Khái niệm trường quốc tế được hiểu thế nào và danh sách các trường có gắn từ "quốc tế" ở Hà Nội

Tào Nga - H.H,
Chia sẻ

Tại Hà Nội có rất nhiều trường có chữ "quốc tế" với cơ sở vật chất và chương trình dạy khác nhau. Trong khi hầu hết các trường có mức học phí vài trăm đến nửa tỷ đồng thì có trường chỉ 20 triệu đồng/năm.

Khái niệm trường quốc tế được hiểu thế nào?

Năm học mới còn chưa chính thức bắt đầu thì cả nước đón một tin đau lòng khi học sinh lớp 1 trường Gateway tử vong trên xe đưa đón. Đây là ngôi trường lâu nay hoạt động với tên gọi là trường quốc tế, chương trình học tân tiến và cơ sở vật chất hiện đại.

Sau khi vụ việc xảy ra, nhiều cha mẹ mới giật mình tìm hiểu trường quốc tế được quy định thế nào và hiện nay có bao nhiêu trường chuẩn quốc tế?

truong-lien-cap-quoc-te-gateway-_anh-pham-hung-7_cpfc

Chưa có quy định nào về trường quốc tế.

Ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, hệ thống Giáo dục quốc dân có 3 loại hình nhà trường gồm: Trường công lập, trường tư thục và dân lập. 

Như vậy, theo quy định hiện hành, pháp luật chỉ quy định 3 loại hình trường nêu trên và không có quy định đối với trường quốc tế.

Bên cạnh đó, việc đặt tên trường được thực hiện theo quy định sau: Tên trường phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: "Trường", "Cấp học hoặc trình độ đào tạo" và "tên riêng" và không vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế

Tên gọi nhà trường chưa nói lên tất cả. Do đó, phụ huynh khi lựa chọn trường cho con em, cần xem xét đầy đủ các thông tin như chương trình giáo dục và ngôn ngữ giảng dạy, giáo viên, cơ sở vật chất, học sinh, vốn đầu tư, mô hình quản trị… về nhà trường thông qua nhiều kênh khác nhau như là trang web của trường, của sở giáo dục.

Khi xem xét hồ sơ thành lập trường, tùy theo cấp học, UBND cấp có thẩm quyền (theo phân cấp quản lý tương ứng), căn cứ hồ sơ và đề nghị của cơ sở giáo dục để ra quyết định theo quy định. Nếu tên trường trong quyết định cho phép thành lập không có chữ "quốc tế" mà trường tự thêm vào là trường đã thực hiện sai quy định.

Ông Nguyễn Hoài Chương, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh trên Vietnamnet: "Trường quốc tế" là một khái niệm phức tạp. Trước đây, việc phân biệt "trường quốc tế" dựa vào 2 yếu tố là chương trình và người học. Trong đó Chương trình phải chương trình quốc tế; Người học đa dạng, đa quốc gia, đa quốc tịch.

Tuy nhiên bây giờ tên gọi "trường quốc tế" này đang được "lạm dụng", có yếu tố làm hấp dẫn phụ huynh và người học, đồng thời các trường cũng đưa ra mức thu rất cao; phụ huynh thì ngộ nhận rằng chính con họ đang học trường quốc tế nên không ngại đầu tư".

Một chuyên gia giáo dục ở TP.HCM, cho hay trường quốc tế có hai loại. Loại đúng chuẩn quốc tế là có 100% vốn nước ngoài, dạy cho con em người nước ngoài. Những trường này do Tổng Lãnh sự các nước mở ở Việt Nam để dạy cho con em cán bộ ngoại giao của họ (khống chế tỷ lệ học sinh Việt Nam). Những trường này dạy hoàn toàn chương trình nước ngoài, bằng cấp nước ngoài.

Loại thứ hai cũng có tên quốc tế, đó là các trường tư thục, gọi chung là các trường "có yếu tố nước ngoài". Nhiều trường trong số này sử dụng phần lớn chương trình, giáo viên nước ngoài cũng như phương pháp giảng dạy của đối tác nước ngoài; hoặc chương trình do những tổ chức giáo dục được công nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới kiểm định.

