Học xác suất, thống kê từ lớp 2: Khó cho giáo viên

NGUYỄN HÀ,
Chia sẻ

Thông tin môn Toán chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh sẽ học xác suất, thống kê liên tục từ lớp 2 đến lớp 12 khiến nhiều phụ huynh lo con chịu nhiều áp lực. Trong khi đó, giáo viên cho rằng sẽ gặp khó khăn, buộc phải nỗ lực lớn mới đáp ứng được.

Rèn tư duy

PGS.TS Ngô Hoàng Long (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho hay: Trước đây, nội dung thống kê được dạy một số tiết ở lớp 4, lớp 5 và lên THCS học sinh được học ở lớp 7, lớp 10 và xác suất chỉ xuất hiện ở lớp 11. Tuy nhiên, trong chương trình mới, thống kê, xác suất trở thành 1 trong 3 mảng kiến thức quan trọng, học sinh học liên tục  từ lớp 2 đến hết lớp 12 nhằm rèn kỹ năng tư duy để vận dụng xử lý thông tin, giúp học sinh có nhận thức và khả năng đưa ra những quyết định đúng đắn hơn.

Cụ thể ở lớp 2, học sinh sẽ bắt đầu làm quen với những khái niệm đơn giản và dần dần được nâng lên các cấp cao hơn.

Về xác suất, học sinh làm quen với phép thử và yêu cầu các em nhận thức được kết quả của những phép thử đơn giản. Ví dụ biết khi nào một kết quả của phép thử có thể hoặc không thể xảy ra học sinh sẽ trả lời được là “không”. Tức là các em được làm quen với hiện tượng không xảy ra.

Với thống kê, ở lớp 2 học sinh làm quen với biểu đồ tranh với những thao tác kiểm đếm rất đơn giản. Thời lượng của mạch kiến thức thống kê và xác suất tương đối cao trong chương trình mới và tăng dần theo từng khối lớp. Ở cấp tiểu học, nội dung này chiếm khoảng 3% tổng thời lượng chương trình môn Toán, đến cấp THPT chiếm khoảng 17-18%.

Vấn đề đặt ra là chương trình hiện hành được đánh giá là quá nặng so với học sinh. Phụ huynh đang kỳ vọng, trong chương trình mới sẽ thực sự được giảm tải cả nội dung học lẫn kiểm tra, đánh giá. Vì vậy, trên các diễn đàn mạng, phụ huynh bày tỏ nhiều ý kiến, trong đó nhiều người bày tỏ sự lo lắng cho rằng đây là môn học khó, học sinh sẽ phải gồng gánh khi còn quá nhỏ.

Tuy nhiên, có phụ huynh khi cho con tham gia ngày hội Toán học mới đây cho rằng: “Chúng ta nghĩ xác suất, thống kê khó vì hầu hết mọi người học nó hoàn toàn lý thuyết hàn lâm với những con số, công thức khô cứng còn dạy cho học sinh sẽ được biến hóa thành những trò chơi gần gũi sẽ không khó với các con”.

Còn băn khoăn

Cô V.T.M, giáo viên Trường tiểu học Nam Trung Yên, Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, đưa vào từ lớp 2 là khá nặng so với học sinh kể cả những câu đơn giản như tung mặt xúc xắc. Đương nhiên, tùy vào nhận thức, năng lực của từng học sinh sẽ tiếp nhận nhanh chậm khác nhau, giáo viên sẽ rất vất vả. “Như hiện nay, học sinh quá đông, có những nội dung, giáo viên giải thích, lấy 3-4 ví dụ các em mới tiếp nhận được. Nội dung, kiến thức ở chương trình hiện hành đã nặng rồi vì vậy chỉ mong chương trình mới được giảm tải”, cô M nói.

Trong khi đó, cô Ngọc Huệ, giáo viên dạy Toán Trường THPT Đông Anh (Hà Nội) cho rằng, xác suất, thống kê trong toán học có tính ứng dụng cao nên đưa vào dạy học sớm trong chương trình mới là cần thiết. Tuy nhiên, điều cô băn khoăn là đội ngũ giáo viên nhiều tuổi, từ phổ thông cũng không được học nội dung này, vào ĐH có được học nhưng không nhiều vì thế họ sẽ gặp khó khăn để đáp ứng.

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán, Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) khẳng định, nhiều nước đưa vào rất sớm từ tiểu học, riêng Việt Nam đưa nội dung này vào dạy học hơi muộn so với thế giới.

Thầy Tùng cho rằng chương trình sắp xếp theo mô hình đồng tâm, mỗi năm nâng độ khó lên một chút, được bắt đầu bên trong đi ra và nâng dần lên nên sẽ không khó với học sinh.

Tuy nhiên, thầy Tùng cũng thừa nhận, cái khó chính là khía cạnh giáo viên. "Lần đổi mới này đặt gánh nặng lên vai giáo viên rất lớn, nếu ai không nỗ lực tự đổi mới sẽ bị đào thải”, thầy Tùng nói.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho hay: Nhìn vào bài học được thiết kế ở mức độ nội dung sẽ thấy học sinh có khả năng học và giáo viên tổ chức dạy học thế nào. Nội dung dạy học phải được thiết kế từng bước từ dưới lên trên.

Theo kế hoạch, giáo viên cũng sẽ được bồi dưỡng những nội dung mới so với chương trình hiện hành và phương pháp đổi mới dạy học cũng như được phân tích cụ thể từng cái mới và có cả những bài học minh họa.

PGS.TS Long cho rằng, đưa nội xác suất, thống kê vào dạy học từ lớp 2, cái khó không nằm ở phía học sinh mà ở phía các giáo viên. "Thầy cô cần nâng cao trình độ, nhận thức được đúng đắn nội dung của xác suất, thống kê để truyền đạt cho học sinh không bị sai. Có những khái niệm nếu bị truyền đạt sai thì lên các cấp học cao hơn, học sinh sẽ rất khó sửa", ông nói.

Chia sẻ