Không phải học chữ, Tiến sĩ Stanford Nguyễn Chí Hiếu chỉ ra những loại năng lực giúp con tự tin vào lớp 1

Hạ Uyên,
Chia sẻ

Liệu môn học nào, năng lực nào, phẩm chất nào mới là nhân tố quan trọng cần phát triển cho con ở giai đoạn này? Học ra sao, phát triển thế nào mới là hướng đi bền vững, lâu dài cho con?

Có câu hỏi được một phụ huynh đưa ra: "Con tôi đã được 5 tuổi rồi nhưng cháu lại không chơi được với bạn bè. Khi con đi học, cô giáo cũng nói rằng con thường xuyên giành đồ chơi với bạn, giao tiếp không tốt, không hòa đồng, có những khi còn đánh bạn. Tôi rất lo lắng không biết làm thế nào, nếu cứ như vậy sợ rằng vào tiểu học cháu sẽ bị cô lập trong lớp....".

Lần đầu nuôi dạy con ở độ tuổi tiểu học, bố mẹ nào hẳn cũng sẽ có thật nhiều lo lắng. Trên nhiều diễn đàn dành cho phụ huynh, thật dễ dàng để bắt gặp những câu hỏi: Có nên cho con học tiền lớp 1? Nên chuẩn bị dụng cụ nào cho con? Tuy nhiên, ngoài kiến thức, việc phát triển năng lực cho con, giúp con có những kỹ năng học tập suốt đời và nuôi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp cũng là điều quan trọng cần hướng tới.

Không phải việc học chữ, Tiến sĩ Phạm Chí Hiếu chỉ ra đây mới là những loại năng lực cần bồi đắp cho trẻ, không chỉ giúp con tự tin vào lớp 1 mà còn theo con suốt cuộc đời - Ảnh 1.

Lần đầu nuôi dạy con ở độ tuổi tiểu học, bố mẹ nào hẳn cũng sẽ có thật nhiều lo lắng. (Ảnh minh họa)

Trong Tọa đàm trực tuyến "Vun đắp phẩm chất và năng lực nền tảng cho trẻ tiểu học" dành cho phụ huynh có con ở độ tuổi tiền tiểu học, tiểu học mới đây, Ts Nguyễn Chí Hiếu, Giám đốc học thuật Olympia đã có những chia sẻ thiết thực về những loại phẩm chất, năng lực cần tập trung để trẻ phát triển tự nhiên, cân bằng và bền vững. Từ đó giúp tuổi thơ các em đi qua thật đẹp đẽ và sâu sắc, làm nền tảng cho cả con đường chúng đi sau này.

Năng lực thực sự không chỉ là thành tích, điểm số

Ts Hiếu cho rằng, phần lớn phụ huynh mà anh có dịp tiếp xúc vẫn nghĩ năng lực chỉ đơn giản thể hiện qua việc con có đứng nhất lớp, có đạt điểm cao hay có đỗ trường chuyên lớp chọn hay không? Đó cũng là một thước đo tương đối cho năng lực, tuy nhiên chúng ta phải hỏi là: Những bài thi đó đang kiểm tra năng lực gì cho con? Về góc độ nghiên cứu giáo dục, các nhà nghiên cứu giáo dục ở Mỹ định nghĩa năng lực ở một số mảng sau:

Thứ nhất là Năng lực tổng quát, tức là đứa bé có những nền tảng cơ bản như đọc được hay không? Có tính toán được hay không? Đứa trẻ có tư duy giải quyết vấn đề hay không? Có thể thể hiện suy nghĩ và quan điểm của mình được qua văn viết và văn nói hay không? Nó có thể quan sát, đúc kết thông tin và biến thông tin đó thành cái của mình hay không chứ không phải là tiếp thu thông tin đó một cách thụ động. Năng lực tổng quát là nền tảng để có thể giúp học sinh tiếp cận bất cứ một môn học nào, ở một khối lớp nào và môi trường học tập nào.

Không phải việc học chữ, Tiến sĩ Phạm Chí Hiếu chỉ ra đây mới là những loại năng lực cần bồi đắp cho trẻ, không chỉ giúp con tự tin vào lớp 1 mà còn theo con suốt cuộc đời - Ảnh 2.

