Lời yêu thương "I Love You" bỗng hóa câu tạm biệt giữa dịch Covid-19 bởi chẳng ai biết trước liệu đó có phải là lần cuối cùng gặp nhau

Negroni,
Chia sẻ

Không được ở cạnh gia đình, một bác sĩ nội khoa phải luôn túc trực tại bệnh viện cùng đồng nghiệp và các bệnh nhân đang bắt đầu đếm dần những mất mát.

"Anh yêu em", tôi nói với vợ tôi, rồi thì thầm: "Tạm biệt."

Lúc đó là 6 giờ sáng và tôi dậy chuẩn bị đi làm. Nếu tôi nói nhiều hơn, cô ấy sẽ khó ngủ trở lại. Cô ấy đã bị đánh thức nhiều lần trong đêm bởi hai cậu bé của chúng tôi, 4 tuổi và 13 tháng tuổi. Cậu bé 4 tuổi đang thở đều và nằm cuộn tròn bên một chiếc gối.

"Em yêu anh", cô ấy nói và hơi cựa quậy.

Tôi cảm thấy một khao khát mãnh liệt được ôm chầm lấy cô ấy, để cảm nhận sự mềm mại của mái tóc, sự ấm áp của cơ thể và trao cho cô ấy một nụ hôn. Nhưng tôi quay đi và vội vã ra khỏi nhà, tự hỏi không biết khi nào sẽ được gặp lại cô ấy.

Khi "I Love You" trở thành câu nói tạm biệt trước sự cô đơn và mất mát thay vì trước những nụ hôn ngọt ngào trong mùa Covid-19 - Ảnh 1.

Gần 3 tuần trôi qua kể từ khi Kirkland, Washington, Mỹ, trở thành tâm chấn của đợt bùng phát dịch Covid-19 quốc gia. Bệnh viện nơi tôi làm việc đã chẩn đoán những trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 đầu tiên và những bệnh nhân này đã bị khuất phục trước sự tàn phá của căn bệnh. Và buổi sáng hôm đó là lần cuối cùng tôi được nhìn thấy vợ con mình.

Vợ tôi và tôi đã đoán rằng, tôi đã tiếp xúc với những bệnh nhân mắc Covid-19 trước khi có ai biết virus đã hạ cánh ở đây. Trong khi tôi và các đồng nghiệp phải thu lượm các thiết bị bảo hộ cá nhân vào ngày đầu tiên phục vụ, thì vợ tôi đã chuẩn bị bình sữa cho con, quần áo cho cả nhà và bị phân tâm lo lắng về việc tôi có nhiễm virus hay không.

Cô ấy và các con sẽ chuyển đến sống cùng với gia đình anh chị em trong khi tôi làm việc ở bệnh viện. Anh em họ có thể ở gần nhau và cô ấy cũng sẽ được giúp đỡ, dù sao điều đó cũng sẽ an toàn hơn so với khu vực ở nhà ông bà.

Cả hai chúng tôi đều biết rằng tôi phải đối mặt với sự tiếp xúc nhiều hơn mỗi ngày tại bệnh viện. Đó là thực tế của việc chăm sóc bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2. Mỗi ca bệnh sẽ làm tăng khả năng virus cản trở một chuyến đi về nhà với những người thân yêu của chúng ta.

Sau khoảng thời gian cách ly ban đầu, tôi vẫn khỏe mạnh và đề nghị vợ con trở về nhà. Trong thời gian này, tôi bắt đầu có một thói quen mới. Tôi thay quần áo tại nơi làm việc và để chúng ở đó, sau đó tôi mặc lấy bộ quần áo đi đường và khi trở về nhà sẽ đi thẳng vào phòng tắm.

Để giữ an toàn cho mọi người trong gia đình, tôi đề nghị rằng khi đi làm về, tôi sẽ tránh gặp lũ trẻ hoàn toàn và tự cách ly mình trong một phòng trống trong khi vợ tôi sẽ mang đến cho tôi thức ăn.

"Vậy thì bây giờ em phải chăm sóc đến 3 cậu bé, thay vì chỉ có 2 thôi", vợ tôi cười và nói. Tuy nhiên, cô ấy cũng có một mối bận tâm khác: Vợ tôi là nha sĩ và cô ấy không muốn bệnh nhân của mình gặp nguy hiểm.

