Khai quật pháo đài 2.000 năm tuổi, các nhà khảo cổ tin rằng đã tìm thấy thành phố hoàng gia bị "xóa sổ" từ lâu

Diệp Lục,
Chia sẻ

"Thân thế" phía sau pháo đài cổ này có thể chứa đựng những sự thật thú vị khác.

Những cuộc khai quật khảo cổ học đều chứa đựng các giá trị lịch sử lớn lao, nó góp phần hé lộ một bức tranh chân thực về cuộc sống của người xưa với biết bao điều thú vị.

CNN mới đây đưa tin, một pháo đài 2000 năm tuổi được xây dựng ở khu vực sườn núi thuộc vùng đất Kurdistan, Iraq ngày nay có thể là một phần của thành phố hoàng gia đã bị xóa sổ, có tên là Natounia.

Nằm ở khu vực dãy núi Zagros, pháo đài đá Rabana-Merquly bao gồm công trình phòng thủ - bảo vệ dài gần 4km, 2 khu dân cư nhỏ, những bức phù điêu được chạm khắc trên đá và một quần thể tôn giáo.

Khai quật pháo đài 2.000 năm tuổi, các nhà khảo cổ tin rằng đã tìm thấy thành phố hoàng gia bị "xóa sổ" từ lâu - Ảnh 1.

Các nhà nghiên cứu đang khai quật những di tích của lịch sử ở Kurdistan, Iraq.

Pháo đài nằm ở khu vực biên giới Adiabene, nơi đây từng tồn tại một vương quốc nhỏ lâu đời. Công trình khảo cổ này do Michael Brown, một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Heidelberg tại Đức thực hiện với sự giúp đỡ của các đồng nghiệp ở Iraq.

Theo ông Michael Brown, những bức chạm khắc ở lối vào pháo đài mô tả một vị vua của Adiabene, dựa trên trang phục và chiếc mũ của người này. Bức chạm khắc có nhiều điểm tương tự với một số bức tượng khác nói về các vị vua Adiabene từng được tìm thấy cách đó 230km, tại một thành phố cổ có tên là Hatra.

Nhà nghiên cứu Brown tin rằng pháo đài cổ được tìm thấy là thành phố hoàng gia đã bị "xóa sổ" được gọi là Natounia hoặc Natounissarokerta, thuộc một phần của Vương quốc Adiabene.

"Thành phố Natounia chỉ thực sự được biết đến qua những đồng tiền cổ quý hiếm, không hề có bất kỳ tài liệu tham khảo lịch sử nào nói chi tiết về thành phố này", nhà nghiên cứu đưa ra nhận định của mình.

Khai quật pháo đài 2.000 năm tuổi, các nhà khảo cổ tin rằng đã tìm thấy thành phố hoàng gia bị "xóa sổ" từ lâu - Ảnh 2.

Bức chạm khắc trên đá mô tả nhân vật với chiếc mũ và trang phục giống vị vua của Adiabene.

7 đồng xu cổ được tìm thấy đã mô tả một thành phố được đặt theo tên của một vị vua là Natounissar. Vị vua trong bức chạm khắc có thể là người sáng lập thành phố Natounia hoặc hậu duệ trực tiếp của người này.

Nghiên cứu cũng cho hay địa danh Natounissarokerta được ghép từ tên thành viên hoàng gia Natounissar, người sáng lập triều đại Adiabene và từ "Parthia" có nghĩa là pháo đài.

Ông Brown đưa thêm nhận định về sự tồn tại của pháo đài Rabana-Merquly: "Có thể pháo đài này là một khu định cư lớn, được sử dụng để buôn bán với các bộ lạc, duy trì quan hệ ngoại giao hoặc gây áp lực quân sự. Việc xây dựng và duy trì một pháo đài có quy mô như thế này cho thấy các hoạt động của nhà nước thời bấy giờ".

Mặc dù vậy, tất cả vẫn chỉ là nhận định dựa trên việc xâu chuỗi và phân tích những gì đã tìm thấy. Ông Brown cho hay: "Pháo đài Rabana-Merquly không phải là khả năng duy nhất cho Natounia nhưng nó là 'ứng cử viên' phù hợp nhất cho thành phố hoàng gia đã mất ở thời điểm hiện tại".

Được biết, các thông tin trong nghiên cứu trên đã được tạp chí Antiquity công bố vào ngày 19/7.

Nguồn: CNN

Chia sẻ