dần tạo ra cho trẻ một phản xạ thích thú khi ăn uống.
 
Đặc biệt không nên để trẻ nhịn đói, trẻ em càng nhịn đói, bữa sau lại càng không muốn ăn, dù trẻ ăn ít cũng phải cho ăn và cho ăn nhiều bữa trong ngày. Với trẻ lớn hơn, trong bữa ăn nên tạo không khí vui vẻ, động viên khuyến khích khi trẻ ăn được nhiều, dần dần trẻ sẽ ăn ngon miệng.
 
Theo BS. Nguyễn Minh Nguyệt
Sức khoẻ & đời sống
Chia sẻ