Khăn ướt cho trẻ: càng thơm càng độc

,
Chia sẻ

Tuy tiện lợi nhưng trẻ rất dễ bị dị ứng, thậm chí là viêm nhiễm da khi sử dụng.

Tổ chức an toàn mỹ phẩm (CSC) của Mỹ vừa thông báo một số mẫu sản phẩm sữa tắm và dầu gội đầu dành cho trẻ em có hoá chất formaldehyde và dioxane có nguy cơ gây ung thư ở người đã làm cho các bà mẹ hết sức lo lắng. Song, ngoài các sản phẩm trên, nhiều trẻ em còn dùng tã giấy, khăn ướt hằng ngày cũng rất đáng được lưu ý.

Tiện lợi...

Khảo sát một vòng qua các chợ, cửa hàng cung cấp đồ sơ sinh, trước các bệnh viện phụ sản chúng tôi nhận thấy có đến hàng chục loại khăn giấy ướt dành cho trẻ em. Theo chị Lý Huỳnh Anh, một tiểu thương kinh doanh mặt hàng khăn ướt, tã giấy ở chợ Bình Tây (Quận 6, Tp Hồ Chí Minh) cho biết, những loại hàng cao cấp nhất được nhập về từ Úc và Thụy Điển với giá 30 - 40.000đồng/túi/80 cái.
 
Rẻ hơn có khăn ướt của Malaysia và khăn giấy hiệu Diana với giá 18.000đồng/túi/80 cái. Nếu muốn mua loại rẻ hơn thì có hàng của Trung Quốc, giá chỉ bằng một nửa so với những loại trên. Tuy nhiên, những loại này ít được các bà mẹ lựa chọn vì họ lo ngại chất lượng không bảo đảm.
 
Các bà mẹ nên lưu ý khi lựa chọn khăn giấy ướt cho con mình.
 
Còn các hương thơm, các mùi hồng phấn, mùi trà được các bà mẹ mua nhiều nhất nhờ có mùi thiên nhiên, rất “hiền”, ít gây dị ứng. Chỉ riêng mùi trà đã có hơn 5 kiểu hương khác nhau: trà thường, trà nhẹ, trà nồng, trà xanh... Bên cạnh việc “đưa” mùi hương, các loại khăn ướt còn tẩm thêm thành phần “dưỡng da” có chứa vitamine A, E, nhưng được chuộng nhất là loại có tẩm chất chiết xuất từ cây lô hội. Giá tùy theo nhãn hiệu từ 4.000-7.000đồng/bịch 10 khăn.
 
Chúng tôi thử tìm đến một cơ sở sản xuất khăn ướt trên đường Lạc Long Quân, quận 11, có cả khăn ướt dành cho trẻ em, chúng tôi được xem quy trình cuối cùng là tẩm thơm trước khi đóng gói dán nhãn. Rất đơn giản và độc đáo, những miếng khăn nhỏ đã qua hấp sạch được xếp trong xô inox. Công thức gồm: 7 lít cồn, 3 lít nước và 200g hương liệu cho khoảng 55 – 550 khăn. Khăn giấy ướp trong hoá chất khoảng 2 giờ để đủ thấm, giữ mùi lâu. Có nơi chỉ ướp trong một giờ do sử dụng hoá chất giữ mùi. Lượng cồn còn nhiều, càng tạo sự an tâm cho người tiêu dùng nhưng gây rát da. Cồn nhiều, nhà sản xuất cũng có lợi hơn sử dụng nhiều mùi hương.

Tại chợ Kim Biên (Quận 5), khi nghe chúng tôi hỏi mua hương liệu ướp khăn giấy, chị H. chủ một sạp ở đầu chợ nhanh nhẹn tư vấn: “Sử dụng cho trẻ em hay người lớn?”. Nghe sản xuất khăn cho trẻ, chị H giới thiệu có đủ loại mùi, nhưng tư vấn nên chọn mùi hương nhẹ như: hoa lan, hoa hồng, hoa lài, hoặc salơme, hoa tử lan... Loại nguyên chất có giá từ 400.000 - 500.000 đ/kg. Còn nếu hàng pha sẵn chỉ 30.000đ/lít, lấy cồn thường thì 15.000đ/lít, hương giữ mùi 10.000đ/lít. Riêng loại giữ mùi hương bằng bột giá rất cao và đòi hỏi kỹ thuật ướp công phu hơn.

Chị Thu Hà, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết con chị hơn 1 tuổi nhưng chị đã phải đổi đến cả chục loại khăn giấy ướt, hàng nội hay ngoại đều có nhưng chẳng hiểu sao cháu bé vẫn không hợp, cứ dùng vài ngày lại có hiện tượng dị ứng ngoài da. Hiện tại chị phải dùng phương pháp thủ công là rửa bằng nước ấm cho con sau mỗi lần cháu đi vệ sinh. Nhưng chị Hà vẫn tiếc vì nếu sử dụng được khăn giấy ướt sẽ tiện lợi hơn nhiều..
 
