Không muốn mình... giống mẹ

Trang Anh,
Chia sẻ

Tình yêu, sự hy sinh khi không được đáp lại có khi trở nên thật ghê gớm, bùng nổ như quả bóng tức hơi, và sức sát thương của nó có thể ảnh hưởng đến cả những người xung quanh nữa...

Không muốn mình... giống mẹ 1
Không cho đi quá nhiều, biết chăm sóc bản thân, đặt mình vào địa vị chồng con
để điều chỉnh gia vị yêu thương là bí quyết để tôi hạnh phúc. (Ảnh minh họa).

“Mẹ mày có vấn đề về thần kinh đấy!” - mấy đứa bạn đã chơi với tôi đủ quen thân để hiểu được những khúc mắc trong quan hệ giữa tôi và mẹ sẽ có khi thiếu kiềm chế mà thốt vào mặt tôi như vậy. Thường thì tôi không giận chúng (dù người ngoài mà nói thế chưa chắc xong được với tôi), bởi tôi biết điều chúng nói không có gì sai. Mẹ thường xuyên phải đến bác sĩ tâm lý, chưa tới mức bị giữ lại điều trị trong khoa, nhưng mẹ được kê đủ loại thuốc an thần và lần nào bác sĩ cũng khuyên bà “đừng hay lo nghĩ”.

Mẹ sinh ra trong gia đình đông con, lại là chị cả nên việc gì cũng đến tay. Tí tuổi đầu mẹ đã biết thay bà ngoại tôi chăm sóc các em. Những chuyện tắm giặt, cho các em ăn, mẹ làm thoăn thoắt. Ông bà ngoại bận việc tối ngày, không đi làm thì chẳng kiếm được gì bỏ vào cái đoàn tàu há mồm nheo nhóc. Sau này ông ngoại mất, bà ngoại đau yếu luôn, mẹ gần như cáng đáng toàn bộ gia đình, từ làm việc kiếm tiền đến chăm sóc cho các cậu, dì tôi, và bà ngoại.

Cái số vất vả, hay lo nghĩ cho người khác đã vận vào người mẹ, vận vào cả đời mẹ. Sau này mẹ lấy bố, dù cuộc sống dễ thở hơn nhưng mẹ chẳng hề khác đi. Các cậu, dì tôi đều đã có gia đình riêng, phận ai nấy lo, không ai cần mẹ nữa. Bao nhiêu lo lắng, mẹ dồn cả sang hai bố con tôi, và bà ngoại. Hồi bé tôi rất ngoan, như con cún con đón nhận tất cả những thương yêu, chăm sóc của mẹ, dù tôi dám cá rằng, cái kiểu yêu thương ấy chẳng giống cách yêu của bất cứ bà mẹ nào. Ví dụ, mẹ nhất định sẽ phải tự tay may toàn bộ áo váy cho tôi, với những loại vải chấm bi xanh đỏ mà đám bạn mẫu giáo mỗi lần nhìn thấy tôi mặc đều cười ngất. Tóc của tôi cũng do mẹ cắt, cho nên nhiều năm nhiều tháng vẫn chỉ một kiểu như vậy, có hôm nào cái kéo bị cùn thì tóc lại lờm xờm, lởm chởm, càng sửa càng dở hơi, tôi cứ ngồi vuốt mãi trước gương cũng không thể ngay hàng thẳng lối. Nhưng tôi không giận mẹ, vì khi ấy tôi còn nhỏ, tôi ngoan như cún mà, dù lúc tới lớp bị chúng bạn cười cũng làm tôi hơi bực.

Bố thì không được như tôi. Bố càng ngày càng khó chịu khi suốt ngày bị mẹ tra hỏi vặn vẹo lúc tối trước khi lên giường những câu kiểu như “thay tất chưa”, “đánh răng chưa”, “hút thuốc ít thôi không khéo lại ung thư phổi”. Bố hay đi nhậu sau giờ làm, đấy cũng trở thành cái cớ để mẹ cằn nhằn. Mẹ không cằn nhằn bố về muộn, mẹ cằn nhằn bố không biết lo cho sức khỏe. Mẹ bảo bố còm nhom, queo quắt cả người lại chính vì hút thuốc và đi nhậu suốt ngày, dù tôi thấy rằng bố “đốt thuốc” chẳng nhiều bằng bố của các bạn tôi, và nhậu thì bố tham gia cho có vậy thôi chứ uống được là mấy! Tôi dám nói như đinh đóng cột thế vì từng được bố cho đi “điếu đóm” trên bàn nhậu sau giờ tan học rồi. Hôm ấy mẹ bận sang ngoại chăm bà, bố tranh thủ tạt vào đón tôi lúc tan ca. Cảm giác lúc đó thật là sướng. Bố vứt cho tôi chai nước ngọt có ga, tha hồ uống, bố bận bàn chuyện thời sự với các chú, chẳng thèm ngó tôi. Nếu có mẹ ở đây, chắc chắn tôi bị cấm, “uống nước ngọt chỉ tổ sâu răng, lại tốn tiền!” - mẹ sẽ nói như vậy.

