Kinh hãi: 19% thịt heo chứa chất cấm đầu độc người tiêu dùng

Infonet,
Chia sẻ

Qua kiểm tra 14 cơ sở giết mổ, kết quả lấy mẫu cho thấy có 23/120 lô heo dương tính với chất cấm thuộc nhóm beta – agonist (chiếm 19%).

Nhiều ý kiến đóng góp về việc ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi được các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra tại Hội thảo “Loại bỏ chất cấm trong chăn nuôi” diễn ra vào sáng 28/10 tại TP.HCM.

Bêu tên cơ sở chăn nuôi dùng chất cấm

Theo đại diện của Chi cục Thú y TP.HCM, trong 9 tháng đầu năm 2015 cơ quan này đã tổ chức nhiều đợt thanh kiểm tra tình hình sử dụng chất cấm, chất tạo nạc trong chăn nuôi trên địa bàn thành phố. Qua kiểm tra 14 cơ sở giết mổ, kết quả lấy mẫu cho thấy có 23/120 lô heo dương tính với chất cấm thuộc nhóm beta – agonist (chiếm 19%).

Các chất như Salbutamol, Clenbuterol, Ractopamine… thuộc họ beta – agonist là những chất nằm trong danh mục hóa chất, kháng sinh bị cấm sử dụng trong chăn nuôi ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới vì gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Thực tế hiện nay có nhiều cơ sở chăn nuôi tập trung và trang trại sử dụng các chất cấm này để tăng trọng, tạo nạc cho gia súc, gia cầm.

thit heo
Để thịt heo sạch đến tay người tiêu dùng cần có sự vào cuộc của đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng.

Cũng theo Chi cục Thú y thành phố, đa số gia súc từ các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long…được đưa về TP.HCM giết mổ, qua kiểm tra cho thấy có tồn dư lượng chất cấm, chất tạo nạc. Chi cục đã xử phạt hành chính 22 trường hợp vi phạm tại cơ sở giết mổ với số tiền gần 300 triệu đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng  mức xử phạt hành chính đối với cơ sở chăn nuôi hay đơn vị sản xuất thức ăn gia súc như hiện nay là không đủ sức răn đe. Nói như ông Lê Bá Lịch – Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, là như “muỗi đốt gỗ”, chẳng thấm vào đâu so với lợi nhuận mang lại từ việc làm trái pháp luật này.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm – Giám đốc Công ty THNN Dịch vụ An Hạ, đơn vị cung cấp thịt heo sạch đạt chứng nhận VietGap ra thị trường, cho rằng việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Trong khi các doanh nghiệp làm ăn chân chính phải đầu tư chi phí cao để cho ra sản phẩm thịt sạch thì một bộ phận khác lại sử dụng chất cấm, thu lợi bất chính.

Theo bà Thắm, khi phát hiện thịt có tồn dư chất cấm, cơ quan quản lý cần phải nêu đích danh cơ sở chăn nuôi chứ không chỉ cơ sở giết mổ. Ngoài ra cần áp dụng một số biện pháp như nâng cao công tác kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ, ngăn chặn tình trạng giết mổ lậu, cơ sở giết mổ phải có phương tiện làm xét nghiệm nhanh, lắp đặt camera…

Người chăn nuôi cần phải tự giác

Ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhìn nhận việc tuyên truyền cho người chăn nuôi hiểu mới là vấn đề quan trọng, bởi không có lực lượng nào có thể “gõ cửa” từng cơ sở chăn nuôi mà kiểm tra được.

Cần phải cho người nuôi hiểu tác hại từ việc sử dụng hất cấm trong chăn nuôi ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe người tiêu dùng. Ông Dương cho biết, Cục Chăn nuôi đang kiến nghị nên hình sự hóa việc sử dụng chất cấm vì nó giống như hình thức buôn ma túy, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người.

Theo ông Dương, chất cấm đưa vào chăn nuôi bằng nhiều kênh, như trong nguồn thức ăn, người nuôi mua về cho vào thức ăn, trong kháng sinh, thức ăn bổ sung… rất khó kiểm soát.

Đại diện một công ty chăn nuôi gia súc tại hội thảo cho rằng, đôi lúc chất cấm xuất hiện một cách vô ý khi gia súc ăn thức ăn bổ sung được mua từ đối tác nước ngoài. Để hạn chế tình trạng này, khi ký hợp đồng công ty yêu cầu phía đối tác phải cam kết sản phẩm bán ra không có chất cấm.

Việc sử dụng kháng sinh cho vật nuôi cũng tăng khả năng chất cấm xuất hiện trong chăn nuôi. Chính vì thế, theo ông Nguyễn Xuân Dương, ngành chăn nuôi đã có lộ trình loại bỏ sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nhiều nước trên thế giới cũng đã áp dụng cách thức này như Nhật Bản vào năm 2009.

Tuy nhiên, do điều kiện cũng như môi trường chăn nuôi nước ta còn nhiều khó khăn, dự  kiến phải đến giai đoạn từ năm 2020 – 2025 ngành chăn nuôi trong nước mới có thể  thực hiện được.

Chia sẻ