Kỳ vọng thoát khỏi đại dịch Covid-19 - bài toán “khó nhằn” đối với Biden

MAI TRANG,
Chia sẻ

Tổng thống Joe Biden hiện không chỉ phải ứng phó với Covid-19 mà còn phải quản lý kỳ vọng của người dân về việc nước Mỹ sẽ sớm thoát khỏi đại dịch này.

Lời hứa đưa nước Mỹ trở lại bình thường

Trong nhiệm vụ đưa nước Mỹ thoát khỏi đại dịch, việc có quá nhiều kỳ vọng lạc quan có thể mang lại rủi ro không kém gì việc không tạo ra được nhiều kỳ vọng cho người dân, một chuyên gia y tế công cộng cho biết.

Khi chính quyền ông Biden nỗ lực làm việc để tất cả người Mỹ trưởng thành đều được tiêm chủng, Tổng thống đang bày tỏ sự lạc quan về nguồn cung vaccine của đất nước, nhưng cũng cảnh báo về những thách thức ở phía trước.

Kỳ vọng thoát khỏi đại dịch Covid-19 - bài toán “khó nhằn” đối với Biden - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP

Ngày 2/3, Tổng thống đưa ra thông báo quan trọng rằng, Mỹ sẽ có đủ vaccine ngừa Covid-19 cho tất cả người Mỹ trưởng thành vào cuối tháng 5, sớm hơn 2 tháng so với dự đoán trước đó. Đồng thời, thông báo của ông Biden cũng kèm theo lời nhắc nhở rằng, có thể phải mất một năm trước khi nước Mỹ trở lại trạng thái bình thường.

Tuy nhiên, ngay cả khi chính quyền ông Biden dự kiến sẽ mua đủ vaccine vào cuối tháng 5, không có gì đảm bảo mọi người dân đều sẽ được tiêm chủng vào thời điểm đó.

Chính quyền Tổng thống Biden đang thúc đẩy chương trình tiêm vaccine với tốc độ gấp rút hơn bao giờ hết. Nhưng đến tháng 4, các quan chức chính quyền dự kiến nguồn cung vaccine sẽ vượt quá nhu cầu, đòi hỏi phải tăng cường thuyết phục những người còn do dự về việc tiêm chủng.

Chiến lược tổng thể của ông Biden vẫn là “hứa ít và làm nhiều”, đi kèm với lời nhắc nhở rằng người Mỹ cần phải cảnh giác khi ngày càng xuất hiện nhiều biến thể SARS-CoV-2 mới dễ lây lan hơn.

Trong những ngày đầu tiên lên nắm quyền, ông Biden đã cam kết sẽ có đủ vaccine cho tất cả người Mỹ trưởng thành vào cuối mùa hè. Sau đó, ông đã đẩy nhanh thời gian dự kiến đến cuối tháng 7 thông qua việc mua thêm vaccine Covid-19 của Pfizer và Moderna. Việc phê duyệt vaccine của Johnson & Johnson vào cuối tuần trước, kết hợp với thỏa thuận sản xuất với hãng dược Merck (Mỹ) khiến ông Biden tự tin đặt tháng 5 là cột mốc mới.

Tuy nhiên, ngay cả khi Tổng thống Biden coi việc tiêm chủng như một bước tiến đầy hứa hẹn để đưa cuộc sống trở lại bình thường, ông vẫn chưa đưa ra một mốc thời gian cụ thể cho mục tiêu này.

“Tôi được khuyên không nên đưa ra câu trả lời rõ ràng vì chúng tôi không chắc chắn điều gì cả”, ông Biden nói hôm 2/3 sau khi thông báo việc Mỹ sắp có đủ vaccine. Sau đó, ông Biden đưa ra một mục tiêu “nhẹ nhàng” hơn là vào thời điểm này năm sau (tức tháng 3/2021-ND) hoặc sớm hơn.

Không giống như người tiền nhiệm Donald Trump, ông Biden đã cố gắng đặt ra những kỳ vọng khiêm tốn và tìm cách thực hiện chúng. Mục tiêu ban đầu của ông Biden là 100 triệu người Mỹ được tiêm vaccine trong 100 ngày đầu ông tại nhiệm.

Nhưng ngay cả khi mốc thời gian cho việc cung cấp vaccine đã được đẩy nhanh, Tổng thống Biden vẫn liên tục từ chối đưa ra dự đoán về việc khi nào cuộc sống sẽ trở lại bình thường.

