Kỳ diệu những sinh mạng trở về từ “Báo động đỏ”

,
Chia sẻ

Chỉ sau vài phút huy động, bác sĩ của các bệnh viện chuyên ngành cùng nhau hợp sức, giành giật với thời gian và tử thần để đưa người bệnh từ cõi chết trở về.

Những món quà kỳ diệu của cuộc sống

Sáng 21/9, các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất tiếp nhận một sản phụ mang thai 9 tháng bị sản giật trong tình trạng rất nguy kịch. Bệnh nhân là chị N. T. H. T. (20 tuổi, H. Hóc Môn, TP.HCM).

Kể lại việc phối hợp với Bệnh viện Thống Nhất cứu mẹ con chị T., BS CK2 Phạm Thị Hải Châu, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Hùng Vương cho biết, bệnh viện nhận được cuộc gọi của Bệnh viện Thống Nhất lúc 9h30. Sau 5 phút, bệnh viện tập hợp xong êkip y bác sĩ hỗ trợ và các dụng cụ cần thiết lên xe cấp cứu chạy thẳng đến Bệnh viện Thống Nhất.

Trên đường di chuyển, bác sĩ hai bệnh viện điện thoại trao đổi tình hình bệnh nhân, chuẩn bị phòng mổ, khám tim thai... để ca mổ được chuẩn bị tốt nhất. Ca mổ bắt con được thực hiện sau đó chỉ 40 phút trong tình trạng thai phụ vẫn đang co giật liên tục.

Kỳ diệu những sinh mạng trở về từ “Báo động đỏ” - Ảnh 1.

Mổ cấp cứu trường hợp vỡ thai ngoài tử cung nhờ quy trình Báo động đỏ tại BV huyện Củ Chi

Thai nhi khi lấy ra bị ngạt nên bác sĩ hồi sức nhi đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp cho bé và chuyển về Bệnh viện Hùng Vương chăm sóc. Chiều cùng ngày, bé được rút nội khí quản, hồng hào và tự thở...

Ngày 18/10, Bệnh viện huyện Cần Giờ đã tiếp nhận và kích hoạt báo động đỏ liên viện cấp cứu thành công bệnh nhân nữ 35 tuổi vỡ thai ngoài tử cung, choáng mất máu với sự hỗ trợ của bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.

Ngày 20/10, Bệnh viện huyện Củ Chi đã phát lệnh báo động đỏ liên viện đến Bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi, khoa vệ tinh Bệnh viện Từ Dũ, các bác sĩ của các bệnh viện đã phối hợp hồi sức và phẫu thuật khẩn cấp một trường hợp thai ngoài tử cung vỡ.

Ngày 26/10, Bệnh viện Thống Nhất tiếp nhận một bé trai bị cọc nhọn đâm xuyên thấu tim, phổi từ sau ra trước do té từ lầu 2 xuống. Bệnh nhân da nhợt nhạt, mạch khó bắt, huyết áp khó đo, có lúc ngưng tim. Trước tình trạng nguy kịch, Bệnh viện Thống Nhất đã phát lệnh báo động đỏ liên viện đến Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Sau khi được phẫu thuật tại Bệnh viện Thống Nhất với sự hỗ trợ của các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1, dấu hiệu sinh tồn của bé khá ổn định, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 ngay trong đêm để tiếp tục điều trị. Sau 1 tháng, cháu bé được xuất viện trong tình hình sức khỏe ổn định và sinh hoạt bình thường.

Ngày 16/12, Bệnh viện Quận Tân Phú tiếp nhận một sản phụ mới sinh con bị trở nặng trong tình trạng mê sâu, mạch bằng 0, huyết áp không đo được. Đây là một bệnh nhân của bệnh viện khác đang trên đường chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy.

Nhận định đây là một trường hợp cấp cứu nguy kịch cần phẫu thuật cấp cứu khẩn để cầm máu, cùng lúc bệnh viện đã báo động đỏ nội viện và liên viện đến Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Truyền máu huyết học.

Đội phẫu thuật của Bệnh viện Hùng Vương và đội hồi sức bệnh viện Nhân dân 115 đã nhanh chóng đến Bệnh viện quận Tân Phú và tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân tại Bệnh viện quận Tân Phú. Sau phẫu thuật 2 giờ, tình trạng bệnh nhân ổn định, qua cơn nguy kịch và được đưa về Bệnh viện Hùng Vương điều trị và chăm sóc.

Tối ưu hóa “thời gian vàng”

Khi hệ thống "Báo động đỏ liên viện" được kích hoạt, ngay lập tức toàn bộ các thủ tục hành chính khi tiếp nhận người bệnh theo quy định và các bước hội chẩn theo quy định tạm thời đều được bỏ qua.

Thay vào những thủ tục quy định đó, bệnh nhân sẽ nhanh chóng được chuyển thẳng lên phòng mổ (nếu bác sĩ trực nhận định cần phải can thiệp phẫu thuật khẩn cấp) hoặc chuyển ngay vào khoa Hồi sức hoặc phòng can thiệp (nếu là tình trạng nội khoa cần hồi sức tích cực).

Trong quá trình di chuyển, bệnh nhân vẫn được vừa hồi sức vừa chuyển. Cùng lúc đó, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của các khoa có liên quan nhanh chóng xuất hiện tại nơi bệnh nhân được chuyển đến và thực hiện ngay những phần việc thuộc lĩnh vực chuyên môn do khoa mình phụ trách.

Ở bệnh viện được yêu cầu hỗ trợ, khi nhận được tính hiệu báo động đỏ, trong vòng 5 phút, toàn bộ êkíp được phân công nhanh chóng tập kết tại xe cấp cứu của bệnh viện với đầy đủ dụng cụ, thuốc cần thiết và nhanh chóng lên đường chi viện. Trên xe, bác sĩ hỗ trợ chuyên môn sẽ liên lạc trực tiếp với bác sĩ hiện đang cấp cứu bệnh nhân (của bệnh viện yêu cầu hỗ trợ) để thảo luận chẩn đoán, can thiệp trong khi chờ đội chi viện đến hỗ trợ.

Khi đến bệnh viện cần trợ giúp, êkíp đi hỗ trợ nhanh chóng đến thẳng phòng mổ hoặc phòng hồi sức nơi bệnh nhân đang được can thiệp cấp cứu và trực tiếp can thiệp điều trị cho bệnh nhân.

Sau can thiệp điều trị qua cơn nguy kịch, tùy tình huống cụ thể, bệnh nhân sẽ tiếp tục được hồi sức tại bệnh viện với phương án thống nhất của bác sĩ tuyến chi viện và bác sĩ của bệnh viện, hoặc bệnh nhân sẽ được chuyển về bệnh viện tuyến trên để tiếp tục được điều trị.

Quy trình Báo động đỏ nội viện và liên viện đã tối ưu "thời gian vàng" để tăng cơ hội cứu sống bệnh nhân trong cơn nguy kịch. Quy trình Báo động đỏ nội viện và liên viện được xem như là một bước tiến mới trong ngành y tế, giúp rút ngắn tối đa thời gian cấp cứu bệnh nhân, giành lại tính mạng cho nhiều "sinh mạng mong manh" trong tay tử thần, mặc dù khi nhập viện cấp cứu bệnh nhân đã ở tình trạng "thập tử nhất sinh".

Infonet

Chia sẻ