Làm gì khi con hay trộm đồ và nói dối

Suri Hoa,
Chia sẻ

Đột nhiên một ngày bạn phát hiện ra trong nhà mình có vài thứ đồ lạ, mà người đưa chúng về không ai khác lại chính là bé yêu của bạn. Bạn sẽ làm gì khi bé cứ nói dối vòng vo.

Trong lúc này, nhiều người sẽ nghĩ, làm thế nào để trừng phạt bé, một trận roi hay một bản tường trình, kiểm điểm… Tuy nhiên, nhiều lúc sự dạy bảo nghiêm khắc chưa chắc đã là phương án tốt, đôi khi còn khiến con bạn hoảng sợ hoặc chai lỳ cảm xúc, không có lợi khi bé khi trưởng thành.

Chị D (Đống Đa – Hà Nội) thở dài tâm sự: “Trước kia bé nhà mình cũng đã từng trộm đồ chơi của cô bạn nhà hàng xóm, lại còn nói dối khiến tôi vô cùng giận. Hôm đó đang bực sẵn chuyện ở công ty, không kiềm chế được nên chẳng cần biết lý do mình đã cho bé một trận đòn và phạt bé phải ăn cơm một mình”.

Hay như trường hợp chị H ( Hoàng Mai - Hà Nội), một người mẹ từng dạy con bằng những chiêu kỷ luật độc đoán mỗi khi bé mắc lỗi lầm. Một chiều, cô bán tạp hóa nhà kế bên sang tố việc đứa con gái bé nhỏ của chị đã trộm đồ nhà họ, chị thực sự thấy sốc. Mọi chuyện càng trở nên gay gắt hơn khi bé một mực lắc đầu phủ nhận. Không dừng lại ở việc la mắng con, để hả cơn giận đang nhức nhối trong mình, chị đã không tiếc những đòn roi cho con, mặc bé có khóc lóc van xin.

Thực ra, các bà mẹ nghĩ dạy thế bé sẽ sợ và chừa, nhưng kết quả thì hoàn toàn ngược lại. Như bé nhà chị D, càng ngày càng lầm lỳ ít nói và không dám gần gũi mẹ. Dù chị D đã tìm tới sự tư vấn của đồng nghiệp, bạn bè mới hàn gắn được tình cảm với con nhưng cũng không giúp bé trở lại vui vẻ hoạt bát, gần gũi mẹ như trước.

Làm gì khi con hay trộm đồ và nói dối

Trong giai đoạn này, trẻ em chưa nhận thức được hành động của mình là sai trái, đơn giản chỉ là chúng thấy thích và tò mò về những món đồ mình không có, khi bị phát hiện ra chúng sẽ rất sợ hãi và một khi bị ép vào chân tường, chúng sẽ tìm mọi cách để nói dối. Đây là phản ứng rất tự nhiên của trẻ.

Thay vì đánh mắng hay phạt con, bạn hãy thử nới lỏng quan điểm hà khắc của mình, cho bé một cơ hội để tự nhận ra lỗi lầm, bằng cách nhẹ nhàng khuyên bảo và đặt lòng tin vào bé. Thậm chí, bạn cũng có thể nói với bé rằng, việc trộm đồ hay nói dối lần đầu là không thể tránh khỏi nhưng đó không phải là việc tốt. Hãy để con thấy được sự tin tưởng tuyệt đối của bạn vào việc sửa sai lỗi lầm của bé.

Bạn cũng nên kể cho bé nghe các câu chuyện thực tế về việc ăn cắp, dối trá sẽ không có kết quả tốt, vẽ ra trong trí tưởng tượng của bé một nhân vật lương thiện và tốt bụng. Hướng cho bé tới các hoạt động bổ ích, xem các chương trình dành cho thiếu nhi để kích thích sự sáng tạo cho bé nhưng vẫn phân biệt được đâu là truyện, là chương trình truyền hình và đâu là đời sống thực tế, đó cũng là một phương pháp tích cực để rèn luyện tính kỷ luật cho trẻ.

Bên cạnh đó, nếu bé có tật trộm đồ thường xuyên và kéo dài, bạn nên cho con đi khám bác sĩ tâm lý. Vì "ăn cắp vặt" có thể là bệnh tâm lý và kéo dài đến khi trẻ trưởng thành

Tóm lại, những gì chúng ta phải làm là không vội lên án trẻ khi chúng mắc lỗi, hãy ngăn chặn những suy nghĩ sai lầm thời thơ ấu của con trẻ và chỉ dạy đúng hướng để con có thể phát triển nhân cách toàn diện.



Làm thế nào để biết bé yêu đang không trung thực? Các mẹ cùng tham khảo 10 "manh mối" giúp bạn nhận diện con nói dối để có hướng dạy con hợp lý và kịp thời nhất nhé


Làm gì khi con hay trộm đồ và nói dối



Chia sẻ