Khủng hoảng vắc xin và câu chuyện khi niềm tin bị đánh cắp

P.A,
Chia sẻ

Chen lấn đến ngất xỉu, đội mưa gió rét mướt từ 2h sáng, lặn lội qua nước ngoài để mong "săn" được cho con mình một mũi vắc xin dịch vụ…, “cơn sốt vắc xin dịch vụ” đã chính thức biến thành “cơn khủng hoảng vắc xin” khiến Bộ Y Tế và cả xã hội đau đầu!

Vì đâu nên nỗi? Vì vắc xin mở rộng kém quá? Vì vắc xin dịch vụ tốt vượt trội? Hay vì sự mông lung, nông cạn trong hiểu biết của các bà mẹ? Hay vì tâm lý "đám đông"?...

Không! Nguyên nhân, theo tôi, là bởi niềm tin của các bà mẹ đã bị đánh cắp.

Năm 2013, tôi mang bầu đứa con trai đầu lòng. Lúc ấy, cứ vài ngày lại xuất hiện trên báo chí một bản tin về tai biến sản khoa. Mặc dù những bác sĩ sản khoa tôi quen đều khẳng định: không phải xưa nay không có sản phụ chết, chỉ là thời điểm đó rộ lên những tin tức đó nên khiến mọi người hoang mang. Trong y khoa, bác sĩ nào tài giỏi đến mấy cũng không thể chắc chắn rằng bệnh nhân mình không gặp tai biến. Và rằng với một ca sinh nở bình thường, năng lực của trạm y tế xã cũng giải quyết được ngon lành...

Thế nhưng, hình ảnh những bà bầu khỏe mạnh bước lên bàn sinh và cái kết cục chết mẹ, chết con khiến chúng ta ám ảnh, lo sợ. Những ông chồng trẻ khóc vật vã trong ngày tưởng chừng như hạnh phúc nhất lại biến thành ngày đớn đau nhất được kể trên báo chí, trên mạng xã hội, ám ảnh tôi đến cả trong giấc ngủ mệt mỏi của thai kì. Nỗi sợ ấy khiến tôi quyết tâm đăng kí vào bệnh viện sản khoa tuyến đầu để sinh con, mặc đông đúc chật chội, mặc nội ngoại khuyên về quê sinh con cho tiện bề chăm sóc. Tôi, một người bình thường như bao người mẹ khác, chắc chắn luôn muốn lựa chọn giải pháp an toàn nhất để chào đón đứa con của mình.

Rồi bé con của tôi cũng chào đời khỏe mạnh, tôi lại lại từ chối việc về quê để ba má chăm sóc vì lí do “ở thành phố mới chích được vắc xin dịch vụ cho con, về quê sẽ không có”. Những tin tức về tai biến tiêm chủng cũng như tai biến sản khoa một lần nữa khiến tôi tìm mọi cách, tham khảo mọi thông tin trên sách báo truyền hình để lựa chọn giải pháp an toàn nhất cho con mình.

tiêm chủng
Một trường hợp bé 3 tháng tuổi tử vong sau khi tiêm văc xin ở Đăk Nông.

Một bà mẹ không phải thuộc hàng đại gia, lặn lội mang con qua Singapore chích vắc xin dịch vụ nói với tôi rằng “nhịn ăn nhịn mặc tôi cũng đưa con đi chích  dịch vụ vì biết đâu, 1% tai biến nặng khi tiêm Quinvaxem lại rơi vào con mình thì sao? Biết là có nhiều người tiêm không sao nhưng tính mạng con không thể ăn may được. Khi đã lăn tăn thì quyết không đặt con mình vào đó. Sai một li có nguy cơ ân hận cả đời. Cái gì thì sai có thể sửa, nhưng tính mạng con trẻ thì không!".

Còn nhớ khi hàng loạt vụ tai biến tiêm chủng xảy ra, dư luận thi nhau chỉ trích Bộ Y Tế. Hàng loạt bài viết yêu cầu bộ trưởng từ chức, yêu cầu thay vắc xin, yêu cầu điều tra... Một bé chết vì sốc phản vệ sau khi chích ngừa viêm gan B xuất hiện trên các báo, được một số người nghe loáng thoáng “chết sau khi tiêm vắc xin”, và rồi lại “loáng thoáng cú nữa” thành ra “chết vì vắc xin Quinvaxem”. Rồi hàng loạt trang tin, hot Facebooker lao vào chửi rủa, phân tích. Người ta khuyên nhau đưa con đi chích dịch vụ, tẩy chay vắc xin "nhà nước", thầm thì to nhỏ, đồn đại về tin hậu trường này, tin bí mật kia. Nỗi sợ hoá thành to, thành nỗi ám ảnh cả cộng đồng. Đến nỗi có những bà mẹ quyết "nhịn" tiêm phòng cho con, bất chấp hậu quả là gì.

Và bây giờ, chứng kiến cảnh các phụ huynh khổ sở, vạ vật, chen lấn để mong "săn lùng", "chụp giựt" được cho con mình một mũi vắc xin dịch vụ, người ta quay qua chửi các ông bố, bà mẹ là chạy theo phong trào, khoe mẽ, ngu dốt. Vì vắc xin dịch vụ không tốt hơn vắc xin mở rộng là bao nhiêu, rằng vắc xin mở rộng chỉ có 1% tai biến, tỷ lệ cho phép, sao các mẹ phải xoắn lên?... Và rồi xuất hiện các bài viết phân tích vắc xin mở rộng tốt, bản chất các trường hợp tử vong là bởi những nguyên nhân khác, rằng vắc xin dịch vụ cũng có cơ chế bảo vệ và tỉ lệ tai biến như mở rộng…Nhưng xem ra, các bà mẹ thì chẳng ai tin nhiều. Niềm tin của họ đã bị đánh cắp, giờ trả lại đâu chỉ cần mấy bài phân tích, mấy bài phát biểu là xong.