Mẹ có thêm cái “thói” luôn làm bố khó chịu là thích chỉ đạo sáng ra bố phải mặc quần nào, áo nào, đi đôi tất nào. Đơn giản vì mẹ đã mất công là ủi cho bố từ hôm trước. Bố cũng dễ tính thôi, đa phần mẹ chuẩn bị gì bố mặc nấy, nhưng phải hôm trời mưa mà bố lại cần mang một đôi tất sáng màu thì... Mẹ tất nhiên sẽ cằn nhằn đến nửa tiếng rằng chẳng có ai bận đồ “hâm” như thế, mưa gió thế này bùn đất bắn lên có mà... Rồi mẹ càm ràm nói bố sướng không biết hưởng, có ai được phục vụ từ A đến Z như bố không. Mẹ chẳng hề để ý rằng, trước nay bố đâu có cần mẹ phải cố gắng nhiều đến thế.

Khi tôi đến tuổi dậy thì, những yêu thương của mẹ bắt đầu trở nên hết sức ngột ngạt. Vì lo cho tôi “thân gái” nên mẹ can dự vào tất cả mối quan hệ bạn bè của tôi. Nếu gặp tôi nói chuyện với bạn trai ở trường, mẹ thế nào cũng tìm cách đọc trộm nhật ký tôi viết, tìm hiểu cho được xem cậu ta là ai, và nếu phát hiện ra tôi viết vài câu dù chỉ vu vơ về cậu ta, mẹ có thể sẽ đến tìm gặp cô chủ nhiệm, bày tỏ “mối lo ngại sâu sắc” rằng tôi có thể đã yêu rồi, “thế thì làm sao mà thi nổi đại học”. Mười tám tuổi tôi vẫn phải ăn sáng bằng đồ mẹ chuẩn bị ở nhà, mặc quần áo do mẹ chọn mua (một bước tiến lớn từ việc tự may đấy chứ!), và tóc thì tuy không do mẹ cắt nữa nhưng tôi nhất định không được phép uốn, nhuộm hay tạo kiểu. Tôi càng giản dị, mẹ càng yên tâm. Mẹ biết cả trong tháng tôi sẽ “bị” ngày nào và thường xuyên điệp khúc hướng dẫn tôi... giặt quần lót làm sao cho sạch. 18 tuổi dưới những quản thúc đầy yêu thương như thế, bạn có chịu nổi không?

Tôi thì ở chừng mực nào đó, vẫn chịu nổi, vì tôi quen rồi. Không ít lần tôi phản ứng mạnh, kiên quyết yêu cầu mẹ cho tôi mảnh trời riêng, bao gồm cả khóc lóc và tuyệt thực như cái đợt mẹ “chia rẽ” tôi với cậu bạn cùng trường mà tôi hơi thích, nhưng đều vô ích. Tôi nhận ra rằng chẳng nên làm quá lên để làm gì, chỉ tổ khiến mẹ lo lắng và can thiệp thô bạo hơn. Nhưng cái sự việc đỉnh điểm khiến tôi tin mẹ “có vấn đề về tâm lý” đã xảy ra khiến tôi vô cùng thất vọng, đến mức ước ao mình chưa bao giờ có mẹ là mẹ, đó là đợt chúng tôi thi hết cấp. Tôi xin phép được đi chơi xa với bạn để xả stress sau thi. Mẹ không những không đồng ý, còn gọi điện mắng vốn bạn tôi là rắp tâm hại tôi, lôi kéo đi chơi để tôi trượt đại học. Những mâu thuẫn giữa mẹ với các cậu dì cũng ngày càng gay gắt. Tất cả vì mẹ hay can dự. Các cậu, dì nói mẹ thích lấy quyền làm chị để áp đặt các em. Tôi thì tôi biết, mẹ chỉ nghĩ đó là cách bày tỏ yêu thương, là mưu cầu và thực hiện cho người thân những điều mẹ cho là tốt nhất. 

