Làm cha mẹ cũng cần được huấn luyện

,
Chia sẻ

Con cái xứng đáng được chăm sóc, dạy dỗ, nâng niu, và được đầu tư một cách xứng đáng. Những việc này các bậc cha mẹ đều đã và đang làm rất cần mẫn từ bao thế hệ nay.

Bao nhiêu con cái đã lớn lên và trở thành cha mẹ, nhưng có bao nhiêu phần trăm can đảm quả quyết rằng tôi là “người nuôi dạy con rất giỏi” hay là như đa số người Việt Nam vẫn tin rằng “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”.

Làm thầy giáo dạy cho học sinh phải có bằng cấp sư phạm, được tiếp cận nhiều bài học về tâm lý. Một người tư vấn về luật thì phải có bằng đại học luật. Thế nhưng những người làm công việc hướng dẫn về tất cả mọi mặt trong đời sống của một đứa trẻ từ nhỏ đến khi trưởng thành - tức bậc cha mẹ - thì không hề được học cách hướng dẫn hay đòi hỏi một văn bằng nào, thậm chí một mảnh giấy chứng nhận là đủ khả năng dạy con đúng cách.

Bậc cha mẹ - không hề được học cách hướng dẫn hay đòi hỏi một văn bằng nào, thậm chí một mảnh giấy chứng nhận là đủ khả năng dạy con đúng cách

Từ khi đứa con được sinh ra, cha mẹ là chuyên gia dinh dưỡng cho bé. Trước khi bé đến trường, cha mẹ là người thầy đầu tiên. Giữa đêm khuya, khi bé sốt, ho, hay đau bụng, cha mẹ là bác sĩ. Khi bé bị sốc tinh thần, hay thay đổi tâm sinh lý ở tuổi dậy thì, cha mẹ là nhà tâm lý học để lắng nghe, an ủi và khuyên nhủ. Khi con cái bắt đầu làm quen với tự lập thì cha mẹ là chuyên viên hướng nghiệp. Trách nhiệm của cha mẹ, không còn gì là lạ, quá nặng nề và quan trọng.

Ai cũng biết sự thành công hay thất bại của cá nhân có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của một xã hội và một dân tộc. Trách nhiệm này đòi hỏi cha mẹ, ngoài tình thương yêu con vô bờ bến và tinh thần trách nhiệm thiên bẩm, phải có kiến thức rộng, đa dạng và sâu sắc. Thế nhưng, nền giáo dục hiện đại lại thiếu những sự hỗ trợ và đào tạo một cách bài bản để chuẩn bị đầy đủ hành trang cho cha mẹ trước khi nhận lãnh trách nhiệm nặng nề và quan trọng này.

Đã bao đời nay, con người sinh ra được cha mẹ chăm sóc rồi lại lớn lên và rồi theo quy luật của tạo hóa họ trở thành cha mẹ. Cha mẹ làm theo những gì đã được truyền dạy từ đời này sang đời khác. Quá trình này không những mang lại sự sinh tồn mà còn phát triển nhân loại đến mức “bùng nổ dân số”.

Trên bề mặt, vấn đề có vẻ như rất ổn, nhưng thực sự có phải thế không? Đương nhiên không tuyệt đối. Đa số người Việt Nam vẫn tin rằng “cha mẹ sinh con, trời sinh tính” và rất nhiều cha mẹ khóc lóc, đau khổ vì con mình không như ý, hoặc thậm chí còn trở thành tệ nạn xã hội và phải nhờ đến pháp luật giáo dục giùm.

Rõ ràng là có những vấn đề nảy sinh mà những thế hệ trước chưa bao giờ tiếp cận vì vậy cha mẹ không biết cách hành xử thích đáng. Đôi khi dùng những kinh nghiệm cũ kỹ dẫn đến những điều đáng tiếc. Ví dụ như hiện tượng Internet, vì nhiều cha mẹ không đủ kiến thức để quản lý con cái trong việc tiếp cận với Internet nên họ cấm đoán con cho yên tâm, và vì vậy rất nhiều trẻ em Việt Nam trở nên tụt hậu chậm thua bạn bè cùng lứa ở các nước khác.

