Làm việc này khi bị ho, người phụ nữ rơi vào hôn mê, suýt mất mạng nếu cấp cứu muộn 5 phút

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Không tuân thủ phác đồ điều trị mà bác sĩ lên, nữ công nhân tự mua thuốc ở ngoài và lạm dụng thuốc xịt phế quản nhanh. Hậu quả là khi bệnh tái phát, cô lâm dần vào hôn mê và ngưng thở, ngưng tim, tình trạng vô cùng nguy kịch.

Ít ngày trước, Bệnh viện (BV) Hoàn Mỹ Vạn Phúc 2 (TX Thuận An, tỉnh Bình Dương) tiếp nhận chị Đỗ Thị N. (31 tuổi, ngụ tại phường Bình Chuẩn, TX Thuận An) trong tình trạng hôn mê, khó thở, nhịp thở chậm, da niêm mạc tím tái rất nguy cấp.

Bệnh nhân có tiền sử bị hen phế quản và đã đi khám bệnh này tháng 11/2017. Thời điểm đó, bác sĩ chuyên môn đã lên phác đồ điều trị nhưng người bệnh không tuân thủ. Chị N. không tái khám định kỳ mà tự mua thuốc ở ngoài, lạm dụng thuốc xịt giãn phế quản nhanh.

Đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bệnh sử thay đổi, chuyển biến nặng mà không hay biết.

Làm việc này khi bị ho, người phụ nữ rơi vào hôn mê, suýt mất mạng nếu cấp cứu muộn 5 phút - Ảnh 1.

Chị N. bị hen suyễn nhưng không tuân thủ phác đồ điều trị. Chỉ cần cấp cứu chậm 5 phút thôi, bệnh nhân có thể mất mạng.

Cách 2 ngày nhập viện, chị N. có triệu chứng ho nhiều, khò khè nên đã tự ý mua thuốc về tự điều trị tại nhà. Sau đó khi đang làm ở công ty, bệnh nhân cảm thấy khó thở, mệt lả, mọi người xung quanh gọi hỏi không trả lời được.

Thời điểm vào cấp cứu, qua thăm khám ekip bác sĩ khoa Hồi sức tích cực nhận thấy người bệnh hôn mê, đồng tử 3cm hai bên, phản xạ ánh sáng dương tính, giảm âm phế bào hoàn toàn, tim chậm dần.

Xác định đây là trường hợp khó thở nặng dẫn đến ngưng thở - ngưng tim và nguy cơ dễ dẫn đến tử vong, nhân viên y tế tại đây đã kích hoạt báo động "Code Blue"- cấp cứu ngưng tim - ngưng thở toàn viện để cứu người bệnh qua cơn nguy kịch.

Các bác sĩ, điều dưỡng và thành viên của đội Code Blue đã có mặt tại khu vực Cấp cứu, gấp rút thực hiện hồi sức tích cực ngay để hạn chế tình trạng chết não do thiếu oxy.

Chị N. được đặt nội khí quản, hỗ trợ oxy và chỉ định dùng thuốc giãn phế quản. Sau 20 phút hồi sức tích cực, bệnh nhân có phản xạ ho, vật vã, da niêm hồng, bắt đầu nhận thức được. 1 giờ sau khi nhập viện, nữ công nhân đã thở êm, được rút nội khí quản và sức khỏe ổn dần.

Với sự nỗ lực hết mình của ê-kíp bác sĩ khoa Cấp cứu và đội Code Blue tại đây, bệnh nhân đã thoát chết trong gang tấc.

Làm việc này khi bị ho, người phụ nữ rơi vào hôn mê, suýt mất mạng nếu cấp cứu muộn 5 phút - Ảnh 2.

Bệnh hen suyễn có thể làm tăng nguy cơ đột tử.

Bác sĩ Phạm Dũng, khoa Hồi sức tích cực chia sẻ, với trường hợp N., chậm trễ chỉ 5 phút thôi thì nguy cơ tử vong rất cao. Thời điểm này mưa nhiều, thời tiết hay thay đổi thất thường nên gia tăng nguy cơ của bệnh về hô hấp, nhất là bệnh hen suyễn.

Do đó, người bệnh lưu ý cần chủ động đến bệnh viện khám định kỳ tại chuyên khoa hô hấp theo hẹn, tuyệt đối không nên bỏ tái khám. Khi có cơn khó thở, không đáp ứng thuốc xịt giãn phế quản cũng cần nhập viện ngay.

"Bệnh nhân cần tuần thủ theo hướng dẫn bác sĩ điều trị và sử dụng thuốc đầy đủ theo toa để giảm thiểu tình trạng khó thở, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và đặc biệt, hạn chế xảy ra tình trạng lên cơn hen suyễn nặng, đột xuất mà không xử lý kịp thời dễ dẫn đến tử vong" - bác sĩ cảnh báo.

Ngoài ra, bác sĩ cũng hướng dẫn người dân nếu gặp những trường hợp này nên sơ cứu người bệnh bằng cách cho bệnh nhân ở nơi thoáng mát, cởi bớt áo cho cơ thể thông thoáng, sử dụng thuốc xịt giãn phế quản của người bệnh nếu có thể trước khi chuyển người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

Hen suyễn là căn bệnh về đường hô hấp khá phổ biến, gây ra sự tăng phản ứng của đường thở, sản sinh chất nhầy và niêm mạc dẫn đến tắc nghẽn luồng không khí đảo ngược.

Khi người bị bệnh tiếp xúc với các tác nhân kích thích tức thời với co thắt phế quản sẽ xảy ra những cơn biểu hiện hen suyễn như ho, khó thở, thở khò khè và tăng sản sinh chất nhầy.

Bệnh có thể biến chứng sang những tình trạng nguy hiểm như tràn khí màng phổi, tổn thương não, suy hô hấp. Hen suyễn nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ làm tăng nguy cơ gây đột tử cho bệnh nhân.

Chia sẻ