Khi đàn bà không nói

TGPN,
Chia sẻ

Tuấn không chịu nổi sự im lặng của vợ, anh đã xin lỗi, đã hứa hẹn, đã thề thốt nhưng Mai chỉ bảo: “Tôi cần thời gian suy nghĩ. Anh hãy để tôi yên tĩnh...”

Không ít cô vợ trẻ hay giận dỗi, động tí là chiến tranh lạnh, là cấm vận để trừng phạt chồng, nhiều cô quá đà nên già néo đứt dây, các cô gọi điện cho chồng không được, chồng mải nhậu quên mất giờ hẹn đón, chồng quên sinh nhật, quên mua quà ngày Lễ Tình nhân,... toàn những chuyện vụn vặt mà cũng chiến tranh lạnh đến vài ngày, thậm chí cả tuần khiến lắm anh chồng phát chán, chả thiết nữa nên bỏ đi với người khác.

Nhưng Mai không thế, chỉ khi nào Mai thất vọng lắm, chán chồng lắm thì cô mới chiến tranh lạnh. Vì vậy mà Tuấn rất sợ sự im lặng của vợ, anh bảo: “Tớ sợ vì tớ biết chắc là mình đã làm điều khó tha thứ được...”

Chuyện sai của Tuấn ngay anh cũng thấy khó mà tha thứ. Hôm ấy là giỗ đầu của bố Mai. Trước đó một tuần, Mai đã dặn chồng đến ngày giỗ nghỉ phép để sáng đi thăm mộ, chiều về ăn giỗ, vậy mà Tuấn quên béng lại hẹn với cậu bạn đi xem cái bình cổ ở tận Bắc Ninh.
 

Sáng ra chẳng biết nói với vợ thế nào nên Tuấn lừa lúc Mai đi chợ mua hoa quả thì đi (như trốn), để lại mấy chữ: Anh có việc gấp, chiều sẽ về. Vậy mà đến nửa đêm Tuấn mới về.

Nhìn chồng ngất ngưởng thở ra đầy mùi bia rượu, Mai tức đến chảy nước mắt nhưng không nói được lời nào vì biết mình có nói cũng chỉ có mình nghe.

Đêm ấy Mai đã thức đến sáng, cô ngồi ôn lại bao nhiêu tội lỗi của chồng mà cô đã tha thứ. Cái tội cố tình tiền trảm hậu tấu, cứ đi theo ý thích của mình của Tuấn đã nhiều lần làm Mai tức không chịu nổi, cô cũng đã cáu bẳn, trách móc nhưng Tuấn cứ ham vui như thế, chẳng chịu thay đổi.

Nhưng chẳng thể vì thế mà bỏ nhau, Mai đành chấp nhận rồi cũng quen dần. Nhưng lần này là ngày giỗ bố Mai, cả họ nhìn vào, Mai giận không phải chỉ vì sĩ diện mà hành động của Tuấn là thước đo ý thức, trách nhiệm, nghĩa vụ, và hơn hết là tình cảm của Tuấn đối với vợ, với gia đình nhà vợ...

Đêm ấy nước mắt Mai đã cạn, tình yêu cũng cạn, cô thấy trong lòng trống rỗng, chán chường, thất vọng.

Lần ấy Mai ít lời cả tháng, cô không cáu bẳn, không giận cá chém thớt, Tuấn hỏi gì cô cũng trả lời nhưng Tuấn thấy sợ.

Sự ít lời của Mai như muốn nói: Tôi chán anh lắm rồi, nếu anh còn sống kiểu này thì tôi sẽ bỏ anh ngay lập tức...

Cuộc chiến tranh lạnh lần thứ 2 kéo dài hơn 3 tháng trời. Mai bắt gặp Tuấn chở cô đồng nghiệp vi vu trên phố trong tư thế vô cùng tình tứ và cũng vô cùng hạnh phúc.

Mai đi sát bên cạnh trong tích tắc đủ để Tuấn biết cô đã nhìn thấy hai người rồi Mai phóng đi. Mai không tra hỏi, không trách móc mà lặng lẽ đến sợ. Tuấn không chịu nổi sự im lặng của vợ, anh đã xin lỗi, đã hứa hẹn, đã thề thốt nhưng Mai chỉ bảo: “Tôi cần thời gian suy nghĩ. Anh hãy để tôi yên tĩnh...”

Những ngày ấy Tuấn thấy cuộc sống thật ngột ngạt, căng thẳng mặc dù Mai vẫn dịu dàng với con, vẫn chu đáo với bố mẹ chồng, vẫn niềm nở với bạn bè Tuấn khi họ đến chơi, nhưng khi chỉ có hai vợ chồng thì Mai như cái bóng, lầm lũi, buồn thiu.

Mai không gầm gào, không than khóc nhưng cuộc chiến tranh lạnh làm Tuấn khốn khổ, anh như thấy hạnh phúc đang đứng bên bờ vực thẳm, thật chông chênh...

Cho đến ngày Tuấn nói với Mai đã chuyển công ty khác thì Mai mới nói: không có lần thứ hai đâu nhé...

Mai không giận hờn vặt vãnh, những chuyện thường ngày Tuấn có làm gì sai thì Mai cáu lên, cằn nhằn vài câu, bực trong chốc lát rồi thôi.

Mai không giận dai, nên khi Mai giận đến mức không nói gì thì Tuấn hiểu là Mai đã quá chán, chán đến phát ghét anh, đã quá thất vọng, thất vọng đến mức không thể nói nên lời và cô đang tính toán, đang cân nhắc xem có nên sống chung với anh nữa hay không. Vì thế mà Tuấn sợ... - Sợ nhất là khi vợ ít lời...

Chia sẻ