Kể chuyện sinh con phải chịu đau đớn như thế nào, cuối cùng mẹ lại "đứng hình" trước câu hỏi hồn nhiên của con

Tào Nga,
Chia sẻ

Sự lém lỉnh của cậu bé khiến mẹ nhận cái kết "đắng", còn mọi người thì không nhịn được cười.

Mang bầu, sinh con là điều thiêng liêng, cao cả đối với mỗi người phụ nữ. Tuy nhiên, đó cũng là một ký ức có thể gọi là "kinh hoàng" với nhiều người vì quá đau đớn và ám ảnh. Thế nên sau này mỗi khi có cơ hội là các mẹ đều ngồi kể lại như một niềm tự hào của bản thân, nhất là kể với con để cho con hiểu mình đã chào đời thế nào.

Chị Đinh Hiền (sống tại Hà Nội) cũng có tâm trạng như vậy. Mới đây chị chia sẻ câu chuyện của mình với con trai đầu là bé Tôm, năm nay 4 tuổi nhân lúc con trai không chịu ngủ. Tuy nhiên, sự lém lỉnh của cậu bé khiến mẹ Hiền nhận cái kết "đắng", còn mọi người thì không nhịn được cười.

Hào hứng kể "Bác sĩ lôi con từ trong bụng mẹ", tưởng con trai xúc động, ai ngờ hồn nhiên hỏi lại một câu rồi cho mẹ luôn cái kết "đắng" - Ảnh 1.

Chị Hiền chia sẻ câu chuyện của bé Tôm.

Mẹ: Con không ngủ là mẹ gọi chú công an nhé!

Con: Thế mẹ không yêu con à?

Mẹ: Mẹ có yêu chứ, con không biết mẹ sinh ra con đau như nào không? Bác sỹ dùng dao mổ bụng mẹ rồi lôi con từ trong bụng mẹ ra đấy! Mẹ đau, chảy nhiều máu lắm, sợ lắm! Sao mẹ không yêu con được?

Con: Sao mẹ lại ăn thịt con vào trong bụng???

Mẹ: Mẹ nuôi con trong bụng chứ sao lại ăn thịt con?

Con: Thế mẹ nuôi em Tít trong bụng mẹ đi! Con thích bố nuôi con trong bụng bố cơ.

Mẹ: Thế chiều về bảo bố nuôi trong bụng nhé, mẹ không nuôi con nữa. Mẹ nuôi mỗi em Tít thôi.

Con: ... lim dim ngủ.

Hào hứng kể "Bác sĩ lôi con từ trong bụng mẹ", tưởng con trai xúc động, ai ngờ hồn nhiên hỏi lại một câu rồi cho mẹ luôn cái kết "đắng" - Ảnh 2.

Hai anh em Tôm, Tít nhà chị Hiền.

Câu chuyện của chị Hiền khiến mọi người phải bật cười với sự hồn nhiên của cậu nhóc Tôm. Tưởng rằng sẽ được con nghẹn ngào, xúc động và thương mẹ hơn thì cậu bé lại giật mình tưởng mẹ "ăn thịt con vào trong bụng" và còn kén chọn phải ở trong bụng bố mới chịu.

"Sao mẹ lại ăn thịt con vào trong bụng?, câu hỏi hay quá đi Tôm ơi".

"Đúng là trẻ con, luôn hỏi những câu mà khiến các mẹ chỉ biết câm nín. Mẹ Hiền phải khéo léo trả lời cho em nhé".

Cũng giống như chị Hiền, hầu hết các bậc cha mẹ đều đã từng gặp phải câu hỏi như "Con sinh ra từ đâu?"; "Sao con trai lại khác con gái"; "Sao bố mẹ lại hôn nhau"... và quả thực việc giải đáp thỏa đáng thắc mắc ấy là điều không đơn giản. 

1. Trẻ ở độ tuổi nào hay hỏi?

Từ hơn 2 tuổi trở lên, trẻ đã bắt đầu quan sát và tò mò hỏi bố mẹ về thế giới xung quanh. Đôi khi những câu hỏi này khiến cho các cha mẹ bối rối bởi chính độ khó và vô tư của trẻ. 

Kể chuyện sinh con phải chịu đau đớn như thế nào, cuối cùng mẹ lại đứng hình trước câu hỏi của con - Ảnh 3.

2. Những chủ đề kích thích trí tò mò của trẻ nhiều nhất

Trẻ ít tuổi thì thường hay đặt các câu hỏi liên quan đến môi trường sống như: Tại sao cây lại màu xanh? Tại sao ông mặt trời lại đi ngủ?... và một số câu hỏi liên quan đến sự khác biệt giữa cơ thể con trai-con gái, người lớn-trẻ em.

Đây sẽ là cơ hội để bố mẹ dạy con kiến thức, kỹ năng sống và hướng dẫn trẻ quan sát. Bố mẹ có thể dạy con quan sát kỹ khi hỏi, cách trình bày câu hỏi ra sao để mọi người hiểu được ý của con.

3. Cha mẹ làm gì khi con hỏi?

Đôi khi con có những câu hỏi ngộ nghĩnh, hài hước nhưng cha mẹ đừng vội cười hoặc phê bình vì như thế khiến cho trẻ không dám hỏi, con sẽ nghĩ mình sai và dần mất đi sự tự tin. Cha mẹ cũng không nên gạt đi vì con sẽ có cảm giác bị bố mẹ bỏ rơi, mình hay hỏi vớ vẩn và sau này chúng không dám hỏi bất cứ điều gì nữa. Thay vì đó, nếu bận hoặc chưa biết câu trả lời thì bố mẹ có thể cùng con tìm hiểu hoặc nói bố mẹ sẽ trả lời con vào khi nào.

4. Khuyến khích tư duy và chính kiến cho con

Thông thường khi trẻ hỏi thì cha mẹ sẽ trả lời ngay. Đừng nên vội vàng như thế vì sẽ khiến trẻ thụ động. Gặp bất cứ vấn đề gì chúng sẵn sàng hỏi mà chưa cần suy nghĩ hay thử xem bản thân mình có giải quyết được không.

Khi trẻ hỏi bố mẹ hãy hỏi ngược lại "Nếu là con thì con sẽ làm như thế nào?" hay "Ý kiến của con thì sao?", "Con thấy nó thế nào?". Phải khuyến khích trẻ nghĩ và đưa ra quan điểm của bản thân mình kể cả sai rồi sau đó bố mẹ mới phân tích và đưa ra cho trẻ câu trả lời.

Chia sẻ