Mẹ mang đầy đủ những đặc điểm  tốt đẹp của phụ nữ truyền thống, luôn gắng gượng, gồng mình gánh vác, nhưng nhìn lại đời mẹ, tôi chưa bao giờ thấy một ngày thảnh thơi, cũng chẳng thấy những người quanh mẹ được vui vẻ, hạnh phúc. Tôi ngộ ra rằng, mọi khó chịu, càm ràm từ mẹ, chẳng qua bắt nguồn từ những cố gắng quá sức hòng chăm sóc, lo lắng cho người khác đấy thôi. Tình yêu, sự hy sinh khi không được đáp lại hoặc đáp lại không như mong muốn có khi trở nên thật ghê gớm, bùng nổ như quả bóng tức hơi, và sức sát thương của nó có thể ảnh hưởng đến cả những người xung quanh nữa.

Tôi trưởng thành hơn rồi có gia đình riêng, bài học rút ra khiến tôi tâm niệm một điều, nhất định không thể... giống mẹ. Tôi cần sự thay đổi. Những gì tôi cho là “điểm đen” trong hôn nhân của mẹ nhất định không được có cơ hội xuất hiện trong cuộc hôn nhân của tôi. Tôi phản đối những quan điểm, giáo lý phong kiến lỗi thời áp đặt lên phụ nữ, mà mẹ tôi là một sản phẩm gần như hoàn hảo đã tiếp thu nó trọn vẹn, cứ mải mướt làm tròn vai mà không hiểu rằng, chẳng có ai ghi nhận!

Trong gia đình bé nhỏ hiện thời của tôi, không có chuyện sáng ra tôi phải lọ mọ từ 5-6 giờ chuẩn bị bữa cho cả nhà, cũng không có chuyện tối nào tôi cũng là ủi, xếp sắp quần áo công sở cho chồng. Anh là người lớn cơ mà, anh biết tự chọn đồ và mặc vào cho mình chứ. Tất nhiên vẫn có ngày tôi chuẩn bị sơ mi, cà vạt cho chồng như một cách bày tỏ yêu thương, nhưng khi ấy, ông xã không bao giờ có thái độ “đương nhiên”, tôi cần một lời cảm ơn, một cử chỉ âu yếm từ anh để hiểu rằng chúng tôi đang hòa điệu với hạnh phúc của cho và nhận.

Hai đứa con tôi cũng được tập cho thói quen tự sắp đồ sẽ mặc đi học (thật may mắn, tôi không giỏi may vá nên bọn nhóc không phải làm người mẫu bất đắc dĩ như mẹ chúng ngày xưa). Và nếu chúng bày tỏ chuyện thích bạn nọ, bạn kia ở trường, thường thì tôi sẽ tìm hiểu và nhấn mạnh vào những phẩm chất tốt đẹp mà người bạn ấy có, bày tỏ rằng tôi cũng muốn biết vì sao người bạn ấy lại được con chú ý rồi gợi ý con mời bạn đến chơi nhà. Mối nguy sẽ không còn là mối nguy nếu ta đã hiểu kỹ nó! 

Cũng phải nói thêm rằng, tôi không dồn hết tình cảm cho con. Trong cuộc hôn nhân của mẹ tôi, bố đóng vai trò quá mờ nhạt. Đấy là lý do đến giờ các cụ hầu như chẳng còn chuyện gì để nói với nhau, không còn gì chung ngoài sự mong ngóng cuối tuần, khi các con cháu về. Con cái chỉ là một phần trong cuộc hôn nhân của tôi. Đến khi chúng lớn khôn và đủ lông đủ cánh, có gia đình riêng, cuộc hôn nhân của tôi vẫn phải tiếp tục, với người mà tôi gọi là chồng. Cho nên anh mới chính là người tôi cần yêu thương nhất. Và tất nhiên, cách yêu chồng của tôi không giống mẹ.

Không cho đi quá nhiều, biết chăm sóc bản thân, tiết chế cằn nhằn, luôn đặt mình vào địa vị chồng con để điều chỉnh gia vị yêu thương là những thay đổi tôi đã thực hiện khi nhìn vào tấm gương người phụ nữ thân thương nhất với tôi là mẹ. Và tôi có thể nói với bạn rằng, tôi hạnh phúc mà không cần gắng sức.


Chia sẻ