Khi "I Love You" trở thành câu nói tạm biệt trước sự cô đơn và mất mát thay vì trước những nụ hôn ngọt ngào trong mùa Covid-19 - Ảnh 2.

Thế nhưng, nỗi lo lắng đó đã biến mất khi phòng khám của vợ tôi hủy bỏ tất cả các cuộc hẹn và chỉ mở cửa trong trường hợp khẩn cấp. Ngoài ra, virus này được xác định là đặc hữu trong cộng đồng, vì vậy, gia đình tiếp xúc với tôi sẽ ít gặp vấn đề hơn.

Chúng tôi lên kế hoạch trở về nhà, nhưng ngay sau đó, cậu con trai 4 tuổi của tôi bị sốt, ho và mệt mỏi. Đứa trẻ tràn đầy năng lượng của chúng tôi phải dành 2 ngày trên giường với những cơn cảm lạnh.

Vẫn chưa có xét nghiệm đầy đủ để xác nhận xem con trai tôi có nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không. Và đáng sợ hơn là tôi có thể bị nhiễm virus từ gia đình và tôi phải nghỉ làm 2 tuần trong khi tôi đang rất cần công việc này. Điều này tôi đã thấy rất rõ khi tôi phải tiếp quản công việc của một người đồng nghiệp nghi nhiễm bệnh, khiến tôi phải tăng ca làm việc 10 ngày liền.

Bây giờ, sau mỗi ca làm việc từ 12 tiếng trở lên, tôi phải chấp nhận việc trò chuyện với vợ con qua màn hình. Tôi kết thúc mỗi ngày bằng cách vẫy tay vào chiếc máy tính xách tay và nói: "Anh yêu em" cùng với lời chúc ngủ ngon. Chất lượng hình ảnh khá tốt, khuôn mặt ngọt ngào của vợ con tôi rất sắc nét và tràn đầy sức sống, đến nỗi tôi cảm tưởng như họ đang ở ngay đây với tôi.

Công nghệ thời gian thực này đôi khi là một sự chế nhạo, một lời nhắc nhở đau đớn rằng chúng ta không thể chinh phục được mọi thứ. Một lời chế nhạo rằng mặc dù chúng ta có sức mạnh công nghệ nhưng khả năng thử nghiệm của chúng ta vẫn còn thiếu sót. Bởi chúng ta không có công nghệ, năng lực, tài nguyên đầy đủ để kiểm soát, vì thế bạn bè và gia đình phải xa nhau.

Khi "I Love You" trở thành câu nói tạm biệt trước sự cô đơn và mất mát thay vì trước những nụ hôn ngọt ngào trong mùa Covid-19 - Ảnh 3.

Mùa Covid-19, "I Love You" là những gì ta nói trước sự cô đơn hay mất mát, không phải trước một cái ôm hay nụ hôn.

"I Love You", là câu nói mà một người đồng nghiệp nữ của tôi đã nói với đứa con mới sinh của cô ấy sau khi cô bị nhiễm Covid-19 và phải tự cách ly tại nhà.

"I Love You", là câu nói của một bác sĩ phòng cấp cứu nói với gia đình trước khi ống thở được đưa vào người ông và những đồng nghiệp của ông đang làm việc để cứu mạng ông - một cuộc đấu tranh phá tan hào quang bất khả chiến bại mà chúng ta thường thấy trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

"I Love You", là câu nói của người chồng nói với người vợ khi cả hai đều dương tính với virus SARS-CoV-2 và ở hai phòng liền kề. Mắt họ chạm vào nhau khi người chồng được đưa đến phòng chăm sóc đặc biệt vì tình trạng của ông đang ngày càng xấu đi. Đó có thể là lần cuối cùng họ được nhìn thấy nhau khi còn sống. Và "I Love You" có lẽ là những lời nói cuối cùng mà họ dành cho nhau.

Đằng sau bộ quần áo bảo hộ, khẩu trang và kính, là những đôi mắt hoen đỏ của các y tá, bác sĩ, nhà trị liệu hô hấp, những người đã chiến đấu hết sức để giúp ông giành lại sự sống. Họ nhìn theo ông nằm trên xe lăn xuống sảnh và khuất tầm mắt.