Bên cạnh đó, trao đổi với VOV, Ths. Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, tiêu chuẩn của thế giới về trường quốc tế gồm 3 tiêu chí: Trường phải có cơ sở ở nhiều quốc gia khác nhau; phải sử dụng các ngôn ngữ quốc tế phổ biến như tiếng Anh, không sử dụng tiếng bản địa; phải đào tạo theo chương trình được nhiều nước công nhận, có thể học lên lớp cao hơn, hoặc thi vào đại học quốc tế.

Hiện nay, các trường quốc tế hầu như được hoạt động dưới mô hình là các trường tư thục. Những trường này được gắn thêm tên "quốc tế" do có yếu tố nước ngoài; thường là có vốn đầu tư nước ngoài, hoặc liên kết đào tạo với nước ngoài, hoặc cả hai.

Luật sư Đặng Văn Cường

Hiện nay, tại Việt Nam khái niệm trường quốc tế chưa có ranh giới rõ ràng. Muốn phân biệt trường quốc tế với các trường khác thì phân biệt theo chương trình giảng dạy và đối tượng học, vốn đầu tư. Về vốn đầu tư thì có nhiều hình thức, vốn đầu tư trong nước nhưng dạy chương trình nước ngoài và vốn đầu tư nước ngoài dạy chương trình nước ngoài.

Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị triển khai năm học mới 2019-2020, ông Lê Ngọc Quang - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội - khẳng định đến thời điểm này Hà Nội mới chỉ có 11 trường quốc tế theo quy định tại Nghị định 86 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Ngoài ra có một số trường khác có yếu tố nước ngoài chứ không phải trường quốc tế.

Ông Quang cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ công bố danh sách các trường quốc tế và trường có yếu tố nước ngoài để phụ huynh, học sinh nắm rõ. 

Ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội

Tên gọi của trường quốc tế phải đúng theo quy định của luật. Nếu trong quyết định thành lập không có chữ "quốc tế", trường tự đưa vào để mạo danh, thu hút học sinh, là sai phạm. Sở GD-ĐT sẽ yêu cầu các đơn vị này bỏ việc mạo danh để tránh hiểu lầm, hiểu sai.

"Tôi cho rằng cần luật hóa chế tài xử phạt về việc này. Hiện nay, định nghĩa về trường quốc tế chưa đầy đủ và chưa có chế tài vận dụng để xử lý, vì vậy cần vận dụng các điều kiện của địa phương trong vấn đề này", ông Quang cho biết.

Danh sách các trường có gắn từ "quốc tế" ở Hà Nội

Hiện tại, Hà Nội có 17 trường có chữ "quốc tế" trong tên trường được chia thành hai nhóm. Nhóm các trường quốc tế thuộc hệ thống giáo dục nước ngoài đặt cơ sở ở Việt Nam và nhóm các trường được thành lập duy nhất tại Việt Nam. 

Artboard 6

Ở nhóm 1, tất cả các trường đều có chữ "international" trong tên gọi tiếng Anh được đăng tải công khai trên trang web của trường. Mức học phí trung bình của các trường thuộc nhóm 1 thấp nhất không dưới 500 triệu đồng/năm, và cao nhất lên đến hơn 700 triệu đồng. 

Cụ thể ở Trường Quốc tế Anh (BIS), học phí lớp 1 là 495,3 triệu đồng, học phí lớp 2 - 6 từ 495 - 553 triệu đồng/năm, học phí lớp 7 - 12 từ 637 - 730 triệu đồng/năm. 

Trong khi đó, ở nhóm 2, học phí dao động từ 20 - 500 triệu đồng/năm. "Rẻ" nhất là trường Phổ thông quốc tế Việt Nam (VIS) có trụ sở tại khu đô thị Dương Nội với mức học phí chỉ có 2 triệu đồng/tháng/hệ thường và 8 triệu đồng/tháng/hệ song ngữ. "Đắt" nhất là Trường Quốc tế Hà Nội (HIS) với mức học phí 472,5 triệu đồng/năm. 

