Tiến sĩ tâm lý Đinh Phương Duy

Hậu trăng mật: Khi mật không còn ngọt

,
Chia sẻ

Những rắc rối thường gặp sau thời kỳ hậu trăng mật là gì? Có thể chỉ chúng tôi vài chiêu để đối phó hiệu quả với những rắc rối này?

Một số lăn tăn của các đôi uyên ương trước ngày cưới với sự giải đáp hóm hỉnh của tiến sĩ tâm lý Đinh Phương Duy.

1. Tôi sẽ ở nhà chồng. Buổi sáng đầu tiên làm vợ, tôi có phải xuống bếp làm điểm tâm và quét dọn nhà cửa để đúng phận làm dâu?

- Điều này tùy thuộc vào điều kiện gia đình, tính cách của mẹ chồng, thói quen của gia đình chồng, vào “giá trị” của cô dâu và còn tùy thuộc vào “quyền uy” của chồng mình nữa. Làm dâu không phải cứ nấu ăn, quét dọn nhà cửa. Nhưng nếu có thể, đó cũng là cách thức “lấy điểm” hay nhất rồi sau đó... quên cũng được.
 

2. Nếu có một xung đột giữa vợ và mẹ chồng, chồng phải làm sao để được lòng vợ mà cũng đẹp lòng mẹ?

- Thì phải cố gắng “nịnh” cả hai chứ sao! Việc nịnh như thế nào tùy thuộc tài năng của chồng và các đặc điểm chủ quan của mẹ cũng như vợ.

3. Những rắc rối thường gặp sau thời kỳ hậu trăng mật là gì? Có thể chỉ chúng tôi vài chiêu để đối phó hiệu quả với những rắc rối này?

- Thời kỳ hậu trăng mật có thể có một số rắc rối sau khi mật đã... cạn hoặc không còn ngọt như thuở mới cưới. Tính cách và các khiếm khuyết của hai người sẽ được bộc lộ hoàn toàn vì “đâu còn gì để giấu” nên có thể làm người kia thất vọng. Những rắc rối có thể xuất phát từ các thói quen của mỗi người, từ việc không thống nhất cách thức kiếm tiền và giữ tiền, từ các mối quan hệ với gia đình hai bên, từ chuyện ăn chuyện ngủ, từ... mọi thứ trên đời.
 
Có thể khi bức màn nhung đã được gỡ xuống thì hai người phải đối diện với “sự thật phũ phàng” nên nếu không khéo sẽ có cảm giác chịu đựng lẫn nhau. Để đối phó với các rắc rối có thể xảy ra này, trước tiên cần tiếp tục... lãng mạn như thời trăng mật, nếu khó quá thì cố gắng thích ứng để... sống chung với lũ!

4. Hóa giải những sở thích trái ngược nhau trong cuộc sống chung như thế nào? Có phải một người phải chịu hi sinh thì mới mong không xảy ra mâu thuẫn gia đình?

- Nếu cứ mãi hi sinh để rồi chịu đựng thì sẽ có ngày vỡ bờ vì tức nước. Hãy nói ra điều mình muốn, bộc lộ cảm xúc để được chia sẻ và nhận được sự hợp tác bảo toàn hạnh phúc. Điều quan trọng là mỗi người phải có thiện chí với nhau và “chín bỏ làm mười”.

5. Chồng tương lai muốn có con ngay sau khi cưới nhưng tôi chưa muốn vì còn phải học thêm để thăng tiến. Điều này có sai không?

- Điều này không sai nhưng có thể gây căng thẳng. Cần thẳng thắn và tình cảm trao đổi với “người ta” về kế hoạch của hai người để được chia sẻ và thống nhất... lộ trình.

6. Tôi phải thực hiện việc “làm chủ gia đình” bằng những hành động cụ thể gì ngay sau ngày cưới?

- Làm chủ gia đình trước hết chính là làm chủ bản thân mình, làm chủ không gian mình sống... Hãy làm đúng vai trò của mình với một tình cảm chân thành, đó cũng là cách thức làm chủ hợp lý vì qua đó các thành viên khác cũng sẽ noi gương mình làm đúng vai trò của họ.

Theo TS Đinh Phương Duy
Tuổi Trẻ
Chia sẻ