Khởi nghiệp từ 10 triệu đồng đi vay, nữ nghệ nhân quyết "sống – chết" với nghề truyền thống và quan điểm về sự khác biệt trong kinh doanh

Minh Ngọc ,
Chia sẻ

Chị Vũ Thị Hồng Yến (SN 1965, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, Ninh Bình) – là một trong số ít nữ doanh nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vì đã có nhiều cống hiến trong giữ gìn và phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống.

Khởi nghiệp từ 10 triệu đồng đi vay

Những ngày cuối năm 2022, cơ sở nghề truyền thống thêu ren của chị Yến gần bến đò Tam Cốc – Bích Động, đông đúc với hơn 50 công nhân đang làm việc luôn tay với các đơn hàng là sản phẩm thêu ren.

Nữ doanh nhân Vũ Thị Yến chia sẻ về khởi nghiệp

Đến với cơ sở của chị, khách hàng sẽ nhận thấy sự khác biệt nhưng lại gần gũi với kí ức tuổi thơ, bởi vì sản phẩm tại cơ sở này hoàn toàn được làm thủ công từ những đôi bàn tay khéo léo, không phụ thuộc máy móc.

Vốn sinh ra trong gia đình cả bố mẹ, các anh chị em đều biết thêu ren. Vì kinh tế gia đình khó khăn, từ khi còn học cấp 2, chị Yến đã phải phụ giúp bố mẹ. Nghề thêu ngày xưa không phụ thuộc vào máy móc và cũng không có loại máy nào thay thế được đôi bàn tay, vì thế từ bé chị Yến làm được những chiếc khăn, hay những mẫu thời trang rất đẹp.

Lý do gắn bó với nghề, chị Yến nói: "Có lẽ duyên nợ của một người con sinh ra tại làng nghề thêu truyền thống hàng ngàn năm nay đã níu kéo tôi mỗi lần có ý định chuyển nghề. Tôi còn nhớ khi thi trượt đại học, chán thêu, tôi bắt xe lên Thái Nguyên xin làm công nhân ở Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên. Bẵng đi một thời gian không đụng cây kim, sợi chỉ, tưởng chừng như mình đã quên nghề...".

Nữ doanh nhân Yến

Nữ doanh nhân Vũ Thị Hồng Yến khởi nghiệp với nghề thêu ren truyền thống từ 10 triệu đồng đi vay

Đã có duyên với nghề thì muốn cũng không bỏ được, trong một lần thi nữ công khéo tay, chị Yến trổ tài thêu một chiếc khăn tay và đoạt giải nhất. Vậy là từ đó, chị Yến bỗng trở thành "cô giáo" dạy thêu cho con em công nhân của nhà máy, sau đó chị Yến lại về Hà Nội mưu sinh bằng nghề thêu ren với công việc và đồng lương ổn định.

Điều bất ngờ xảy ra vào năm 1996, ai cũng nghĩ chị Yến bị "khùng" vì quyết định bỏ việc, quay trở về quê hương, gây dựng lại nghề truyền thống thêu ren đang dần mai một ở quê nhà.

"Xét thấy trong lĩnh vực thời trang thì các họa tiết bằng sản phẩm thêu ren vẫn được nhiều người quý nhất và cũng có giá trị nhất. Nhưng sản phẩm quê mình làm ra thì không tìm được đầu ra, khách nước ngoài chưa biết đến. Tôi quyết định về quê, tập hợp những người còn làm nghề lại, sau đó một mình rong ruổi để tìm các nguồn nhận hàng về cho bà con làm", chị Yến nhớ lại.

Những bức tranh thêu bằng chỉ 

Thời kỳ đó, nhà nước đang khuyến khích thành lập doanh nghiệp công với sự hạn chế, bất lợi của tổ sản xuất là phải qua nhiều trung gian khi xuất khẩu nên giá trị thu nhập chẳng đáng là bao, chính vì thế năm 2001 chị Yến quyết định thành lập Doanh nghiệp tư nhân Minh Trang.

Tưởng chừng như mọi chuyện kinh doanh của người phụ nữ "thuận buồm xuôi gió" nhưng ở thời điểm đó chị gặp phải rất nhiều khó khăn về vốn, rồi mặt bằng.

"Số vốn vay mượn của quỹ tín dụng 10 triệu đồng, tôi đã phải chuyển đi chuyển lại trụ sở, nhà xưởng tới 7 nơi, làm thủ tục gần 2 năm trời mới thuê được mảnh đất hơn 3.000m2 hiện nay. Con đường đi đến thành công của tôi có rất nhiều nước mắt", nữ doanh nhân chia sẻ thêm, tổ hợp ban đầu chỉ có khoảng chục người tham gia. Từ tổ hợp này, Yến nhận hàng khắp nơi, nguồn hàng về làm không hết việc.

Chị tiếp tục liên kết thành lập nhiều nhóm trong làng, rồi mở rộng ra toàn xã. Ai làm được nghề thêu cũng có việc để làm, có thu nhập. Từ đây, nghề truyền thống đang dần mai một ở Văn Lâm bắt đầu nhộn nhịp, hồi sinh trở lại.

