“Không một ai có thể bạo hành một em bé đáng yêu và độc lập"

Lê Mai Hương/ Giáo viên Montessori / Trí Thức Trẻ,
Chia sẻ

Và chính bố mẹ là những người cần trang bị cho con mình những kỹ năng để trở thành một em bé độc lập ngay từ khi còn nhỏ.

Mới đây, liên tiếp những vụ bạo hành xảy ra tại các cơ sở mầm non khiến các bố mẹ lo lắng. Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân của những vụ bạo hành này là do một số biểu hiện trong tính cách và sinh hoạt thường ngày ở trẻ. Đó là những đứa trẻ biếng ăn, khó ngủ, hay quấy khóc, kém độc lập… - những đứa trẻ dễ gây ức chế tinh thần cho người khác.

Việc trang bị cho con những kỹ năng cần thiết, đúng độ tuổi là rất quan trọng. Trong khi chúng ta vẫn ngày ngày cố gắng đút cơm cho con, làm thay con mọi việc vì nghĩ con làm chậm mình làm cho nhanh, con chưa thể làm được..., thì con sẽ không thể chủ động và bắt nhịp được với môi trường bên ngoài. 

Là một giáo viên – Chị Lê Thị Mai Hương đang làm việc tại môi trường giáo dục quốc tế trợ giúp cho nhu cầu phát triển tự nhiên của trẻ, đã chia sẻ những suy nghĩ của mình.

Theo quan điểm của chị: "Không một ai có thể bạo hành một em bé đáng yêu và độc lập cả” và để con trở thành một em bé độc lập giúp con tránh được những rủi ro không đáng có thì chính bố mẹ phải đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ nuôi con một cách khoa học từ khi mang bầu để em bé luôn tự tin và hạnh phúc”. Việc này hoàn toàn nằm trong tầm tay của các bố mẹ.

Chị cũng cho rằng việc trang bị cho con những kỹ năng cần thiết như khả năng tự xúc ăn, tự đi vệ sinh, tự ngủ, khả năng giao tiếp và hòa nhập cũng chính là chìa khóa để giúp con tránh bị bạo hành.

“Không một ai có thể bạo hành một em bé đáng yêu và độc lập
Không ai có thể dễ dàng bạo hành một đứa trẻ độc lập. Ảnh minh họa.

Dưới đây là những chia sẻ chi tiết của chị Hương về việc “Làm thế nào để con không bị bạo hành ở trường”.

Càng ngày càng có nhiều bài báo về việc học sinh mầm non bị bạo hành và thế là các bố mẹ đều mong muốn trường học có camera để quan sát con cho an toàn, cô làm gì còn can thiệp được... Xin thưa, giáo viên mầm non nói với tôi rằng “Đã muốn đánh thì thiếu gì lúc, thiếu gì chỗ để đánh hả chị.”

Khi tôi tham gia chương trình của Nienhuis cho giáo viên Montessori toàn châu Âu, tôi kể cho các bạn về việc trong lớp học của tôi có camera các góc họ bảo “Làm sao mà bạn làm việc trong môi trường như thế được. Như thế là vi phạm nhân quyền coi giáo viên chẳng khác gì một con khỉ trong vườn thú.”

Khi nói chuyện với một bạn mê chơi điện tử bạn có kể về một số trò chơi bị cấm vì lấy mất đi quá nhiều thời gian của lực lượng lao động. Tôi nghĩ ngay đến việc các mẹ đi làm nhưng mở máy tính là chăm chăm theo dõi camera tìm xem con mình đang làm gì ở trường. Rồi rất nhiều bà mẹ viết hỏi về việc con đi học khóc quá không rời ra được và mẹ rất sốt ruột chỉ muốn cho con nghỉ. 

Muốn một ngày kia em bé đi học vui vẻ, không bị các bạn bắt nạt, hay người lớn bạo hành việc nằm trong tầm tay cha mẹ có thể làm được đó là đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ nuôi con một cách khoa học từ khi mang bầu để em bé luôn tự tin và hạnh phúc.

Thường chúng ta luôn nghĩ đến việc yêu cầu người khác phải tôn trọng và bảo vệ con chúng ta, không được làm cái này hay cái kia bạo hành con cái chúng ta. Nhưng sự thực là chính chúng ta những người làm cha mẹ là người có lỗi đầu tiên nếu con bị bạo hành dù là dưới hình thức nào.