Một người phụ nữ lớn tuổi, phổi đầy mủ và bị viêm, phải vật lộn để nói "I Love You" với những đứa cháu của mình qua màn hình điện thoại. Virus quá dễ lây cho một lời tạm biệt trực tiếp. Bà bắt đầu thở khó khăn và đau khổ rõ rệt. Con gái của bà, một y tá và tôi đã yêu cầu tăng thêm một liều thuốc giảm đau để giúp bà thoải mái và an thần. Thế nhưng, bà đã từ chối ngay lập tức vì bà muốn có thêm một chút thời gian với các cháu của mình. Bà muốn hỏi chúng đã làm bài tập về nhà hay chưa. Tôi nghe con gái của bệnh nhân giải thích với các con rằng bà sẽ lên thiên đường và chúng sẽ không thể gặp lại bà được nữa.

Tôi định bước lại gần để ôm bà, như tôi đã làm cho nhiều bệnh nhân sắp bước qua cửa tử khác, nhưng tôi đã phải tự ngăn mình lại. Hành động đơn giản của sự đồng cảm này với tư cách là một người chăm sóc sức khỏe, mang lại quá nhiều rủi ro lây truyền.

Khi "I Love You" trở thành câu nói tạm biệt trước sự cô đơn và mất mát thay vì trước những nụ hôn ngọt ngào trong mùa Covid-19 - Ảnh 4.

Khi giường bệnh, thiết bị và nhân viên trên khắp đất nước trở nên quá tải, những khoảnh khắc mọi người nói "I Love You" đều mang ý nghĩa là Tạm Biệt.

Ý nghĩa này sẽ trở nên phổ biến hơn, và tôi là một trong số họ.

"Con yêu bố mẹ", tôi nói với bố mẹ tôi sau khi dặn họ ở nhà càng nhiều càng tốt. Tôi nói rằng họ có thể không được gặp cháu hoặc tôi trong nhiều tuần, thậm chí là nhiều tháng. Cha mẹ tôi đã may mắn sống sót sau chiến tranh và đã di cư sang Mỹ. Họ đã may mắn tìm được một công việc và mua được một căn nhà để sống ở đây.

"Cẩn thận nhé," mẹ tôi nói, "Mẹ rất lo cho con, con đang làm việc quá sức đấy!".

Bà vẫn còn nhớ tôi là một sinh viên y khoa ốm yếu vào cuối ca 30 giờ. Hồi đó, bà là bảo vệ tại cổng bệnh viện, tự hào nhìn con trai tận dụng sự hy sinh của mình để học tập và hướng tới ước mơ trở thành bác sĩ. Bây giờ, bà chỉ đơn giản là một người mẹ lo lắng cho đứa con của mình đang trên chiến tuyến chống lại một kẻ thù vô hình.

Thể hiện tình yêu cũng là một cách để nói lời tạm biệt và là cách để chúng ta chống lại virus lúc này. Ngay bây giờ, cách ly xã hội là cách duy nhất để bảo vệ những người thân yêu dễ bị tổn thương nhất. Công nghệ video mặc dù có thể giúp chúng ta nhìn thấy người thân, nhưng nó không đủ để ta cảm nhận đầy đủ.

Thật là buồn vui lẫn lộn khi nhìn những bước đi đầu tiên của con trai tôi trên iPad. Tôi tự hào về thằng bé và vui mừng khi có thể chứng kiến con trai đạt được cột mốc này, nhưng tôi rất muốn là người đi bên cạnh con.

Vượt qua được dịch bệnh là điều không dễ dàng và điều tồi tệ nhất vẫn còn chưa đến. Không ai trong chúng ta sẽ bình an vô sự. Nhưng tôi tin rằng nói lời tạm biệt bây giờ, và giữ khoảng cách, là hy vọng tốt nhất để sống sót và trở lại thời điểm mình có thể ôm chầm lấy vợ con mà không có cảm giác sợ hãi.

Khi đó, "I Love You" có nghĩa là "Xin chào" một lần nữa.

(Theo NYTimes)

Khi "I Love You" trở thành câu nói tạm biệt trước sự cô đơn và mất mát thay vì trước những nụ hôn ngọt ngào trong mùa Covid-19 - Ảnh 5.

 

Chia sẻ