"Là mẹ chồng đừng nên xét nét, ghen ghét với con dâu!"

T.Giang,
Chia sẻ

Theo bác N.Thanh (59 tuổi, Thanh Xuân - Hà Nội), đó chỉ là thái độ ghen của các bà mẹ chồng với những nàng dâu.

Là mẹ chồng của ba người con dâu, bác đã có quan điểm khá "thông thoáng" về mối quan hệ vốn được coi là nhạy cảm và nhiều phiền phức này. Từ góc nhìn của một người mẹ chồng, bác cho rằng nếu những người mẹ chồng không xét nét, ghen ghét với con dâu vì đã trót yêu quí con trai quá nhiều thì mọi chuyện sẽ êm đẹp. Với bác, việc thể hiện thái độ với con dâu chỉ là cách ứng xử kém cỏi và dễ làm mọi việc căng thẳng hơn.

Bác là mẹ chồng của ba cô con dâu. Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu xưa nay hiếm sự chân thành như bố mẹ đẻ. Gia đình bác thì sao?

Gia đình tôi nề nếp theo góc nhìn của chúng tôi về mặt nổi ai cũng nhìn thấy. Về mặt chìm, có những sự cố nho nhỏ trong cuộc sống hằng ngày. Điều đó khó tránh khỏi. Nhưng nhìn chung tôi tạo cơ chế rất thoáng cho con cái, cả con trai và con dâu.

Cơ chế thoáng nghĩa là như thế nào thưa bác?

Cơ chế thoáng thông thường mọi người hiểu là để tự do thích làm gì thì làm. Ngay cả cơ cấu gia đình hiện đại như thế nào thì cũng không có chuyện thích làm gì thì làm. Tôi luôn nói với các con tôi, cả trai cả dâu: Việc chuyên môn, quan hệ ngoài xã hội mẹ không biết. Chuyện trong gia đình, liên quan đến gia đình thì chúng ta phải bàn bạc, trao đổi, thống nhất với nhau.

Chuyện trong gia đình, liên quan đến gia đình thì chúng ta phải bàn bạc, trao đổi, thống nhất với nhau (Ảnh minh họa)

Sống trong môi trường nào, không chỉ có gia đình mà tất cả mọi nơi đều phải tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác. Tôi không bỏ qua cho bất cứ cô con dâu nào những lỗi sai liên quan đến gia đình. Nhưng tôi không mắng chửi và đay nghiến bất cứ một đứa con nào. Tôi ứng xử để cho các con có một môi trường thoáng nhằm mục đích nhận thức bản thân mình. 

Những tình huống trong gia đình làm trọng tài rất khó. Giảng đạo lí với thanh niên là điều tôi không làm. Nhưng làm việc gì đó để các con nhận ra các đạo lí thì tôi luôn làm. 

Bác có thể cho một ví dụ cụ thể tình huống bác đã áp dụng không ạ?

Ví dụ, cách đây ít hôm, gia đình tôi có giỗ mẹ chồng tôi. Hôm đó cả nhà quyết định làm cơm cùng nhau để trải nghiệm bữa cơm thân mật, gần gũi. Từ ông bà, bố mẹ đến các cháu đều được phân công nhiệm vụ làm việc. 

Cô con dâu út của tôi khá trẻ, năm nay mới 25 tuổi. Đó là một cô bé nhí nhảnh, thông minh. Mọi người giao cho nó một số việc, trong đó có việc đi mua sắm một số đồ thờ. Vợ chồng tôi đã dặn dò cháu cẩn thận, thậm chí tôi còn thấy cháu ghi chép nữa.

Nhưng khi về, con dâu tôi tôi đã mua sai một số thứ. Con bé không biết một số điểm mua đồ nên đã có “sáng kiến” là mua một số đồ tương tự để thay thế. Chồng nó lại là một người rất cầu toàn. Anh chị chúng nó cũng đều là những người nhanh nhẹn, biết lo công việc. Tôi biết nó chỉ muốn nhắc nhở “khéo” vợ trước mặt bố mẹ khi mắng vợ: “Những việc như thế này đến mõ làm cũng cực kỳ tốt luôn mà em lại không làm được!”.

