Không chỉ có lụa tơ sen mà người ta còn dệt cả lụa từ tơ nhện và cái giá của nó thì vô cùng choáng

KEN,
Chia sẻ

Cùng chiêm ngưỡng tấm lụa vàng óng ánh này được dệt từ tơ của cả triệu con nhện. Chúng thực sự là 1 kiệt tác.

Dệt lụa từ tơ sen - điều tưởng chừng như không thể ấy đã được một người phụ nữ Hà Nội hiện thực hóa nó. 

Thế nhưng, điều này lại vô tình khiến nhiều người nhớ về tấm vải lụa lớn và hiếm nhất thế giới được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ ở New York năm 2009. Vì sao ư? 

Bởi đó là tấm lụa mà được dệt hoàn toàn thủ công từ tơ của loài nhện. 

Bạn có tin tác phẩm này được làm ra từ tơ nhện?

Tấm kiệt tác này là 1 dự án của nhà sử gia nghệ thuật người Anh chuyên nghiên cứu vải - Simon Peers cùng thương nhân người Mỹ - Nicholas Godley. 

Để cho ra tác phẩm kinh điển có 1-0-2 trên thế giới, họ đã phải dành ra 5 năm cùng chi phí lên tới 395.820 USD (khoảng 9,1 tỷ VND).

Bắt nhện - rút tơ...

Chắc chắn là để có thể tạo ra tấm lụa kiệt tác trên thì nguyên liệu quan trọng nhất chính là tơ nhện.

Và loài nhện được Peers và Godley sử dụng để sản xuất tấm vải là loài nhện chân đỏ (Nepgila inaurata) - sinh vật bản địa ở khu vực phía Đông, Nam Phi và một số hòn đảo phía Tây Ấn Độ Dương, bao gồm cả đảo Madagascar.

Không chỉ có lụa tơ sen mà người ta còn dệt cả lụa từ tơ nhện và cái giá của nó thì vô cùng choáng - Ảnh 2.

Tuy nhiên, điểm đặc biệt hơn nữa đó là chỉ có nhện Nepgila inaurata cái mới có thể nhả tơ mà thôi, nhện đực thì không có khả năng này. Vì thế, Peers và Godley phải rất tỉ mỉ để đi tìm loài nhện cái này.

Cũng may là loài nhện này khá phổ biến và phân bố nhiều nên việc bắt tới 1 triệu cá thể cái để bắt chúng nhả tơ cũng không phải là điều bất khả thi. 

Những cá thể nhện sẽ được thả về tự nhiên sau khi bị "lột sạch" tơ, nhưng chỉ 1 tuần sau chúng lại có thể sản sinh và cung cấp "sản vật".

Do chúng chỉ nhả tơ vào mùa mưa nên Peers cùng cộng sự sẽ chỉ bắt nhện vào khoảng từ tháng 6 đến tháng 10 mà thôi.

Tuy nhiên, một điểm khó khăn mà Peers phải đối mặt đó là khi ở cùng nhau, chúng có xu hướng ăn thịt đồng loại.

Ông Simon Peers chia sẻ: “Việc đầu tiên là bạn phải tìm kiếm được những con nhện phù hợp, sau đó sắp xếp chúng thật cẩn thận. Bạn không thể đặt chúng ở cùng một chỗ vì chúng có thể ăn thịt lẫn nhau. 

Thế nên để giải quyết điều này, chúng tôi đã phải tạo ra một môi trường giống như trong tự nhiên để chúng sinh sống. Mỗi ngày, chúng tôi sẽ phải đến từng nơi, thu thập và tập trung lại số lượng tơ mà chúng tạo ra”.

... và quá trình lấy tơ dệt lụa 

Ít ai biết rằng, mỗi cá thể nhện sản sinh ra khoảng 365m sợi tơ vàng. 24 sợi tơ thu được ở mỗi ổ nhện sẽ được xoắn lại thủ công bằng tay, tạo thành 1 sợi tơ duy nhất.

Tiếp sau đó, những sợi tơ này lại được xoắn tiếp với 3 sợi làm từ 24 sợi tơ khác - để tạo thành sợi lụa dùng dệt vải.

Cần phải nhấn mạnh rằng, tơ nhện có tính chất đặc biệt bền chắc nhưng lại rất nhẹ và đàn hồi. Thế nên khi thu được thành phẩm là sợi lụa rồi, người nghệ nhân vẫn phải thật sự cẩn thận, nâng niu.

Lúc này, sợi lụa sẽ được dệt thủ công và phải tới 4 năm sau, chiếc khăn choàng màu vàng rực rỡ mới "chào đời". 

Ông Nicholas Godley nói: “Màu sắc của tấm vải được dệt từ tơ nhện thật đáng kinh ngạc, nó có màu vàng tự nhiên. Không những thế, tấm vải còn rất dai và mềm. 

Có thể nói, lụa được làm từ tơ nhện là một trong những vật liệu hoàn hảo nhất mà tôi từng thấy từ trước tới nay”.

Chiếc khăn được trưng bày lần đầu tiên tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ (New York) và sau đó là Bảo tàng Victoria và Albert ở London (Anh). 

Chiếc khăn quý hiếm này 1 lần nữa chứng minh cho mọi người thấy, tơ nhện tưởng là "vô dụng" thực sự có thể dùng để sản xuất ra tác phẩm tuyệt vời.

Nguồn: Yatzer, Vimeo  

Chia sẻ