Hóa ra bí mật giúp con luyện viết vở sạch chữ đẹp lại nằm ở các trò chơi nặn đất, vẽ tranh, xếp hình

Hà Chu,
Chia sẻ

Não phải trẻ phát triển mạnh mẽ nhất ở giai đoạn 0-12 tuổi. Mẹ có thể kết hợp ưu thế này trong quá trình dạy con viết chữ hàng ngày.

Hóa ra bí mật giúp con luyện viết vở sạch chữ đẹp lại nằm ở các trò chơi nặn đất, vẽ tranh, xếp hình - Ảnh 1.

1. Tại sao kỹ năng viết tay lại quan trọng trong thời đại số?

Khi bé lên 5 lên 6, nhiều bậc phụ huynh đã bắt đầu rục rịch hỏi nhau: "Làm sao dạy con viết chữ đẹp?", "Có nên cho con luyện viết chữ sớm?" hay "Thầy cô nào luyện viết chữ cho con?". Ý kiến khác lại cho rằng sớm hay muộn thì cũng sử dụng máy tính ở nhà, ở trường, trong công việc sau này nên việc dạy con luyện viết chữ đẹp, uốn nắn từng li từng tí là không cần thiết. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại, ngoài vai trò làm bài tập, bài kiểm tra, viết luận văn thì nếu trẻ sớm làm quen với kỹ năng này một cách thoải mái sẽ mang lại vô vàn lợi ích.

Có quan điểm cho rằng xu hướng gõ chữ qua laptop máy tính thực chất là để chép lại bài giảng của giáo viên cho đúng nguyên văn hơn chứ hoàn toàn không phải là xử lý thông tin và đúc kết lại thành của mình. Cách làm này gây bất lợi cho quá trình học tập.

Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Psychology Today (2017) về sự phát triển của não bộ qua chữ viết đã chỉ ra rằng: Khi viết, ngoài việc kiểm soát các cơ ngón tay, con người sẽ tập trung nghĩ về việc mình đang làm và sẽ làm như thế nào. Những bức họa đồ cũng cho thấy có những phần não bộ được kích hoạt mạnh mẽ lúc viết tay trong khi gõ máy thì không hề xảy ra. Thí nghiệm cũng chỉ ra rằng người viết tay thường xuyên khi chuyển sang gõ phím sẽ tư duy nhanh hơn, sáng tạo hơn và số lượng chữ sản xuất cũng nhanh và nhiều hơn.

Nhà trị liệu tâm lý nổi tiếng Deborah Spear (Great Fall, Mỹ) cũng đồng ý về sự kỳ diệu của chữ viết trong việc tăng cường khả năng hấp thụ thông tin đối với những người mắc chứng khó đọc. Hay luyện tập ghi chép thường xuyên cũng giúp tăng cường trí nhớ, làm chậm tiến trình lão hóa bộ não. Và còn một điều đặc biệt nữa là chữ viết tay dù là những nét nghệch ngoạc nhưng chứa đựng ký ức buồn vui, giận hờn mà thư điện tử không thể truyền tải trọn vẹn như vậy được.

Hóa ra bí mật giúp con luyện viết vở sạch chữ đẹp lại nằm ở các trò chơi nặn đất, vẽ tranh, xếp hình - Ảnh 2.

2. Tìm hiểu về quá trình học viết chữ của trẻ nhỏ

Trước khi bắt đầu dạy con viết chữ đẹp, cha mẹ cần quan sát thêm sự phát triển của trẻ có đủ những điều kiện như sau không:

- Cơ xương tay có cứng cáp không?

- Sức tập trung và khả năng ghi nhớ có tốt không?

- Khả năng dùng ngôn ngữ theo độ tuổi có thuần thục không?

