Khuyến cáo trẻ em không nên uống nước tăng lực

Theo Infonet,
Chia sẻ

Đồ uống nước tăng lực được cảnh báo chứa các chất gây hại cho sức khoẻ, không phù hợp cho trẻ em. Thế nhưng, ở nước ta, trẻ em uống nước tăng lực thay nước giải khát vẫn còn phổ biến.

Trẻ em Việt Nam uống nước tăng lực như nước giải khát!

Theo tìm hiểu của PV Infonet, hiện nay trên thị trường có không dưới 20 loại nước tăng lực đóng lon. Với sức tiêu thụ hấp dẫn như thị trường Việt Nam, đây được coi là miếng bánh ngon mà bất cứ nhà sản xuất đồ uống nào cũng không thể ngó lơ.

Ngoài loại nước cao cấp nhập khẩu từ Mỹ như Monster Energy, có không ít nhãn hàng sản xuất trong nước như Sting, Sting hương dâu tây đỏ, Number 1 hương chanh, Samurai, Red Bull (còn được gọi là bò húc, bò đỏ), Gold Cow (bò vàng), Supper Lion (siêu sư tử), Lipovitan… Phân khúc thấp hơn có thể kể tới như nước sâm tăng lực H.L, sâm X2 lon.

Thị trường nước tăng lực càng chật chội hơn khi ngoài các “ông lớn” như URC, Number 1, Red Bull thì gần đây có sự nhập cuộc của những nhà sản xuất như Thạch Bích với sản phẩm nước tăng lực Green, hay các sản phẩm của Bidrico. Hai doanh nghiệp này từ lâu được biết đến với thế mạnh là nước uống đóng chai, nước khoáng.

Hiện có nhiều loại nước tăng lực được lưu hành trên thị trường. 

Như công bố trên nhãn mác, các loại nước tăng lực đang lưu hành trên thị trường hiện nay thường có công thức na ná giống nhau. Một lon nước tăng lực thường gồm nước, đường gluco, đường fructo, chất tạo ngọt, chất điều chỉnh độ a-xít, đường tinh luyện, màu thực phẩm, vitamin, inositol, caffeine, taurine, chất bảo quản, hương liệu tổng hợp…

Với thành phần như thế này nhưng không ít nhà sản xuất quảng cáo về tác dụng của sản phẩm như thần dược.

Đơn cử như loại nước tăng lực sử dụng nguyên liệu ô mai được nhà sản xuất “rao” có công dụng chống lão hoá, ngăn ngừa mệt mỏi, làm trẻ cơ thể, giải độc. Thậm chí nó còn được quảng cáo giúp người uống “khoẻ như chúa sơn lâm”. Ngoài ra, một số sản phẩm còn dành cho người bị bệnh tiểu đường, béo phì.

Có nhà sản xuất còn quảng cáo sản phẩm của mình có vitamin và a-xít amin có tác dụng bổ sung vi chất cho cơ thể, giúp tăng cường sức khỏe, tăng cường sức đề kháng, đem lại vẻ tươi tắn, tràn đầy sinh lực và khả năng vận động cho người sử dụng, chống mệt mỏi do buồn ngủ, giảm căng thẳng do làm việc quá sức…

Chưa bàn đến chất lượng và tác dụng các loại nước mang lại cho người dùng, tuy nhiên nước tăng lực nhập khẩu thường có chỉ định cho người tiêu dùng chứ không như nhà sản xuất trong nước.

Đơn cử như một số hãng nước nhập khẩu từ Mỹ có chỉ định như không nên dùng cho phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, trẻ em, những người nhạy cảm với caffein. Hay hướng dẫn cách sử dụng như dùng không quá 3 lon/ngày, trong vòng 4 tiếng đồng hồ chỉ được dùng 1 lon.

Theo TS.BS Trần Bá Thoại (Hội Nội tiết Việt Nam), người sử dụng nước tăng lực đã gặp phải những tác dụng không mong muốn như nhịp tim nhanh, buồn nôn, hồi hộp, chóng mặt, đau tức ngực, khó thở, đau đầu, khó ngủ…

TS.BS Trần Bá Thoại cũng cho rằng, nước tăng lực không phải nước giải khát thông thường mà là thực phẩm chức năng hay thực phẩm thuốc. Do vậy cần phải uống trong giới hạn cho phép.

Trong khi đó, rất nhiều trẻ em Việt Nam vô tư uống nước tăng lực, như các đồ uống có gas thông dụng khác mà không nhận được sự khuyến cáo nào.

Khó kiểm soát chất lượng

Cuối tháng 5/2016 vừa qua, vụ xử phạt Công ty TNHH URC Hà Nội liên quan đến việc sản xuất lô hàng 2 sản phẩm là trà xanh hương chanh C2 và nước tăng lực hiệu hương dâu Rồng đỏ có hàm lượng chì cao hơn mức công bố đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng của các loại nước tăng lực. Thành phần tương tự nhau nhưng hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm với giá cả đa dạng khiến người tiêu dùng không biết đâu là thật giả, có nguy hại cho sức khoẻ hay không?

Cách đây vài năm, cơ quan chức năng phát hiện một cơ sở tại Bắc Ninh dùng nước, một số loại hoá chất công nghiệp hương liệu và màu thực phẩm đã chế biến ra hàng nghìn thùng nước tăng lực Sting mỗi tháng. Loại nước này khá giống với nước tăng lực Sting của Pepsi.

Nói về việc kiểm soát chất lượng các sản phẩm nước tăng lực đang lưu hành trên thị trường, một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm cho rằng như… mò kim đáy bể.

Bởi theo Thông tư số 16/2012/TT-BYT, việc kiểm tra định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế, không được quá hai lần/năm đối với cơ sở sản xuất đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm (ATTP) và giấy chứng nhận GMP, HACCP, ISO 220000 (hay giấy chứng nhận tương đương); không được quá ba lần/năm đối với cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp…

Việc kiểm tra đột xuất chỉ được tiến hành nếu xảy ra vi phạm về ATTP, sự cố liên quan hay kiểm tra theo đợt cao điểm.

Chính vì vậy, kiểm soát chất lượng sản phẩm sẽ phụ thuộc vào khâu kiểm nghiệm mà nhà sản xuất có trách nhiệm thực hiện. Thông tư 48/2015/TT-BYT cũng nói rõ, quá trình kiểm tra cơ quan chức năng sẽ rà soát hồ sơ, kết quả kiểm nghiệm được doanh nghiệp lưu trữ. Tuy nhiên, người tiêu dùng không thể trông chờ vào sự “tự giác” của doanh nghiệp.

Chia sẻ