Karaoke loa kéo… đại náo khu dân cư

HUY THỊNH - VĂN MINH,
Chia sẻ

Ngày 11/7, kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khóa IX đã diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Giám đốc các sở Du lịch, Văn hóa và Thể thao (VHTT) với hàng loạt vấn đề nóng được các đại biểu đặt ra như Karaoke loa kéo đại náo khu dân cư; quảng cáo, rao vặt nhếch nhác, mất mỹ quan...

Theo đại biểu Nguyễn Văn Đạt, để hoạt động quảng cáo đi vào nề nếp, UBND TPHCM đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan chấn chỉnh. Tuy nhiên, tình trạng quảng cáo, rao vặt vẫn còn diễn ra phổ biến ở nhiều nơi, gây mất mỹ quan và bức xúc cho người dân.

Ông Đạt chất vấn: Sở VHTT có giải pháp gì để dẹp bỏ quảng cáo “trèo cây, leo cột”? Đại biểu Tăng Hữu Phong chất vấn: Ăn nhậu hát hò gây tiếng ồn, karaoke loa kéo đang là vấn nạn ở nhiều nơi. Cử tri rất bức xúc. Ủy ban MTTQ TPHCM cũng đã gửi yêu cầu đến kỳ họp. Sở VHTT có giải pháp nào để chấn chỉnh?

Giám đốc Sở VHTT Huỳnh Thanh Nhân thừa nhận quảng cáo, rao vặt đang là sự nhức nhối vì đã kéo dài nhiều năm. Xử lý vi phạm rất khó khăn vì không bắt được quả tang. “Tình hình quảng cáo cắt dán rất nhiều trên trụ điện, tường nhà, trên cây xanh... Bên cạnh việc tuyên truyền người dân không tiếp tay quảng cáo, rao vặt, các quận huyện cần chỉ đạo UBND, Công an phường, xã, tổ dân phố thường xuyên kiểm tra, xử lý”, ông Nhân khuyến cáo.

Trả lời chất vấn của một số đại biểu về số phận của tòa nhà hỏa xa, ông Huỳnh Thanh Nhân cho biết, đã làm việc với ngành đường sắt. Theo quy định, cơ sở vật chất của mặt bằng trên do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý, còn tòa nhà, kiến trúc do thành phố quản lý. “Ngành đường sắt muốn xây lại tòa nhà để phục vụ hoạt động kinh doanh ở phía Nam. TPHCM khẳng định sẽ tạo điều kiện. Tuy nhiên, đối với công trình kiến trúc là tòa nhà hỏa xa thì không được phép đập bỏ mà phải bảo tồn”, ông Nhân nhấn mạnh.

Theo Giám đốc Sở VHTT, trong năm 2020, sẽ trùng tu các công trình kiến trúc với tổng kinh phí khoảng 312 tỷ đồng. Sở đang rà soát 177 di tích đã được xếp hạng và 100 cơ sở đang xem xét công nhận di tích. Nhiều di tích đang xuống cấp và khó khăn lớn nhất là nguồn ngân sách đầu tư trung hạn Trung ương bố trí cho TPHCM giai đoạn 2021 - 2025 chưa được phê duyệt nên chưa có kinh phí trùng tu.

Về nạn karaoke loa kéo gây tiếng ồn, ông Huỳnh Thanh Nhân cho biết nhiều năm qua nhận được phản ánh của dân và đều cho thanh tra, phối hợp với các quận huyện xử lý. TPHCM có 2 đoàn kiểm tra liên ngành 814, trong đó lãnh đạo Sở VHTT là trưởng đoàn 1. Sở VHTT phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) xử lý về tiếng ồn vì theo Nghị định (NĐ) số 155 quy định xử lý vi phạm về môi trường thì Sở VHTT không có chức năng đo tiếng ồn. Còn theo NĐ 167, Công an TPHCM có trách nhiệm xử lý tiếng ồn nhưng mức phạt còn rất thấp.  Việc xử lý vi phạm, trách nhiệm thuộc Chủ tịch UBND và Trưởng Công an các phường, xã, thị trấn.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ nhận xét: Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM thông báo hát karaoke loa kéo phản ánh trong nhiều kỳ họp, đã xảy ra án mạng nhưng Giám đốc Sở VHTT nói trách nhiệm “chỉ có một khúc”. Giải trình lòng vòng tôi không biết ai chịu trách nhiệm?

Tham gia trả lời chất vấn, Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Toàn Thắng cho biết tiếng ồn phát sinh do người dân dùng micro, loa rời giải trí karaoke. Năm 2013, Chính phủ ban hành NĐ167 cho phép kiểm tra từ 22 giờ đêm đến 6 giờ sáng về tiếng ồn. Trong 6 tháng đầu năm, TPHCM đã xử lý hơn 40 vụ, mức phạt từ 100 - 300 nghìn đồng.

“Vấn đề Ủy ban MTTQ TPHCM đưa ra, chúng tôi đã tham mưu UBND TPHCM xử lý vi phạm về an ninh trật tự và tiếng ồn. Quan trọng là giải pháp sau khi chúng ta tiếp thu để hướng dẫn các địa phương xử lý”, ông Thắng cho biết.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM Tô Thị Bích Châu, Quy định xử lý tiếng ồn chưa hợp lý vì quy định khung giờ cấm (22 - 6 giờ sáng), trong khi karaoke hát suốt ngày. Vì vậy, HĐND TPHCM cần yêu cầu các địa phương đưa vào hương ước các khu dân cư để người dân thực hiện.

Bà Châu cho biết vấn nạn karaoke loa kéo đã được đưa ra nghị trường tại một số kỳ họp trước của HĐND TPHCM. Trong nhiều cuộc họp tổ dân phố, người dân bức xúc phản ánh về việc bị làm phiền khi hàng xóm tiệc tùng, mở nhạc lớn,... và cứ diễn ra liên tục gây bất hòa trong cộng đồng dẫn đến ẩu đả, thậm chí án mạng. Đơn cử như mới đây, vì nhắc nhở hàng xóm hát karaoke mở nhạc quá lớn mà án mạng đã xảy ra ở huyện Bình Chánh.

Theo Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ, xử lý vi phạm về tiếng ồn do hát karaoke loa kéo chưa có sự thống nhất. “Khi thì Phòng TNMT, khi thì công an. Chưa rõ trách nhiệm của cơ quan nào. Các đơn vị chức năng phải phân rõ trách nhiệm vì gây tiếng ồn ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng không chỉ karaoke mà còn có nhiều loại hình khác”, bà Lệ lưu ý.

Huy Thịnh - Văn Minh

Chia sẻ