Năng lực tổng quát là nền tảng để có thể giúp học sinh tiếp cận bất cứ một môn học nào, ở một khối lớp nào và môi trường học tập nào. (Ảnh minh họa)

Thứ hai là Năng lực chuyên biệt: Tức là học sinh phải áp dụng những năng lực đó vào trong từng môn học và việc học của các bạn như thế nào. Các bạn sẽ biết cách mang ý kiến của mình vào trong giờ Toán ra sao, giờ Văn ra sao. Nói cách khác, các em phải tổng hợp và tích hợp những năng lực ở trên vào trong từng việc nhỏ mà mình đang làm. Không chỉ là việc học ở trường mà còn ở những việc khác như khi là bạn làm một cái lego ở nhà hay khi bạn học piano, bạn vẽ một bức tranh...

Thứ ba: Cấu phần thứ 3 ở trong năng lực mà các nhà giáo dục cho rằng cần xây dựng cho trẻ tiểu học chính là tạo động lực học tập tự nhiên. Độ cam kết với việc học này không phải bởi tác động từ cha mẹ, thầy cô mà là nó có sự tò mò, yêu thích học hay không?

"Bản chất một đứa trẻ rất thích học nhưng để một đứa trẻ dù bất cứ độ tuổi nào phải khóc vì phải học thì theo tôi đó là phản giáo dục bởi nó không phải là động lực học tập tự nhiên của trẻ. Chúng ta thấy những đứa trẻ từ 1, 2, 3 tuổi đã có sự tò mò, tìm hiểu một cách rất tự nhiên rồi nhưng tại sao khi đến trường động lực học tập tự nhiên đó bị thui chột?", TS Hiếu đặt câu hỏi. 

Thứ tư: Phần lớn việc học trên trường, ở nhà, trung tâm học thêm, gia sư... là học khuôn mẫu, rập khuôn, vì vậy nó lấy đi năng lực tự nhiên của đứa trẻ, chính là năng lực sáng tạo. Đó là năng lực trời ban, là năng lực duy nhất loài người có được. 

Một nghiên cứu của Nasa đo về năng lực sáng tạo thì 97% đứa trẻ 5 và 6 tuổi đều xếp vào thiên tài sáng tạo trước khi đến trường. Khi vào cấp 2, con số này chỉ còn 15%. Và khi 18, 20 tuổi thì con số chỉ còn 10% thôi.

Chúng ta đã làm gì mà lấy đi khả năng trời ban rất tự nhiên, là năng lực sáng tạo của trẻ? Đây là câu hỏi mà các nhà giáo dục và các môi trường giáo dục tiên tiến đang hướng đến để giữ vững năng lực này, đặc biệt trong giai đoạn tiền tiểu học và tiểu học của học sinh.

Không phải việc học chữ, Tiến sĩ Phạm Chí Hiếu chỉ ra đây mới là những loại năng lực cần bồi đắp cho trẻ, không chỉ giúp con tự tin vào lớp 1 mà còn theo con suốt cuộc đời - Ảnh 3.

Bản chất của việc học là khám phá và tò mò. Tuy nhiên phần lớn việc học ở trường và ở nhà chỉ dạy cho trẻ đi tìm câu trả lời đúng chứ không phải dạy trẻ khám phá. Tất nhiên những kiểu câu hỏi đúng sai đó nó có giá trị của nó, tuy nhiên nếu nó chiếm phần lớn hoặc 100% việc học của trẻ thì chắc chắn nó sẽ lấy đi sự sáng tạo. Bởi vì trong đầu của trẻ lúc nào cũng là: Câu nào mới là câu trả lời đúng?

"Cứ 100 đứa trẻ tôi dạy thì 97, 98 đứa là mất động lực học tập, chán nản, uể oải không muốn học. Điều quan trọng nhất trong cách tiếp cận một đứa trẻ là nếu chúng ta không cân bằng giữa những thứ đúng – sai và những thứ thuận theo tự nhiên, trân trọng suy nghĩ của nó, sự sáng tạo của nó thì từ từ sẽ giết chết sự sáng tạo".

Ts Hiếu cho rằng, tư duy sáng tạo trong môi trường giáo dục phần lớn đang thui chột tính sáng tạo của đứa trẻ thì trong giáo dục tại nhà phải tạo cho con chơi tự do và sáng tạo. Đây thực sự chính là cách học tập đỉnh cao nhất. Đó là thứ chúng ta không cần dạy một đứa trẻ, chỉ cần cho nó không gian, thời gian và tạo thói quen sáng tạo cho trẻ.