Các cố vấn cho biết, sự do dự của ông Biden bắt nguồn từ việc không chắc chắn về khả năng những người được tiêm chủng vẫn có thể lây nhiễm virus, cũng như lo ngại về các biến thể mới có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine.

Đưa ra thông điệp vừa lạc quan vừa thận trọng

Theo AP, ông Biden luôn “tuân theo khoa học” trong các quyết định về đại dịch, một sự trái ngược với những dự đoán không có cơ sở của cựu Tổng thống Trump. Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế lo ngại rằng, có thể ông Biden đang tuân thủ quá mức.

Một số chuyên gia nói rằng, khi nguồn cung vaccine trở nên phổ biến, thông điệp đưa ra sẽ cần phải chuyển sang việc làm thế nào để mở cửa trở lại một cách an toàn, ít chú trọng hơn vào các cảnh báo thảm khốc và tập trung vào việc khả năng vaccine sẽ đưa cuộc sống trở lại bình thường như thế nào. Ngày 4/3, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) sẽ đưa ra hướng dẫn về việc người đã được tiêm chủng nên làm và không nên làm để đảm bảo an toàn.

Cựu Giám đốc CDC Tom Frieden cho rằng, chính quyền ông Biden cần đưa ra một “thông điệp vừa lạc quan vừa thận trọng”, đề cao những tiến bộ đối với vaccine và số ca mắc bệnh giảm so với mức cao nhất của tháng 1, nhưng cũng đề cập đến tỷ lệ nhiễm trùng vẫn không thay đổi và sự xuất hiện của các biến thể.

“Một mặt, bạn muốn mọi người có lý do để hy vọng rằng đại dịch sắp kết thúc, nhưng bạn cũng cần họ không mất cảnh giác”, ông Frieden nói.

Kỳ vọng thoát khỏi đại dịch Covid-19 - bài toán “khó nhằn” đối với Biden - Ảnh 2.

Ông Biden tiêm liều vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên tại bang Delaware. Ảnh: AP

Tỷ lệ tử vong do Covid-19 có thể đang giảm dần vì một số nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất đã được tiêm vaccine. Mặc dù vậy, dịch Covid-19 vẫn là một “sát thủ tiềm tàng”.

Ông Frieden cho biết, vài tuần tới sẽ rất quan trọng trong việc kiểm soát đại dịch. “Chúng ta sẽ biết dịch bệnh sẽ diễn ra theo chiều hướng nào. Liệu chúng ta có phải đối mặt với đợt bùng phát thứ 4 hay không? Có phải chúng ta đang dừng lại ở mức độ lây nhiễm rất cao? Hay các ca mắc bệnh sẽ tiếp tục giảm”, ông Frieden đặt ra một loạt câu hỏi.

Trước đó, những đánh giá không thực tế của cựu Tổng thống Trump về xu hướng của đại dịch khiến người dân Mỹ cảm thấy không chắc chắn về những gì sẽ xảy ra. Ông Trump đặt mục tiêu mở cửa trở lại đất nước vào Lễ Phục sinh năm 2020, gần 11 tháng trước. Vào mùa thu, ông tuyên bố rằng vaccine sẽ có sẵn “trong vài tuần nữa”, dù các chuyên gia y tế cảnh báo rằng sẽ không có vaccine cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống.

“Quản lý kỳ vọng là bước đầu tiên giúp ứng phó với cuộc khủng hoảng hiệu quả. Nếu bạn đạt kết quả vượt quá kỳ vọng của người dân, bạn là một anh hùng. Nhưng nếu bạn không thể đáp ứng được kỳ vọng, bạn sẽ là kẻ thất bại”, Alex Conant, cố vấn cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của Thượng nghị sĩ Marco Rubio cho biết.

Thông báo đầy lạc quan hôm 2/3 về nguồn cung vaccine đã khiến hy vọng của người dân Mỹ tăng cao. Điều này cũng gây áp lực lên chính quyền ông Biden trong việc thực hiện mục tiêu. Nếu không thành công, đây sẽ được coi là một sự thất vọng cay đắng và thất bại chính trị đối với ông Biden.

“Mọi trách nhiệm đang thuộc về Tổng thống. Nếu người dân Mỹ không thể tiếp cận với vaccine, họ sẽ đổ lỗi cho người điều hành”, ông Conant nói./.

Chia sẻ