Bên cạnh đó, có một số trường thuộc phân khúc cao cấp, có thành tích nổi trội cùng học phí trung bình từ 150 - 300 triệu đồng/năm nhưng không gắn biển "quốc tế" trong tên gọi gồm: Trường PTLC Olympia, Trường Nguyễn Siêu, Trường Tây Hà Nội, Trường Vinschool, Trường TH School, Trường Alfred Nobel. 

Theo thông tin trên website của Hội đồng các trường quốc tế CIS - một tổ chức kiểm định giáo dục uy tín hàng đầu thế giới, Hà Nội có 6 trường thành viên, trong đó có 3 trường đã được cấp chứng nhận kiểm định theo các tiêu chuẩn khắt khe gồm Trường Quốc tế Anh Việt (BVIS), Trường quốc tế Liên Hợp Quốc Hà Nội (UNIS), Trường Quốc tế Hà Nội (HIS). 

Ba thành viên còn lại đang trong thời gian kiểm định gồm: Trường Song Ngữ Liên Cấp Quốc Tế Gateway, Trường Vinschool Times City và Trường PTLC Vinschool The Harmony. Như vậy, phần lớn các trường thuộc danh sách có chữ "quốc tế" không có mặt trong Tổ chức kiểm định giáo dục quốc tế này.

Trường hợp đặc biệt lại thuộc về Trường Nguyễn Siêu. Dù không gắn biển "quốc tế", nhưng Nguyễn Siêu chính thức trở thành thành viên của hệ thống các trường phổ thông quốc tế của ĐH Cambridge Vương quốc Anh với mã số trường là VN236. 

Về chương trình học, các trường thuộc nhóm 1 dạy chương trình riêng, không theo chương trình của Bộ Giáo dục & Đào Tạo Việt Nam. Theo đó, Trường BVIS và BIS dạy chương trình của Anh, Trường Concordia và Trường St.Paul dạy chương trình của Mỹ, Trường JIS dạy chương trình của Nhật Bản... 

Trong khi đó, ở nhóm 2, các trường dạy song song hai chương trình: chương trình Việt Nam và chương trình nước ngoài. Chương trình Việt Nam được áp dụng toàn bộ hay một phần tùy thuộc vào hệ thường hay hệ song ngữ. Tuy nhiên, với hệ thường ở những trường gắn biển "quốc tế", môn Tiếng Anh vẫn được đảm bảo chất lượng và lộ trình tốt phục vụ cho việc du học trong tương lai của học sinh. 

Cũng vì sự linh hoạt này mà nhiều phụ huynh chuộng các trường thuộc nhóm 2, bởi việc tồn tại cả hai chương trình Việt Nam - quốc tế sẽ giúp con cái họ có nhiều sự lựa chọn trong tương lai. Ví dụ như không sang nước ngoài du học thì vẫn có thể vào các trường Đại học top đầu của Việt Nam. 

4 Trường quốc tế thuộc hệ thống giáo dục nước ngoài đặt tại Việt Nam gồm: Trường Quốc tế Liên hiệp quốc (được thành lập bởi Liên hiệp quốc và Chính phủ Việt Nam), Trường Quốc tế Anh và Trường Quốc tế Việt Anh (được bảo trợ bởi Tổ chức Giáo dục Nord Anglia của Vương quốc Anh), Trường Concorida (thuộc hệ thống trường của Lutheran Church-Missouri Synod Hoa Kỳ) và Trường St.Paul (được bảo trợ bởi hệ thống Trường Quốc tế Nacel Hoa Kỳ).

Ngoài ra, một số đại sứ quán nước ngoài có mở trường dành riêng cho con em và người mang quốc tịch nước họ đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam như Trường Lycée Français Alexandre Yersin của Pháp, các trường phổ thông của Đại sứ quán Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản... Những trường này chỉ dành một số lượng tuyển sinh nhất định với tỉ lệ rất thấp đi kèm các yêu cầu đặc biệt khác dành cho học sinh Việt Nam.

Chia sẻ