Có hàng trăm phẩm chất, nên tập trung xây dựng phẩm chất, tính cách nào cho trẻ?

TS Hiếu chia sẻ, các nhà nghiên cứu giáo dục trên thế giới khi quan sát những nhóm trường gần nhau hoặc hai nhóm chương trình trong một trường nhận ra có hai xu hướng: 1 là nhóm học sinh được tiếp cận học thuật sớm, chương trình học thuật rất nặng, 1 là học nhẹ nhàng nhưng tập trung nhiều về phát triển các mối quan hệ xã hội.

Kết quả cho thấy, ở lứa tuổi khoảng 8, 9, 10 tuổi, nhóm tập trung học thuật sớm sẽ vượt trội hơn về ngôn ngữ, điểm số. Nhưng đến khoảng lớp 8, lớp 9 cho đến khi bước chân vào đại học thì khoảng cách giữa hai nhóm này càng ngày càng thu hẹp. Nhóm hai bắt kịp thậm chí còn vượt trội hơn so với nhóm 1.

Không phải việc học chữ, Tiến sĩ Phạm Chí Hiếu chỉ ra đây mới là những loại năng lực cần bồi đắp cho trẻ, không chỉ giúp con tự tin vào lớp 1 mà còn theo con suốt cuộc đời - Ảnh 4.

Những đứa trẻ học nhẹ nhàng nhưng tập trung nhiều về phát triển các mối quan hệ xã hội vẫn bắt kịp và có vượt trội sau này. (Ảnh minh họa)

Các nhà giáo dục mới đúc kết về tầm quan trọng của việc xây dựng phẩm chất và tính cách cho học sinh, đặc biệt là với giai đoạn tiền tiểu học và tiểu học.

"Tất nhiên có rất nhiều phẩm chất tính cách, yêu thương người cũng tốt, kiên định bền bỉ cũng tốt, đôi khi hài hước cũng tốt... Vậy thì cần tập trung những gì trong chừng mực khi chúng ta có chừng ấy thời gian với con ở nhà hay ở trường?".

Theo TS Nguyễn Chí Hiếu có ba chùm tính cách cần tập trung:

Một: Nhóm tính cách hướng nội (bạn ấy với chính bạn ấy):

Thứ nhất bạn ấy có tính tinh thần, phẩm chất, tính cách tự chủ hay không? Tự chủ được hoạt động, sinh hoạt, việc học của mình hay không? Chẳng hạn đến lớp 5 mà bố mẹ vẫn sắp xếp đồ dùng cho con đi học, nhắc con chuẩn bị bài thì đã trễ giai đoạn vàng của việc phát triển tự chủ.

Thứ hai đó là sự bền bỉ và kiên định. Những nghiên cứu 60, 70 năm về trước cho thấy những đứa trẻ kiên nhẫn, bền bỉ, biết chờ đợi tập trung làm việc gì đó thì đến thời điểm nào đó các em sẽ đi rất nhanh, càng về lâu về dài điểm số các bạn cũng sẽ tăng lên, các bạn bước vào những trường học tốt hơn, bền bỉ với mối quan hệ của mình với mọi người hơn.

Những bạn nhỏ được xây dựng tính cách hướng nội tốt, kiên định và bền bỉ thì "quăng đâu sống cũng được", trong môi trường trường công, trường tư hay trường chuyên trường quốc tế; ở thành phố hay ở quê đều sống tốt vì các bạn lo được cuộc sống của mình, có mục tiêu và kiên định với mục tiêu đó.

Hai: Bạn ấy với người khác: Sự thông minh và cảm xúc về xã hội của đứa trẻ. Bạn ấy tương tác với bố mẹ thế nào? Cô dì chú bác, anh chị em, bạn bè hàng xóm, thầy cô ra sao? Những sự thông minh xã hội đó tuy lúc nhỏ chỉ nhìn đơn giản là sự tương tác nhưng khi được xây dựng và ươm dưỡng thì khi lớn lên mối quan hệ giữa các bạn và mọi người rất tốt.

Không phải việc học chữ, Tiến sĩ Stanford Nguyễn Chí Hiếu chỉ ra đây mới là những loại năng lực không chỉ giúp con tự tin vào lớp 1 mà còn theo suốt cuộc đời - Ảnh 5.