Nếu chưa đáp ứng được các yếu tố trên thì cha mẹ nên cho con phát huy những môn năng khiếu như múa hát, kể chuyện, vẽ tranh trước. Vì bán cầu phải trẻ con ở độ tuổi này phát triển rất mạnh mẽ và cần được mở rộng bối cảnh sống thay vì gò bó học cách cầm bút, chỉnh tư thế ngồi. Cha mẹ có thể dành 20-30 phút mỗi ngày để dạy con viết chữ động viên trẻ coi đó như một thú vui giải trí. Cách dạy con luyện viết chữ có thể bắt đầu bằng tô tranh theo hướng dẫn, rồi chuyển sang tô chữ và viết chữ.

Hóa ra bí mật giúp con luyện viết vở sạch chữ đẹp lại nằm ở các trò chơi nặn đất, vẽ tranh, xếp hình - Ảnh 3.

3. Khởi đầu của chữ viết đẹp chính là say mê vẽ tranh

Đây là bước đầu tiên giúp trẻ rèn luyện tính kiên nhẫn, nắn nót tỉ mỉ, cách cầm bút và kiểm tra về thế giới quan của con hiện đang được mở rộng, phát triển như thế nào. Cha mẹ cần:

- Chuẩn bị bút màu, bút sáp, phấn, giấy trắng, sách tô tranh. Tránh dùng bút dạ vì trẻ khó giữ được loại này.

- Khuyến khích trẻ vẽ bất cứ điều gì chúng thích và có thể bắt chước làm mẫu, vẽ cùng con. Đầu tiên, mẹ cho trẻ dùng phấn màu, bút sáp tô tranh cho tới khi ngón tay đủ cứng cáp để giữ được bút chì. Từ những đường nét nghệch ngoạc, mẹ cùng con sáng tạo một câu chuyện hấp dẫn chẳng hạn như: "Con đang vẽ cái cây (thực ra là một nét thẳng) trước nhà phải không? Thế bông hoa trên đó đâu nào?". Tiếp đến, mẹ cầm tay hướng dẫn trẻ vẽ những hình tròn ngược chiều kim đồng hồ. Các sản phẩm hoàn thiện được treo lên tường, trong phòng, trên tủ lạnh sẽ khiến trẻ phấn khích và thấy tự hào.

Hóa ra bí mật giúp con luyện viết vở sạch chữ đẹp lại nằm ở các trò chơi nặn đất, vẽ tranh, xếp hình - Ảnh 4.

4. Giúp con học thuộc bảng chữ cái

Với cách bắt đầu như trên, trẻ sẽ rất thích thú vì vừa phát triển não phải, vừa bắt đầu những nét chữ thẳng tròn đầu tiên. Và bước tiếp theo trong hành trình dạy con viết chữ đẹp trước khi vào lớp 1 chính là học thuộc bảng chữ cái.

- Mẹ không nên vội vàng uốn nắn trẻ luyện viết chữ theo mẫu sẵn mà có thể bắt đầu nhớ mặt chữ cái qua các trò chơi. Chẳng hạn như hướng dẫn bé nặn đất sét đè lên chữ viết, lấy các vật dụng quen thuộc như tăm, đũa, dây giày, đồ chơi để xếp hình chữ cái hay đổ cát sạch lên khay và cho trẻ tập viết chữ ngay trên đó.

- Ở bước này, trẻ không nhất thiết phải viết đúng theo thứ tự bảng chữ cái mà nên thực hành từ dễ (nét thẳng, ngang, dọc, xiên) cho tới khó (nét cong, tròn) và bắt đầu bằng chữ in hoa trước.

- Những chữ cái đầu tiên nên là tên của bé. Ban đầu, mẹ hướng dẫn cầm tay trẻ đổ màu theo nét chữ trong sách và đọc lại thành tiếng nhiều lần để con nhớ lâu. Để con không chán, mẹ cho trẻ viết và vẽ lên nhiều chất liệu khác nhau như giấy, cát, bột nặn.

5. Dấu hiệu khó khăn trong quá trình dạy con viết chữ đẹp

Trẻ viết chậm hay vẽ nhòe ra ngoài quá nhiều. Nguyên nhân có thể đến từ cơ ngón tay chưa vững chắc. Mẹ hỗ trợ bằng cách cho con nghịch thêm những món đồ chơi lắp ráp, cầm nắm, sắp xếp hàng ngày.