Thực ra câu nói đó cũng vẫn trong góc độ thông cảm được và tạo không khí vui vẻ. Nhưng ở góc độ tôi, tôi nghĩ: Dù thế nào vẫn có sự “thể hiện” của máu đàn ông. Hai đứa mới lấy nhau nên chúng nó vẫn còn xuề xòa chứ lúc lấy nhau lâu thì chúng nó sẽ chấp nhặt nhau ngay. Vấn đề nhỏ sẽ thành vấn đề lớn khi con người ta không còn những say mê mù quáng che lấp sự ích kỷ.

Chính vì thế mà tôi cũng xen vào câu: “Nhưng mà nó có phải là mõ đâu mà làm như mõ?”. Cả nhà bật cười. Cô con dâu cũng nhẹ người. Tôi dặn con dâu: Lần sau nếu con thắc mắc những việc con làm lần đầu thì con nên hỏi cho chắc ăn. Vì có thể những thứ con suy đoán không hợp lí lắm và gây ảnh hưởng không tốt. Con hỏi sẽ được giải thích và không làm lỡ việc của người khác.

Không khí gia đình tôi sau đó lại vui vẻ. Tôi cũng nhắc nhở con trai riêng: Lúc nào có hai vợ chồng đùa như thế nào là chuyện riêng và không làm cho vợ con bẽ mặt. Nhưng ở trước mặt mọi người khi đùa con cũng phải cân nhắc. Nếu cảm thấy vợ con “chịu” đùa quá tốt thì đùa, không thì phải dừng lại. 

Đó là một việc. Nhiều việc khác, mọi thứ tôi đều quay ra dùng đối thoại để mọi người hiểu chuyện. Đối với gia đình tôi, tôi là người cầm trịch những ứng xử. Càng ít khúc mắc, gia đình càng thông thoáng trong ứng xử. Sự thông thoáng không phải sự tùy tiện, mà là cách giải quyết khúc mắc.

Sở dĩ mẹ chồng không thích các nàng dâu là vì các bà có chút gì đó… ghen với con dâu (Ảnh minh họa).

Liệu có thể tin vào mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu tốt đẹp được không thưa bác?

Tùy cô thôi! Cô có thể tin hay nghi ngờ tùy vào những gì cô trải nghiệm. Đối với tôi, quan trọng con cái tôi tin rằng chúng có thể sống và phát triển tốt trong môi trường gia đình như gia đình tôi.

Còn với con dâu, tôi không lấy lòng chúng nó và cũng không cần chúng nó lấy lòng tôi. Quý mến nhau hay không phải có thời gian va chạm, thích nghi. Phải thỏa mái, không đề phòng nhau thì mối quan hệ mới tốt đẹp. Đó là điều kiện chung của quan hệ, không riêng gì mẹ chồng nàng dâu.

Ý kiến riêng của tôi thì tôi thấy, sở dĩ mẹ chồng không thích các nàng dâu là vì các bà có chút gì đó… ghen với con dâu. Mẹ thường rất yêu con trai. Khi con trai chưa lập gia đình, mọi thứ trong thế giới đều xoay quanh mẹ. Nhưng khi có người yêu, khi có sự thổn thức của người phụ nữ khác mà đứa con trai coi là cả cuộc đời thì bà mẹ sẽ hụt hẫng.

Có nhiều bà mẹ chồng đã rất hả hê khi con trai nặng lời hay dạy vợ. Riêng tôi, những cảnh đó tôi coi là bi kịch. Nếu con cái tôi có hiện tượng như vậy, tôi đuổi hết ra ngoài và khuyên chúng nó: Lớn hết cả rồi, nếu mọi thứ không giúp được các con hài hòa với nhau thì nên chia tay. Còn việc thể hiện thái độ và cố tình làm cho mọi việc căng thẳng, không kiềm chế được là cách hành xử kém nhất người ta lựa chọn. Điều đó làm phiền cuộc sống của mọi người. 

Bác đã bao giờ phải áp dụng chiêu giải quyết mạnh với con dâu và con trai?

Thỉnh thoảng tôi phải giải quyết. Không phiền phức lắm. Với tôi, chúng chỉ là những đứa trẻ. Chiêu trò của chúng tôi biết hết. Thông thường chúng thua.

Vâng! Cháu tiếc là cháu không phải con dâu bác! Cảm ơn bác về câu chuyện mẹ chồng nàng dâu của bác!

Chia sẻ