Khỏi Covid-19 vẫn xông, lợi hay hại?

Khánh Chi,
Chia sẻ

Sau khi khỏi Covid-19,chị Hằng vẫn kiên trì xông hơi vì muốn cho cơ thể khoẻ hoàn toàn, thải sạch vi rút. Không ngờ, cách đây ít hôm, chị xông hơi xong khi đi ra ngoài thì bị ngã ngất đi.

Xông nước lá đối với quan niệm dân gian thường được sử dụng khi mắc các bệnh cảm nhiễm phong hàn, người không ra được mồ hôi. Tuy nhiên, trong đại dịch Covid-19 việc xông nước lá được truyền tai nhau sử dụng rất nhiều khi điều trị tại nhà. Việc xông đúng cách và đúng đối tượng sẽ giúp cho người bệnh thấy khỏe, nhưng đa phần người dân chưa hiểu rõ được bản chất của phương pháp này nên vẫn có nhiều trường hợp gặp phải những tác dụng không mong muốn.

Chị Lã Thị Hằng - Chương Mỹ, Hà Nội kể hầu như tuần nào chị cũng xông cho mình và hai con 2 -3 lần để phòng Covid-19. Đầu tháng 3, cả 3 mẹ con dương tính, những ngày sau đó, 'bài thuốc quốc dân' xông sả gừng được chị Hằng sử dụng triệt để.

Khi âm tính, chị Hằng vẫn xông hàng ngày vì muốn cho thải độc và chống đau mình mẩy. Chiều 23/3, chị Hằng nấu nồi xông và trùm chăn ngồi vào xông. Được 5,6 phút, chị thấy tim đập nhanh, chân tay bủn rủn. Dù trước đó chị đã ăn nhẹ. Chị sợ bị bỏng nên chui ra khỏi lều xông.

Khỏi Covid-19 vẫn xông, lợi hay hại? - Ảnh 1.

Chỉ xông hơi khi cơ thể chưa tự đổ mồ hôi.

Khi vừa bước ra khỏi phòng tắm thì chị đã ngất xỉu. May mắn các con chị ở nhà nên đã gọi bác sĩ kịp thời. Sau khi được truyền dịch thì chị Hằng tỉnh lại và cảm giác vẫn sợ hãi. Bác sĩ cho rằng trường hợp của chị do lạm dụng xông quá nhiều gây mất cân bằng cơ thể.

Dù xông hơi còn nhiều ý kiến có nên hay không nên nhưng người dân với tâm lý xông hơi thải độc, không chỉ bị Covid-19 mà nhiều người thích cảm giác sau khi xông cơ thể thoải mái hơn nên có những người nghiện xông.

Nhiều người sau khi khỏi Covid-19 vẫn xông 3 lần mỗi tuần để... tránh hậu Covid-19. Mỗi lần xông xong, họ cảm thấy cơ thể khoan khoái rất dễ chịu.

ThS BS. Nguyễn Văn Đàn - Phó trưởng Khoa Y học cổ truyền - Đại học Y Dược TPHCM cho biết xông hơi là 1 trong 8 biện pháp điều trị của y học cổ truyền là: hãn, thổ, hạ, hòa, ôn, thanh, tiêu, bổ. Xông hơi là hãn sử dụng hơi nước và các tinh dầu của một số loại lá cây để trị bệnh cho thải độc bằng đường đổ mồ hôi.

Xông hơi dùng cho các trường hợp như nguyên nhân gây bệnh vẫn còn ở bên ngoài, chưa vào sâu. Người đó chính khí chưa bị hư tức không tự ra mồ hôi như sốt, đau người, ớn lạnh nhưng không tự ra mồ hôi thì mới sử dụng phép hãn (xông hơi).

Đối với trẻ con, y học hiện đại giải phẫu đường hô hấp có lớp niêm mạc bảo vệ và ở trẻ càng nhỏ càng mỏng nếu xông hơi thì có thể làm tổn thương niêm mạc đường hô hấp của trẻ. Thạc sĩ Đàn cho biết với trẻ nhỏ hay đổ mồ hôi. Khi mình xông hơi sẽ tổn thương phần khí của trẻ. Nếu cha mẹ nghĩ xông hơi tốt lắm nên đè con ra xông hơi, trùm khăn, trùm chăn lên xông hơi thì làm thoát dịch mồ hôi. Trong đông y mồ hôi là tâm, tâm toàn thần nếu thoát mồ hôi có nhiều có thể gây ngất, hôn mê, tử vong.

Khi muốn xông cho trẻ, thạc sĩ Đàn cho biết bạn phải theo dõi con mình có tự ra mồ hôi . Nếu trẻ tự ra mồ hôi thì không xông. Khi xông cho trẻ cẩn trọng bỏng nước sôi. Trẻ dưới 5 tuổi không xông.

Ở người lớn, theo thạc sĩ Đàn nhiều người quan niệm rằng khi bị ốm là cơ thể đang nhiễm độc và tìm mọi cách thải độc trong đó có xông hơi để thải độc tống ra khỏi cơ thể bằng đường mồ hôi. Nhưng phép hãn chỉ dùng trong trường hợp hàn tà.

Sau Covid-19 người bệnh còn mệt mỏi, mỏi cơ, đau nhức cơ thì không nên lạm dụng xông hơi vì có thể gây mất tâm dịch gây nguy hiểm. Đặc biệt là ở những người có bệnh nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, người cao tuổi do khí huyết đã suy giảm nếu thoát thêm tâm dịch sẽ nguy hiểm. BS Đàn nhấn mạnh trong giai đoạn mắc Covid-19 xông cũng phải xem cơ thể mình tự đổ mồ hôi chưa và sau Covid-19 thì không còn cần xông.

Chia sẻ