Khi sức chịu đựng hết giới hạn, đừng trách vì sao phụ nữ nhẫn tâm

Đinh Hương,
Chia sẻ

Một cặp vợ chồng kết hôn cũng đã gần chục năm. Nhìn từ ngoài vào, ai cũng thấy gia đình anh chị là một mái ấm hạnh phúc, vậy mà không ngờ họ cuối cùng lại dẫn nhau ra tòa ly hôn...

Chị, một người phụ nữ hiện đại, thông minh và phóng khoáng. Dù một thời tuổi trẻ nồng nhiệt nhưng đến khi lấy chồng, chị biết điều lui về sau, dành hết sức lực để chăm sóc, quán xuyến việc nhà cửa để chồng yên tâm chí thú làm ăn.

Khi đứa con đầu lòng được sinh ra là lúc chị cảm thấy tủi thân và mệt mỏi kinh khủng. Chồng thường xuyên đi sớm về khuya, anh nói công việc nhiều và phải đi tiếp khách. Là một người vợ biết thông cảm, dù rất buồn nhưng chị nghĩ chồng đã rất vất vả bên ngoài, chị không than thở hay trách móc anh nửa lời.

Khi sức chịu đựng hết giới hạn, đừng trách vì sao phụ nữ nhẫn tâm - Ảnh 1.

Ảnh: Internet

Đứa con thứ hai chào đời, chồng chị càng về muộn hơn, việc đi qua đêm xảy ra như cơm bữa. Chị thủ thỉ tâm sự, hy vọng chồng về nhà nhiều hơn, dành nhiều thời gian cho gia đình thì anh gạt phắt đi bảo rằng mình còn phải lo sự nghiệp.

Chồng thì vô tâm, không hề để mắt đến vợ con. Mẹ chồng chị không chỉ lạnh nhạt với con dâu, lại còn đổ hết mọi thứ lên đầu chị, cho rằng chị làm vợ không ra gì, không biết chăm sóc và chiều chuộng chồng nên mới ra nông nỗi như vậy.

Mọi thứ dồn nén bắt đầu dẫn đến cãi vã, chị thật sự không thể chịu đựng nổi nữa rồi.

“Bao nhiêu năm qua lấy nhau, anh nghĩ xem mình đã làm được gì cho gia đình mình? Anh đối xử với em như thế nào?”

Người chồng đỏ mặt tía tai, đập bàn giận dữ: “Cô nói vậy mà nghe được hả? Tôi hàng ngày dốc sức làm việc không phải để mang tiền về cho cái nhà này hay sao?”

“Tiền, tiền, tiền… Anh nghĩ một gia đình chỉ cần có tiền là đủ rồi hả?”, chị nức nở.

Khi sức chịu đựng hết giới hạn, đừng trách vì sao phụ nữ nhẫn tâm - Ảnh 2.

Ảnh: Internet

“Vậy cô muốn cái gì? Chẳng phải động tay động chân mà vẫn có tiền xài, ai sướng như cô? Hay là ở nhà rảnh quá không có gì làm nên lôi chuyện ra sinh sự?”

“Thì ra trong đầu anh, em là một kẻ vô dụng, ăn bám sao? Con cái tự nhiên mà lớn lên thông minh khỏe mạnh vậy nhỉ? Hay anh nghĩ mọi thứ trong nhà này tự động biết chui vào chỗ của nó cho sạch sẽ? Anh rốt cuộc có nhìn thấy công sức của em bỏ ra, những tâm tư buồn khổ em phải chịu hay không?”

“Ơ hay! Tôi không bỏ công sức gì à? Thế tiền ai cho cô ăn, ai cho cô mặc, ai cho tiền tiêu? Không có tiền tôi vất vả mang về thì cô nuôi tụi nhỏ lớn được chắc?”

Đến mức này chị cũng không còn gì để nói nữa vì có giải thích đến đâu thì người chồng vô tâm kia cũng không thể lọt vào tai, không thể hiểu được. Có lẽ giờ đã đến lúc tự chị cần thức tỉnh. Tình yêu đã cạn, lòng chị đã héo mòn từ rất lâu rồi… Chị quyết định đệ đơn ra tòa xin ly hôn, vô điều kiện, không cần tiền, không giành con, chị chỉ muốn rời xa người đàn ông này càng nhanh càng tốt. Chị đã tốn quá nhiều tình cảm và thời gian vào một người đàn ông không hề biết quan tâm đến mình.

Khi sức chịu đựng hết giới hạn, đừng trách vì sao phụ nữ nhẫn tâm - Ảnh 3.

Ảnh: Internet

Một năm sau ly hôn, chị bỏ đi nơi khác, chị gặp được một người đàn ông biết yêu thương và chia sẻ với chị. Nghe đâu cuối năm chị sẽ kết hôn và sang nước ngoài sinh sống. Về phần anh chồng, ai nhìn cũng lắc đầu cảm thương. Anh tiều tụy thấy rõ, đầu tóc lúc nào cũng rối bời, râu cũng không cạo, quần áo rõ ràng chẳng được ủi.

Đến khi không còn bàn tay chăm sóc của chị nữa, anh mới cay đắng hối hận khi nhận ra là, con cái quả thật không phải cứ có tiền là chúng tự nhiên lớn, nhà vệ sinh không tự nhiên mà sạch. Việc nhà, việc chăm con hóa ra cũng là công việc vô cùng vất vả, bận rộn đến mức không có thời gian cho bản thân nữa. Nhiều lúc anh nghĩ đến chuyện cưới một người phụ nữ khác để cho bọn trẻ có mẹ, giúp anh quán xuyến gia đình, nhưng những đứa con anh nhất mực phản đối. Chúng chỉ cần mẹ ruột mà thôi.

Anh bắt đầu khóc… Ước gì anh biết cách yêu thương vợ hơn, biết thông cảm và tìm hiểu tâm tư buồn vui của vợ, ước gì anh đã không mải mê kiếm tiền, ước gì anh không quá cứng đầu và gia trưởng cho rằng “việc đàn bà” là phải ở nhà chăm con, ước gì anh biết cách trân trọng sự hi sinh của vợ… Nhưng tất cả đã quá muộn rồi!

(Tổng hợp)

Chia sẻ