Khát khao có con cũng làm bụng to!

,
Chia sẻ

"Chỉ khi nào họ hết niềm tin hoặc nhận thức không có thai thì bụng sẽ từ từ xẹp còn không thì bụng cứ to hoài", BS Lê Thị Thu Hà - phó khoa khám bệnh BV Từ Dũ nói.

Khoảng một năm nay tại một số phòng mạch tư sản phụ khoa và bệnh viện chuyên khoa sản ở TP.HCM tiếp nhận nhiều phụ nữ có “bụng bầu” đến khám thai. Tuy nhiên, kết quả khám lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh lại không hề có em bé trong bụng! Vì sao có hiện tượng lạ như vậy?

“Ôi, thai giả thiếu gì. Chúng tôi gặp hoài ở phòng mạch chứ đâu”. Một bác sĩ đang khám cho một thai phụ tại phòng khám thai Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) vào chiều 5-1 đã thốt lên như vậy.

Bảy tháng: hàng chục ca thai giả!

Ghi nhận của chúng tôi tại phòng khám thai Bệnh viện Từ Dũ cho thấy từ ngày 18-5 đến 9-12-2009 nơi này đã tiếp nhận khám thai cho 11 “bà bầu”, nhưng tất cả những người này đều không có thai. Trong số này có năm chị ngụ tại TP.HCM, còn lại ở các tỉnh Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Kontum. Độ tuổi của các “bà bầu” từ 37-45, chỉ có ba “bà bầu” 27-34 tuổi. Các “bà bầu” này khi được bác sĩ khám thai hỏi đều cho biết họ có đi cầu kinh ở một nhà thờ tại TP.HCM và “có thai”.

Phó khoa khám bệnh Bệnh viện Từ Dũ Nguyễn Thị Thanh Phượng cho biết những phụ nữ này khi đến khám thai đều nói “thai đang đạp, đang máy dữ lắm”. Nếu không khám lâm sàng, siêu âm thai mà chỉ nhìn vẻ bên ngoài của những “bà bầu” này ai cũng nghĩ họ có thai thật. Thậm chí có người bụng to giống như gần đến ngày sinh. Nhiều “bà bầu” nói họ có thai đã 19-20 tháng nhưng chưa thấy sinh. Có người khẳng định dù đang mang thai nhưng vẫn có kinh hằng tháng bình thường.

Tuy nhiên, khi bác sĩ khám lâm sàng (nghe tim thai, đo bề cao tử cung, khám trong...) thấy không có thai và đề nghị đi siêu âm thì một số chị lại không đồng ý với lý do: “Cha dặn chừng nào đẻ thì đẻ. Không được cho siêu âm”. Một số chị đồng ý cho siêu âm thì kết quả không thấy thai trong tử cung. Có chị đã bật khóc khi biết không có thai.

Niềm tin tạo cảm giác có thai

Bác sĩ Lê Thị Thu Hà - phó khoa khám bệnh Bệnh viện Từ Dũ - giải thích việc mang thai giả theo y văn là những người tha thiết mong đợi, khao khát tột cùng chuyện có con, và khi có ai đó tác động đến đối tượng rằng họ đang có thai thì họ sẽ có cảm giác y như mang thai thật.

Khi niềm tin có thai càng lớn thì những người này sẽ cảm nhận bụng mình cứ từ từ to lên và họ cũng có những hiện tượng như ốm nghén. Còn việc bụng to là do họ bị trướng hơi trong ruột. Tuy nhiên, bác sĩ Thu Hà cũng ngạc nhiên, theo y văn thì hiện tượng mang thai giả rất hiếm, nhưng hiện nay hiện tượng này xảy ra khá nhiều tại TP.HCM.

Khi nào thì bụng hết to? Theo bác sĩ Thu Hà, khi nào họ hết niềm tin hoặc nhận thức được không hề có thai thì bụng sẽ từ từ xẹp. Còn nếu họ vẫn giữ niềm tin đó thì bụng cứ to hoài.

Thai giả không lạ!

Thai giả ở người có tên khoa học là pseudocyesis. Phụ nữ có thai giả cũng có các triệu chứng và dấu chứng như có thai thật, chỉ khác là không có thai nhi. Đây là một điển hình của y khoa tâm - thể, ảnh hưởng của tâm lý lên sinh lý, thể chất. Những phụ nữ quá mong ước có thai hoặc quá sợ hãi có thai đều dễ dẫn đến tình trạng có thai giả.

Cơ chế là do tác động của tâm lý lên trục dưới đồi - tuyến yên - thượng thận làm thay đổi cả hệ thống kích thích tố trong cơ thể khiến có dấu hiệu ốm nghén, nôn mửa buổi sáng, ngực căng, tiết sữa, bụng to, rối loạn kinh nguyệt.

Tình trạng mang thai giả này thường gặp ở lứa tuổi 30-40, ở những phụ nữ hiếm muộn, sẩy thai nhiều lần, và nói chung - ở những người nhạy cảm về thần kinh, bị ám ảnh, bị căng thẳng, thậm chí trầm cảm. Chính vì thế chữa trị nhiều khi không dễ. Phải dùng đến tâm lý trị liệu, phân tâm học, gây mê, thôi miên... Có trường hợp phải cho sinh đẻ như thật mới giải quyết được tâm lý bà mẹ!

Thai giả không lạ với ngành y, được ghi nhận trong y văn từ thời Hippocrates, hơn 300 năm trước Công nguyên. Tại Mỹ, thập niên 1940 tỉ lệ có thai giả khá cao, ngày nay rất hiếm, vài chục ngàn ca sinh thường mới có một ca có thai giả. Để chẩn đoán thai giả cần khám tim thai, siêu âm...

Bụng to là do tích hơi trong ruột và tích mỡ ở thành bụng. Nhiều trường hợp bệnh nhân còn thấy thai máy, thai đạp, thật ra chỉ là những vận động của các luồng khí (hơi) trong ruột mà thôi.

BS Đỗ Hồng Ngọc

TheoLê Thanh Hà
Tuổi trẻ
Chia sẻ