Với một em bé non nớt dưới một tuổi, bạo hành có thể chỉ là phát một cái vào mông, kêu ca khi thay bỉm thúi, mắng nhiếc khi bé khóc, quát lên khi bé ném đồ, cau có từ chối khi bé tìm đến mẹ nhưng mẹ đang mệt quá cần nghỉ ngơi... tất cả những điều mà tưởng chừng như không quan trọng trong mắt người lớn lại ảnh hưởng to lớn lên con trẻ. Bố mẹ đang làm mẫu những hành vi em bé cho phép người lớn khác làm với mình. Bố mẹ yêu mình thế mà làm thế với mình thì những hành vi đó sẽ là chấp nhận được. Em bé nghĩ.

Một em bé được nuôi dưỡng khoa học, trong một gia đình hạnh phúc, nạp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, nhận đủ yêu thương cho tâm hồn sẽ phát triển theo khoảng phát triển chung của trẻ em trên toàn thế giới.

Một em bé biết ngồi từ 6 tháng là đã ngồi ăn, ngồi học, ngồi nghe đọc sách, ngồi quan sát mọi người chăm chú để học. 

Một em bé 6 tháng tuổi luôn mở to mắt quan sát và quan sát, học và học từ tất cả mọi người xung quanh.

Một em bé có 6 tháng từ 6-12 tháng để học ăn sẽ không phụ thuộc vào ai cả khi một tuổi là ăn hoàn toàn như người lớn.

Một em bé được hướng dẫn ngồi bô đi vệ sinh từ 6-12 tháng đã có 6 tháng để tập đi vệ sinh ở nhà trước khi đi học không cần phải đóng bỉm.

Một em bé được tôn trọng từ khi sinh ra, biết lắng nghe bản thân mình sẽ biết đi ngủ khi buồn ngủ không cần ai phải ôm ấp vỗ về.

Một em bé được yêu thương, chăm sóc vỗ về nói chuyện với hàng ngày đã phát triển ngôn ngữ và biết thể hiện suy nghĩ của mình không phụ thuộc vào người lớn.

Một em bé được làm mẫu mọi hành vi đúng, được hướng dẫn bảo vệ cơ thể sẽ biết tự bảo vệ mình trước người lạ.

Một em bé được đi chơi với bố mẹ ở sân chơi hàng ngày từ khi mới sinh sẽ quen với việc có rất nhiều người khác trong môi trường.

Một em bé biết rõ cái tôi của mình sẽ sẵn sàng cười chơi với các bạn, với mọi người khác trong môi trường thay vì sợ sệt khóc lóc.

Vậy thì để con mình không bị bạo hành chính là ông bà bố mẹ cần phải làm tốt nhiệm vụ của mình trước khi cho con đi học. Khi được bố mẹ trợ giúp một cách khoa học và chuẩn bị một cách kỹ lưỡng như vậy, các em bé dù một tuổi sẽ là một em bé độc lập, có tính trật tự, tính thích nghi cao với môi trường với mọi người đi học sẽ chẳng phải khóc lóc hay vật vã gì. Có muốn cũng không có ai có cơ hội để bạo hành một em bé như vậy. Không một ai có thể bạo hành một em bé đáng yêu và độc lập cả.

Vậy thì chính chúng ta, những người làm cha làm mẹ sẽ cần học lại câu các cụ đã dậy “Tiên trách kỷ hậu trách nhân.” Khi một em bé bị bạo hành, người có lỗi đầu tiên chính là bố mẹ. Con là con của bố mẹ. Nếu các bố mẹ chắc chắn là làm tốt phần việc của mình thì chẳng có lý do gì mà lo lắng con mình bị bạo hành cả dù có camera hay không có camera.

Bạn đừng hy vọng thay đổi người khác, bạn chỉ có thể thay đổi cái nằm trong tầm tay bạn đó là chính mình và con của mình. Thế nên, muốn giúp con mình, thì chính mình phải thay đổi và làm hết sức để giúp con mình đã.


Vài nét về tác giả:

Chị Lê Mai Hương là nhà giáo Montessori. Chị có bằng cử nhân tiếng Anh, bằng kế toán ngân hàng và bằng Montessori 3-6 do AMI cấp cùng và rất nhiều chứng chỉ liên quan đến giáo dục và phát triển cá nhân cả ở Việt Nam và trên thế giới. Với vốn sống phong phú và đa dạng, chị luôn làm cho mọi điều xung quanh trẻ trở nên thú vị và lôi cuốn. Phương châm của chị Hương là: "Trẻ luôn luôn đúng".

Độc giả có thể xem những bài viết của chị Lê Mai Hương TẠI ĐÂY.


Chia sẻ