Tranh thêu thủ công hoàn toàn của doanh nghiệp chị Yến có nét riêng

Tranh thêu thủ công hoàn toàn của doanh nghiệp chị Yến có nét riêng

Đưa sản phẩm đi nước ngoài

Doanh nhân Vũ Thị Hồng Yến cho rằng, trong kinh doanh quan trọng nhất là mình phải có sự khác biệt.

Chị Yến kể, năm 2008-2009, khủng hoảng kinh tế ở các nước Châu âu khiến hàng thêu ren của Văn Lâm ứ đọng, hàng tồn kho rất nhiều. Ở thị trường Châu Á và trong nước thì đây không phải là mặt hàng được ưa chuộng.

"Tôi tích cực tìm kiếm bạn hàng mới, đi hội nghị, hội thảo nào tôi cũng mang theo một cái túi đựng sản phẩm của mình để trưng bày ở một góc của hội trường. Trong một lần tham gia Hội nghị của Bộ Công thương tôi đã gặp chuyên gia người Nhật Bản, họ rất thích thú với các sản phẩm thêu thủ công của tôi nên hỗ trợ doanh nghiệp đi Nhật để xúc tiến thương mại.

Nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia tôi đã ký hợp đồng với một số doanh nghiệp để thực hiện các mẫu hàng thời trang xuất khẩu sang Nhật Bản".

Chị Yến nói thêm về bước ngoặt nữa làm nên tên tuổi của Minh Trang đó là năm 2004, khi chị đang tìm kiếm thị trường xuất khẩu và các mẫu hàng mới thì vô tình được một bạn hàng người Mỹ giới thiệu về làm chăn cho người Hàn Quốc. Chính người bạn hàng này đã giúp chị kết nối với phía đối tác Hàn Quốc.

Sau khi tìm được đối tác, Minh Trang là doanh nghiệp đầu tiên đưa nghề khâu chăn thủ công về Ninh Bình. Hiện nay sản phẩm của Doanh nghiệp 100% là thêu thủ công, thêu tay xuất khẩu đến hàng chục nước trên thế giới, doanh thu hàng năm đạt hàng chục tỷ đồng. Các sản phẩm chính của doanh nghiệp gồm: Túi rút, túi xách, lót cốc, khăn lụa, quần áo thời trang, chăn bông, ga, gối, đệm ngồi, bằng các chất liệu lụa tơ tằm, còn được triển lãm tại nhiều hội chợ thương mại trong nước và quốc tế.

Sản phẩm làm ra ngày càng được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn, bởi được sản xuất bằng chính những đôi tay khéo léo của các nghệ nhân, thợ lành nghề của làng thêu cổ Văn Lâm. 

"Để đáp ứng được thị hiếu của khách hàng trong nước, đặc biệt là khách hàng quốc tế, tôi xác định phải tạo ra được sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đa dạng, kỹ thuật độc đáo, tinh xảo, mang đậm tính thẩm mỹ, nhân văn..."- chị Yến chia sẻ.

Hoàn toàn thủ công

Hoàn toàn thủ công

Sự khác biệt

Chị Yến có quan điểm, trong kinh doanh phải tìm cho mình một hướng đi riêng, phải tạo ra sự khác biệt, đôi khi phải chấp nhận trả giá đắt để đạt được mục tiêu. Trong số doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực thêu ren ở Ninh Bình Minh Trang là một trong những doanh nghiệp đầu tiên thực hiện ký kết các đơn hàng thời trang và chăn. Chính vì vậy, trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm công nghiệp, thị trường ren, rua ở Châu Âu sụt giảm Minh Trang vẫn phát triển vững mạnh.

Hiện xưởng sản xuất của chị Yến đang có 50 người làm việc với mức lương từ 6 - 7 triệu đồng. 

"Những người có tuổi thì công việc này phù hợp, nhưng tuổi trẻ thì không mặn mà lắm vì thu nhập đối với họ thì hơi thấp. Tôi cũng mừng vì còn nhiều người gắn bó với nghề này, tôi đảm bảo mọi quyền lợi cho họ" chị Yến nói.

Sản phẩm được xuất khẩu đi nhiều nước

Song chị Yến nhận định, nghề thêu truyền thống Văn Lâm cũng đang dịch chuyển theo xu thế phát triển của xã hội. Chính vì thế không thể gìn giữ làng nghề truyền thống bằng cách bảo thủ, duy trì những sản phẩm cũ mà phải làm sao trên cơ sở truyền thống phát triển nghề thêu theo hướng hiện đại phù hợp với yêu cầu thị trường. Phát huy lợi thế của vùng du lịch trọng điểm, đặc biệt khi Tam Cốc - Bích Động nằm trong quần thể Danh thắng Tràng An được vinh danh là Di sản thế giới.

Lượng du khách trong những năm gần đây tăng rất mạnh chính vì vậy sự kết hợp giữa du lịch và làng nghề trở thành sản phẩm du lịch làng nghề là hướng đi tất yếu mà các doanh nghiệp lựa chọn.

"Theo tôi đây cũng là con đường tốt nhất để có thể quảng bá nghề thêu Văn Lâm đến các nước trên thế giới", nữ doanh nhân nhấn mạnh.

Chia sẻ