Học sinh đánh nhau sẽ không còn bị "đuổi học"?

Yến Anh,
Chia sẻ

Theo dự thảo quy định mới của Bộ GD-ĐT, học sinh đánh nhau, vi phạm kỷ luật có thể không bị "đuổi học" mà sẽ "tạm dừng học tập trên lớp".

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố dự thảo thông tư mới quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh phổ thông để lấy ý kiến rộng rãi. Thông tư này dự kiến thay thế Thông tư 08/TT của Bộ này ban hành từ năm 1988.

Theo đó, thay vì phê bình học sinh trước lớp, trước trường khi mắc lỗi, dự thảo thông tư mới yêu cầu không sử dụng các hình thức phê bình, kỷ luật, xử phạt mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của học sinh, đồng thời đưa ra các biện pháp được coi là "kỷ luật tích cực" với từng học sinh.

Học sinh đánh nhau sẽ không còn bị đuổi học? - Ảnh 1.

Dự kiến học sinh đánh nhau sẽ không còn bị đuổi học mà chỉ "tạm dừng học tập trên lớp".

Giáo viên và nhà trường có thể lựa chọn áp dụng một số biện pháp dưới đây để giáo dục kỷ luật hoạt động phù hợp với từng học sinh như khuyên bảo, động viên, nhắc nhở riêng tư đối với học sinh khuyết điểm. Có thể phối hợp với cha mẹ hoặc người giám sát hợp pháp học sinh để cùng thực hiện kế hoạch giáo dục, hỗ trợ học sinh sửa chữa khuyết điểm hay tổ chức tư vấn tâm lý cho học sinh khuyết điểm đang gặp khó khăn trong tâm lý.

Trong một số trường hợp, giáo viên có thể yêu cầu học sinh thực hiện một số nhiệm vụ học tập và rèn luyện đã được học sinh thỏa thuận, cam kết thực hiện theo nội quy của nhà trường như hoàn thành bài thiếu sót, viết lại bài cần học thuộc, viết lại quy ước của lớp học, nội quy, quy định của nhà trường và các quy định khác của pháp luật liên quan đến khuyết điểm của học sinh. Viết cảm nhận, kiểm điểm về sự việc xảy ra, nguyên nhân, hậu quả của hành vi vi phạm và hướng dẫn sửa chữa. Sưu tầm, tìm hiểu sách, tài liệu, phim ảnh hoặc câu chuyện thực tế đã được trải nghiệm, có nội dung liên quan đến khuyết điểm của học sinh, sau đó trình bày suy nghĩ, cảm nhận về nội dung và bài học rút ra cho bản thân. Thực hiện nhiệm vụ lao động phù hợp, vừa sức như: Trực nhật, vệ sinh lớp học, trường học, dọn dẹp thư viện, trồng hoặc thiết lập cây xanh trong trường. Tham gia hỗ trợ hoạt động, giúp đỡ học sinh khác có hoàn cảnh gia đình khó khăn để cùng tiến bộ.

Cũng theo quy định mới, mức kỷ luật cao nhất áp dụng trong nhà trường là "tạm dừng học tập trên lớp", thay thế cho "đuổi học" trong quy định hiện hành.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của học sinh, căn cứ đề xuất của hội đồng kỷ luật học sinh của nhà trường, hiệu trưởng nhà trường xem xét, quyết định thời hạn tạm dừng học tập trên lớp đối với học sinh tối đa là 2 tuần lễ để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng đối với học sinh vi phạm.

Việc "tạm dừng học tập" áp dụng đối với những trường hợp học sinh đã bị kỷ luật cảnh cáo nhưng không sửa chữa, tái phạm hoặc vi phạm thêm những khuyết điểm khác trong khoảng thời gian 1 học kỳ.

Những học sinh vi phạm lần đầu nhưng ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng như: Đánh nhau có tổ chức, sử dụng hung khí, vũ khí gây thương tích nặng cho người khác; xâm phạm nhân phẩm, thân thể của giáo viên, cán bộ, nhân viên, học sinh khác của nhà trường hoặc có những hành vi vi phạm khác có tính chất và mức độ tác hại tương đương nhưng chưa đến mức bị các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật cũng phải chịu mức kỷ luật này.

Hết thời hạn tạm dừng học tập trên lớp, học sinh phải giải trình về kết quả rèn luyện của bản thân trong thời gian bị kỷ luật và đề xuất kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện của bản thân trong thời gian tới, có xác nhận và cam kết của gia đình học sinh. Hiệu trưởng nhà trường xem xét và quyết định cho học sinh tiếp tục học tập trên lớp.

Trong trường hợp học sinh chưa có biểu hiện tiến bộ, không thực hiện đầy đủ các biện pháp giáo dục của nhà trường và gia đình, thì hiệu trưởng nhà trường họp hội đồng kỷ luật để xem xét, tiếp tục áp dụng hình thức kỷ luật tạm dừng học tập trên lớp lần tiếp theo.

Chia sẻ