Trẻ mất dần sự hứng thú và hay bỏ cuộc giữa chừng. Nguyên nhân có thể đến từ sự tư ti không bằng các bạn xung quanh. Ngay từ ban đầu, mẹ nên thường xuyên khích lệ trẻ dù chỉ là một tiến bộ nhỏ nhoi.

Trẻ viết tay trái hay có cách cầm bút khác lạ. Mẹ giữ tay trẻ nhẹ nhàng, không quá chặt trong quá trình đưa nét viết.

Trẻ không nghe theo sự hưỡng dẫn của bạn trong lúc luyện viết. Điều này có nghĩa là con đang chưa rèn được sự tập trung chú ý. Mẹ cần thay đổi bằng những giáo cụ sống động hơn.

Trẻ viết lộn xộn, lệch dòng, không đủ nét, khoảng cách chữ thất thường, chữ to nhỏ không đều. Mẹ không nên mắng mỏ, bắt ép trẻ vào khuôn khổ mà từ từ động viên từng chút một.

Hóa ra bí mật giúp con luyện viết vở sạch chữ đẹp lại nằm ở các trò chơi nặn đất, vẽ tranh, xếp hình - Ảnh 5.

6. Dạy con viết chữ ở độ tuổi tới trường

Ở cấp 1, thường trẻ sẽ thành thục các kỹ năng cơ bản như cách nhận diện chữ viết, đánh vần từ hay dùng, viết chữ cái, ước lượng đúng khoảng cách chữ cái và viết câu đơn giản. Trong thời gian này, trẻ rất cần sự hỗ trợ, ủng hộ, khuyến khích sát sao của cha mẹ như:

- Viết mờ chữ cái và hướng dẫn con tô lại bắt đầu từ điểm nào. Mẹ làm mẫu hướng dẫn trẻ cách cầm bút bằng 3 ngón. Ngón cái, ngón trỏ giữ chặt thân và dùng ngón giữa để đỡ bút. Các đầu ngón tay cách ngòi bút một khoảng 2,5 cm. Nghiêng bút sang phải theo góc 60 độ chứ không dựng ngược thẳng đứng 90 độ. 

- Chuẩn bị chỗ ngồi tập viết chữ lớp 1 thật tốt như bàn ghế chắc chắn, cao vừa tầm vừa chỉnh tư thế ngồi, vừa tạo nề nếp học tập cho trẻ ngay từ đầu. Mẹ kê bàn ở vị trí đầy đủ ánh sáng, để ghế ngồi sao cho trẻ không chạm hẳn ngực vào bàn, tựa thẳng lưng, chân dang rộng bằng vai nhằm để trọng lượng tập trung vào đùi, hông, tay để thoải mái không vướng đồ đạc.

- Đôi lúc trong quá trình dạy con viết chữ đẹp, mẹ cần khuyến khích trẻ viết chậm lại, tô nét từ từ, cẩn thận hơn nhằm mục đích ghi nhớ những ký tự đã học. Vở tập viết nên dùng loại có ô ly để con đưa nét đúng theo đường thẳng và không ngừng làm phong phú vốn từ vựng thông qua những trò chơi ngoại khóa có tương tác đồ vật.

- Tận dụng cơ hội để giúp con ôn lại bài như nhờ trẻ viết thiệp sinh nhật, viết thư cho ông bà. Mẹ không nên tạo áp lực cho con vì não trẻ ở giai đoạn này phát triển chỉ đủ cho sức tập trung ngắn hạn. Hay cũng đừng mất kiên nhẫn khi dạy con viết chữ mãi mà không thành. Biết đâu, mẹ bỏ quên quá trình dạy trẻ nắm chắc nét cơ bản (nét thẳng, xiên, móc, cong) và nhảy cóc sang viết chữ luôn.

Nguồn: Tổng hợp

Chia sẻ