Ảnh minh họa.
 
Theo các bác sĩ nhi khoa, trẻ sơ sinh cần được thay tã mỗi khi bị ướt. Thường trong những tháng đầu, mỗi trẻ sơ sinh phải được thay tã từ 6 - 8 lần/ngày. Với tốc độ như vậy, các bà mẹ trẻ cảm thấy nghi ngại. Thêm vào đó, nhiều bà mẹ còn lo lắng dùng nước rửa cho bé 8 lần/ngày có hại cho làn da của bé và dễ bị nhiễm lạnh. Đánh vào tâm lý này, các nhà sản xuất thường đua nhau đưa những hoá chất mới vào sản phẩm kể cả nước hoa để tạo mùi thơm... nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Lợi bất cập hại

Theo kỹ sư Nguyễn Phan Chính - Phòng môi trường Trung tâm Tiêu chuẩn - Đo lường -Chất lượng khu vực 3, sản phẩm khăn giấy tẩm mùi hương phải có chỉ tiêu nhất định về vi sinh, độ dày, độ thấm... Đặc biệt, loại dành sử dụng cho trẻ em càng phải kiểm tra về độ kích ứng trên da. Những loại hương liệu công nghiệp có khả năng gây dị ứng cho những người có thể trạng dị ứng với mùi hương.
 
Đối với trẻ em do da có tính chất còn non nên càng nhạy cảm hơn với mùi hương, tiếp xúc trực tiếp vào da có thể gây các bệnh ngoài da đáng kể. Tuy nhiên, hiện trên nhãn mác của các loại khăn giấy, nhà sản xuất không ghi cụ thể thành phần chất thơm nào. Chưa hết, nếu nhà sản xuất làm nhái các loại khăn giấy xịn bằng cách tạo các axit thơm mạch vòng thì sẽ vô cùng nguy hiểm.
 
Hiện ở Việt Nam chưa có công trình nghiên cứu nào về chất lượng cũng như độ an toàn của các loại khăn giấy ướt đối với trẻ sơ sinh. Tốt nhất các bà mẹ nên vệ sinh cho trẻ bằng cách rửa nước thông thường, nếu sử dụng khăn giấy ướt chỉ nên dùng các loại không có mùi.
 
Còn Bác sĩ Phạm Thị Kim Anh - Phó khoa Lâm sàng - Bệnh viện Da Liễu Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Hiện nay có nhiều đồ lót dành cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Vì làn da của lúa tuổi này còn rất mỏng nên rất nhạy cảm, dễ bị dị ứng nên cần chọn lựa những sản phẩm chính hãng, có thương hiệu quen thuộc, tránh mua sản phẩm nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
 
Trên thị trường hiện có vài loại tã giấy mà bề mặt đáy (tiếp xúc với da của trẻ) được làm từ các nguyên liệu nylon hoặc nylon kèm màn thoát ẩm. Theo tôi, nên chọn những sản phẩm có bề mặt đáy có phủ vải và thoát ẩm. Như vậy da của trẻ sẽ tiếp xúc với vải mềm, hạn chế sự trầy xước khi trẻ vận động nhiều, mặt khác màn thoát ẩm sẽ khiến phần da tiếp xúc được khô ráo...”.
 
Theo bác sĩ Lương Thị Bạch Lan - Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, da và cơ quan sinh dục của trẻ sơ sinh rất dễ bị viêm nhiễm vì sức đề kháng của trẻ kém. Đồng thời, việc vệ sinh cho bé là một việc không dễ đối với nhiều bà mẹ trẻ do sợ làm con đau hoặc không biết về sự cần thiết của việc làm này.
 
Để an toàn cho bé, trước khi bắt tay vào việc các bà mẹ nên rửa tay thật sạch. Sau đó đặt bé lên tấm nệm lót và cởi đồ, tháo tã. Sau khi lau sạch phân bằng giấy vệ sinh mịn và bỏ vào trong tã rồi gấp xuống phía dưới bé. Thấm ướt bông với nước hay nước hoa để lau cho bé: bắt đầu lau từ bụng lên rốn. Nếu da bé nhạy cảm thì đôi khi chỉ cần rửa “khô” với khăn giấy ẩm.
 
Chỉ nên rửa cơ quan sinh dục bằng xà phòng 4 - 5 ngày một lần, bởi ngay cả xà phòng chuyên dùng cho trẻ em vẫn cót hể làm khô và gây kích thích vì da lúc này còn rất mỏng. Việc rửa có thể tiến hành dưới vòi nước hay dùng bông thấm nước.
Theo Thế giới tiêu dùng
 
Chia sẻ