Ngày nay, không cha mẹ nào không hiểu được giá trị của việc đưa con đến trường vì ở trường các thầy cô giáo được đào tạo chính quy và điều này tăng niềm tin của cha mẹ là con cái họ sẽ được dạy dỗ nghiêm chỉnh. Nhưng các em chỉ đến trường vài tiếng đồng hồ trong ngày, những  giờ còn lại, các em ở nhà. Và lúc đó thì thầy cô của các em không là ai khác ngoài cha mẹ và người thân, và trước khi bé đến tuổi đi học thì thầy cô giáo của bé cũng không ai khác ngoài cha mẹ và người thân.

Thế nhưng, trong khi cha mẹ phải dạy con nhiều giờ hơn, thường xuyên hơn và chịu trách nhiệm giáo dục con nặng nề hơn thì họ lại không được đào tạo như thầy cô giáo với mảnh bằng sư phạm và kiến thức giáo dục. Bậc cha mẹ chỉ biết học lỏm từ kinh nghiệm, từ sách báo và lời đồn đãi xa gần mà thôi. Kết quả đương nhiên là không hoàn toàn.

Gia đình là tế bào của xã hội, nhưng con cái là tâm hồn, là niềm tự hào tuyệt vời nhất, mà cũng có thể là nỗi đau lòng sâu thẳm nhất của gia đình. Chúng ta thường cho rằng con cái là vấn đề cá nhân chứ không phải của xã hội và vì vậy cha mẹ có toàn quyền “đặt đâu con ngồi đó”. Điều này đúng nhưng chưa đủ vì tác hại từ sự thiếu kém của cha mẹ đối với con cái sẽ không dừng lại ở mức độ gia đình và cá nhân.

Một đứa trẻ ngoan sẽ làm đẹp lòng bạn bè trong lớp và hàng xóm, nhưng một đứa trẻ hung hăng có thể đánh đập bạn bè, làm phiền hàng xóm, thậm chí tạo ra tệ nạn xã hội, và như vậy xã hội bị ảnh hưởng trực tiếp. Nếu trẻ em được chăm sóc tình cảm, được tôn trọng và có được tâm lý ổn định, đa số sẽ trở nên người hiền lành có tâm hồn bao dung rộng lượng, dễ tha thứ, ít giận dữ và ít gây ra tội ác.

Ngược lại, nếu trẻ em bị ức chế tâm lý, bị chà đạp danh dự thì sẽ rất có thể trở thành người nóng tính, thậm chí tàn ác, đầy hận thù, thiếu tình thường đối với người khác. Khi có khả năng và quyền hành trong tay, những cá nhân này sẽ mang lại biết bao nhiêu đau khổ cho xã hội, nhân  loại. Vì vậy, trách nhiệm giáo dục con cái của cha mẹ có ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong và phát triển của một xã hội chứ không chỉ gói gọn trong gia đình.

Nuôi dạy con cái, tuy là vấn đề cá nâhn và gia đình, nhưng có tầm vóc quan trọng của xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của quốc gia và chiến lược phát triển lâu dài của dân tộc. Vì vậy, việc nuôi dạy con cái phải được hỗ trợ và đạt một chuẩn mực tối thiểu. Ở các nước phát triển không thiếu những cá nhân quan tâm đến trẻ thơ đã thành lập những tổ chức phi chính phủ hoặc phi lợi nhuận nhằm mang lại những bài học, tổ chức các lớp huấn luyện ngắn hạn hầu hỗ trợ cho cha mẹ trong việc nuôi dạy trẻ, vốn là những nhân tố quan trọng của xã hội trong tương lai. Ở nước ta cũng đang cần có những tổ chức như vậy.
 
Theo Doanh nhân
Chia sẻ