Hermes coi thị trường bán lại là mối đe dọa

Phương Kim,
Chia sẻ

Hermes nói thị trường bán lại là mối đe dọa, có nguy cơ thúc đẩy sự tăng giá.

Không giống như Kering, công ty đầu tư vào đại lý bán lẻ Vestiaire Collective và bán một số nhãn hàng của mình trên thị trường đồ cũ, Hermes lại coi thị trường thứ cấp là mối đe dọa, nói rằng nó có nguy cơ thúc đẩy sự tăng giá.

“Điều đó sẽ gây bất lợi và cản trở khách hàng thường xuyên của chúng tôi đến cửa hàng”, Axel Dumas, người điều hành Hermes cho biết sau khi kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2022 có sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Các thương hiệu xa xỉ có truyền thống không mặn mà với đại lý bán đồ cũ, nhưng sự quan tâm ngày càng mạnh mẽ đối với thời trang đã qua sử dụng từ những người mua sắm trẻ tuổi, có ý thức về môi trường đã khiến một số cái tên phải xem xét lại.

Hermes coi thị trường bán lại là mối đe dọa - Ảnh 1.

Hermes không quan tâm đến thị trường đồ cũ. Ảnh: Hermes

Hermes nổi tiếng trong ngành về việc quản lý sản xuất và dự trữ, điều này đã giúp duy trì sự độc quyền của hãng. Thương hiệu có sự giới hạn đầu ra do đó nhu cầu luôn lớn hơn nguồn cung. Mẫu túi Birkin được khao khát nhất trị giá 10.000 USD có hàng dài danh sách khách hàng chờ và đôi khi còn có giá cao nhiều lần so với giá bán ban đầu ở các cửa hàng Hermes chính hãng.

Tình trạng cầu cao hơn cung đã xảy ra trong vòng nhiều năm nhưng Hermes nói sẽ không sản xuất nhiều hơn nếu điều đó làm ảnh hưởng đến chất lượng. Công ty chỉ giới hạn tăng trưởng sản xuất đồ da từ 6 đến 7 % hàng năm, 5 xưởng da mới ở Pháp sẽ đi vào hoạt động trong năm tới. Thông thường, phải mất 15 giờ để thợ thủ công có thể hoàn thiện một chiếc túi Birkin.

Đối thủ lớn nhất của Hermes là LVMH cũng cho biết họ không có ý định tham gia vào thị trường đồ cũ và nhấn mạnh nỗ lực cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo trì cho các sản phẩm của mình.

Theo Fashion Network, doanh số quý II của Hermes tăng 27%, doanh số 6 tháng đầu 2022 tăng 29% trong khi lợi nhuận ròng tăng 40% lên 1,63 tỷ USD tương đương 30% doanh thu.

Hermes coi thị trường bán lại là mối đe dọa - Ảnh 2.

Sản phẩm trong bộ sưu tập xuân hè 2022 của Hermes. Ảnh: Hermes


Hermes cũng cho biết doanh số bán hàng quý II ở châu Á tăng 15%, được thúc đẩy bởi mức độ hoạt động cao ở 4 quốc gia bao gồm Singapore, Úc, Hàn Quốc. Doanh thu ở Nhật Bản tăng 20% nhờ vào lương khách hàng trung thành. Ở Mỹ, hoạt động bán hàng tăng 34% nhờ sự xuất hiện của các cửa hàng mới. Riêng doanh thu ở Pháp tăng 41%.


Thời trang may sẵn và phụ kiện có mức tăng trưởng 36%. Mảng kinh doanh tơ lụa tăng 29% trong khi nước hoa và mỹ phẩm tăng 23% nhờ ra mắt sản phẩm mới. Mảng đồng hồ chứng kiến sự tăng trưởng vượt trội lên đến 55%.


Nửa cuối năm 2022, Hermes cho biết những tác động của dịch bệnh vẫn còn khó đánh giá nhưng thương hiệu đang cảm thấy rất tự tin.

Chia sẻ