Hãy nhớ rằng, với các bà mẹ, tính mạng, sự an nguy của con không thể có bất cứ một tỉ lệ nào có thể chấp nhận được.

tiêm chủng
Những gương mặt mệt mỏi vì thức nguyên đêm chờ tiêm văc xin.

Quinvaxem (vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, miễn phí) hay Pentaxim (vắc xin dịch vụ, phải mua) đều là những loại vắc xin đạt chuẩn, đều có thể xảy ra tai biến, khả năng ngừa bệnh như nhau… Nhưng nó chỉ khác nhau, Quinvaxem đã khiến phụ huynh nghi ngờ, còn Pentaxim thì chưa. Niềm tin của các bậc phụ huynh, chính xác là đã bị đánh cắp bởi những cú chích nhầm của nhân viên y tế, những lần khám tầm soát trước chích qua loa, những bản tin giật gân câu khách nhưng nội dung một nẻo, những bài viết hùa theo phong trào, thậm chí cố tạo nên kịch tính để câu like nhan nhản trên các mạng xã hội….

Khi niềm tin của những ông bố bà mẹ bị đánh cắp, họ buộc phải tìm thứ khác để đặt niềm tin. Chuyện cơn sốt vắc xin lần này không khác gì việc các bệnh viện tuyến trên quá tải trong thời gian qua, khi người dân mất niềm tin vào các bệnh viện tuyến dưới, các cơ sở y tế địa phương. Một bà cụ đã 80 tuổi lặn lội bắt xe đò hơn 400 cây số từ miền Trung vào BV Chợ Rẫy TP.HCM chỉ để khám cái lưng đau. Những bà mẹ trẻ tỉnh lẻ chấp nhận 1 tháng 1 lần lên các thành phố lớn khám thai cho "chắc ăn". Sức khoẻ, sinh mệnh là quan trọng nhất.

Họ có quyền tìm chỗ mình cảm thấy yên tâm nhất để giao phó sức khỏe, tính mạng của mình. Đáng trách là bệnh viện tuyến dưới đã làm gì để bà cụ phải khăn gói lên bệnh viện tuyến trung ương chỉ để khám cái lưng đau? Phải chăng họ đã làm cho bệnh nhân mất niềm tin? Tôi tin rằng, bà cụ đó chẳng vui vẻ gì khi lê thân già nằm xe đò hơn 400 cây số. Nhưng bà cũng như bao người khác, luôn muốn gửi mình vào nơi tin cậy được, hoặc cất công đi tìm chỗ tin cậy hơn chỗ đã khiến mình mất niềm tin.

Câu chuyện khủng hoảng vắc xin hiện nay sẽ được giải quyết khi niềm tin được trả lại cho các bà mẹ. Một niềm tin trong sáng được xây dựng trên uy tín, minh bạch và trách nhiệm chứ không phải niềm tin mù quáng hay niềm tin "ảo", được "dắt mũi" bởi vô vàn những status mạng xã hội, những bài viết vô căn cứ được dân mạng chia sẻ hàng ngày.

tiêm chủng
Trẻ nhỏ chính là đối tượng chính chịu sự mệt mỏi vì văc xin.

Kiểm soát tốt quy trình tiêm chủng, nâng cao chương trình tầm soát trẻ sơ sinh, minh bạch thông tin, giải quyết vấn đề rốt ráo mỗi khi có những trường hợp tai biến, bác sĩ làm ơn quan tâm, để ý khi thấy bé gặp những vấn đề sau chích ngừa một cách thực tâm, các nhà báo trước khi đặt tít câu view hãy nhớ bài báo mình có thể ảnh hưởng đến rất nhiều người... là những việc cần hành động ngay để trả lại niềm tin cho các ông bố, bà mẹ vô tội đang đau khổ, vật vã, trăn trở vì một mũi tiêm phòng bệnh cho con.

Trước khi trách các bà mẹ mù quáng, thiếu hiểu biết, hãy tìm cách lấy lại niềm tin của họ. Nếu không làm được điều đó, cuộc khủng hoảng sẽ chưa có hồi kết và câu chuyện sốt vắc xin sẽ còn đi xa hơn nữa.

 
Chưa bao giờ sự tranh cãi về vắc xin dịch vụ và vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng gay gắt và có nhiều ý kiến trái chiều như hiện nay. Cơn khủng hoảng vắc xin đang thực sự làm đau đầu cơ quan chức năng và các bậc phụ huynh. Bạn là một người mẹ, một ông bố đang có con trong độ tuổi tiêm chủng hay là một người trăn trở, bức xúc trước vấn đề này có ý kiến ra sao? AFamily rất mong muốn nhận được những phản hồi, bài viết bày tỏ quan điểm của bạn đọc về vấn đề này để có cái nhìn đa chiều hơn. Mọi phản hồi, bài viết xin vui lòng gửi về
xahoi@afamily.vn. 



Chia sẻ