Hơn 30% con cái đã lớn ở Mỹ nhận trợ giúp của cha mẹ do lạm phát
Do lạm phát, giá tiêu dùng tăng cao, gần 1/3 số người thuộc thế hệ thiên niên kỷ (Gen Y - sinh từ 1981 -1996) và Gen Z (sinh từ 1997 - 2012) trên 18 tuổi phải xin tiền bố mẹ, theo kết quả khảo sát 1.008 người Mỹ từ 18 tuổi trở lên mới được công bố.
Hơn 30% con cái đã lớn ở Mỹ nhận trợ giúp của bố mẹ do lạm phát - Ảnh: GETTY IMAGES
Trong khảo sát của trang web tài chính cá nhân Credit Karma, diễn ra từ ngày 26 đến 31-10, hơn một nửa số cha mẹ có con đã trưởng thành cho biết con họ đang sống với họ - một điều vốn không phổ biến trong văn hóa phương Tây.
48% phụ huynh cho biết họ trả tiền điện thoại di động, tiền trả góp mua xe hơi hoặc các hóa đơn hằng tháng khác cho con dù chúng đã trên 18 tuổi.
Gần một phần tư số phụ huynh cũng cho biết họ cho con cái đã lớn của mình một khoản tiền thường xuyên, trả một phần hoặc toàn bộ tiền thuê nhà hoặc cho con đồng sở hữu thẻ tín dụng để sử dụng.
Bà Courtney Alev, chuyên gia của Credit Karma, cho biết: "Từ việc trả hóa đơn điện thoại di động cho con vài tháng một lần, giờ đây số tiền hỗ trợ con cái đã trở thành một khoản chi lớn hơn nhiều với các bố mẹ".
Theo Đài CNBC, trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, số người Mỹ đã trưởng thành phải chuyển về sống cùng cha mẹ tăng lên mức cao nhất trong lịch sử.
Đa số cho biết họ chuyển về sống cùng cha mẹ vì điều này là cần thiết (để chăm sóc bố mẹ) hoặc để tiết kiệm tiền.
Các khoản nợ học phí đại học khổng lồ, chi phí sinh hoạt và giá thuê nhà tăng là nguyên nhân khiến những người trẻ mới bắt đầu cuộc sống riêng gặp khó khăn về tài chính và việc tiếp tục sống bên ngoài trở nên gian nan hơn.
Theo một báo cáo khác của Trung tâm nghiên cứu Pew dựa trên dữ liệu điều tra dân số Mỹ từ năm 1971 đến năm 2021, số lượng hộ gia đình có từ hai thế hệ đều đã trưởng thành trở lên tăng gấp 4 lần trong 5 thập kỷ qua, hiện chiếm 18% dân số Mỹ.
Ngày nay, có khoảng 25% người trẻ trưởng thành sống trong một gia đình đa thế hệ, tăng so với tỉ lệ 9% của 5 năm trước.
Trong hầu hết các trường hợp, những người 25-34 tuổi đang ở nhà của bố hoặc mẹ, hoặc nhà có cả bố và mẹ. Một số nhỏ hơn sống trong nhà riêng của mình và có cha mẹ hoặc người thân lớn tuổi khác ở cùng.
Theo Đài CNBC, không có gì ngạc nhiên khi cha mẹ lớn tuổi có nhiều khả năng chi trả hơn với hầu hết các chi phí sinh hoạt khi có hai hoặc nhiều thế hệ sống chung nhà.
Theo Pew, thu nhập của những người con trưởng thành từ 25-34 tuổi trong một gia đình nhiều thế hệ chỉ chiếm khoảng 22% tổng thu nhập của hộ gia đình.
Với các phụ huynh, việc hỗ trợ tài chính cho con cái đã trưởng thành có thể là một khoản chi lớn, xảy ra vào thời điểm mà an ninh tài chính của chính họ cũng gặp rủi ro.
Khi tỉ lệ lạm phát ở Mỹ leo lên mức cao nhất kể từ đầu những năm 1980, chi phí hỗ trợ con cái trưởng thành của các phụ huynh đã tăng mạnh.
Theo Credit Karma, 69% các bậc cha mẹ có hỗ trợ con cái trưởng thành cho biết việc này khiến họ bị căng thẳng về tài chính.
Bà Alev cho rằng cha mẹ cần lo cho mình trước khi cung cấp hỗ trợ tài chính cho con cái đã trưởng thành. Sau khi thu xếp ổn thỏa tài chính bản thân như có khoản tiết kiệm, trả xong nợ, có khoản hưu trí… thì bố mẹ hãy xem còn dư bao nhiêu tiền để giúp đỡ con cái.
Sự giúp đỡ này cũng cần có giới hạn. Chẳng hạn, các bố mẹ chỉ giúp trong một khoảng thời gian cụ thể để con vượt qua khó khăn tạm thời, chứ không giúp vô thời hạn.