Thầy cô nhà trường đóng một vai trò nhưng bố mẹ mới là người thầy cô vĩ đại nhất. (Ảnh minh họa)

"Có rất nhiều bạn học sinh giỏi nhưng khi bước vào công ty làm việc không được với ai và không ai ưa được tính cách của bạn đó. Vậy nên trí thông minh cảm xúc xã hội rất quan trọng", Ts Hiếu chia sẻ.

Thứ hai là Trân trọng và biết ơn. Bạn ấy trân trọng biết ơn những gì người khác làm cho mình, trân trọng biết ơn những gì mình có. Thông thường những đứa trẻ được xây dựng chùm tính cách này về lâu về dài hạnh phúc hơn với cuộc đời và công việc của mình.

Ba: Nhóm tính cách phẩm chất về Tư duy: Trẻ có tò mò muốn tìm hiểu hay không, tư duy tích cực, lạc quan và hy vọng hay không? Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà quá nhiều nguồn cơn để stress. Vậy nên một người có tư duy tích cực, lạc quan và hy vọng rất quan trọng.

TS Phạm Chí Hiếu

Chúng ta muốn con mình tự chủ, kiểm soát bản thân tốt thì chúng ta phải kiểm soát bản thân tốt. Chúng ta muốn con trân trọng những thứ người khác làm cho mình thì chúng ta phải làm điều tương tự. Chúng ta muốn con lạc quan và hy vọng thì chúng ta phải lạc quan và hy vọng.

Bên cạnh đó, bạn ấy có là một người thể hiện sự hăng hái và nhiệt thành hay không? Có làm cái gì đều làm đến nơi đến chốn, thích giúp đỡ, tham gia vào công việc với mọi người?

Thầy cô nhà trường đóng một vai trò nhưng bố mẹ mới là người thầy cô vĩ đại nhất. Và nếu chúng ta không biết làm gì để giúp con xây dựng những tính cách đó thì có một phương pháp sư phạm rất tốt mà chúng ta có thể làm đó chính là LÀM GƯƠNG.  

Nghe thì có vẻ đao to búa lớn nhưng thực ra, nó xuất phát từ cái nền và cái nếp của nhà trước. Trong gia đình có những người lớn làm gương những điều đó hay không. Trẻ chỉ đi học 8 tiếng 1 ngày, 16h còn lại là của bố mẹ. Nhà trường chỉ là nơi củng cố còn nơi thực tập nhiều nhất với học sinh chính là gia đình và ở ngoài cuộc sống xã hội.

"Tôi rất thích câu chuyện trong cuốn sách được đọc. Có một bác hiệu trưởng già người Úc, khi được hỏi muốn gửi gắm điều gì cho phụ huynh và cho học sinh, bác ấy trả lời là: Cả cuộc đời một con người đi theo đuổi những điều gì? Đó là một công việc ý nghĩa; có một người để yêu chân thành và trọn vẹn, yêu vô điều kiện; Thứ ba là một triết lý để theo đuổi cuộc đời mình. Và chúc mừng các bạn, nếu các bạn đã làm bố mẹ thì các bạn đã vô tình có cả ba thứ đó rồi. 

Không phải việc học chữ, Tiến sĩ Stanford Nguyễn Chí Hiếu chỉ ra đây mới là những loại năng lực không chỉ giúp con tự tin vào lớp 1 mà còn theo suốt cuộc đời - Ảnh 7.

Con chúng ta nuôi dạy chính là công việc ý nghĩa nhất. Con chúng ta chính là người chúng ta yêu vô điều kiện. Triết lý dạy con của chúng ta chính là triết lý chúng ta có được rồi ... Vậy thì chúng ta hãy hạnh phúc với điều đó, nếu làm bố mẹ không hạnh phúc có nghĩa là chúng ta đi ngược tự nhiên. 

Cách làm giáo dục tốt nhất với con chính là xem thử ở mỗi thời điểm chúng ta có đang hạnh phúc với điều đó hay không. Chắc chắn rằng nghề khó nhất trên thế gian này là nghề làm cha mẹ, và nghề hạnh phúc nhất trên thế gian này vẫn là nghề làm cha mẹ", Ts Hiếu nhận định.

Không phải việc học chữ, Tiến sĩ Phạm Chí Hiếu chỉ ra đây mới là những loại năng lực cần bồi đắp cho trẻ, không chỉ giúp con tự tin vào lớp 1 mà còn theo con suốt cuộc đời - Ảnh 7.

 

Chia sẻ