Hành trình tủi nhục của những người phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc: Bị hắt hủi do không sinh được con đến tình trạng bị bạo hành dã man

NAM AN (TỔNG HỢP),
Chia sẻ

Bị lừa bán sang Trung Quốc, không ít cô gái tìm cách bỏ trốn nhưng đã nhanh chóng bị đánh, nhốt và bị cho uống thuốc để “mất trí nhớ” nên không thể trở về nhà. Tuy nhiên, sau nhiều năm lưu lạc nhờ mạng xã hội và sự trợ giúp của cơ quan chức năng, nạn nhân của bọn buôn người đã được trở về quê hương.

Kinh tế gia đình khó khăn nên các cô gái trẻ rất dễ bị “dỗ ngon dỗ ngọt”, hứa hẹn về một công việc ra tiền, một cuộc sống khấm khá hơn, nhưng rồi lại kết thúc cuộc đời khi trở thành nạn nhân của những kẻ buôn người vô lương tâm. Dựa vào tâm lý "nhẹ dạ cả tin", những kẻ buôn người sẵn sàng dành ra hàng tháng hoặc hàng năm trời để tiếp cận, làm quen, trở thành người đáng tin cậy của nạn nhân, để rồi thực hiện thương vụ mua bán.

Và rồi, chẳng phải cô gái nào cũng may mắn, những nạn nhân của kẻ buôn người không chỉ bị đưa đi nhiều nơi và cuối cùng thì bị bán làm vợ cho những gia đình người Trung Quốc rồi bị bạo hành đánh đập, sống trong tủi nhục suốt nhiều năm.

Một số cô gái cam chịu số phận, nhưng nhiều người cũng cố vùng lên, bỏ trốn cầu cứu sự giúp đỡ để có cơ hội đoàn tụ với gia đình và trở về quê hương.

Người phụ nữ òa khóc ôm chầm anh trai cùng mẹ già sau 22 năm lưu lạc tại Trung Quốc

Câu chuyện về chị Nguyễn Thị Hon may mắn được đoàn tụ với gia đình sau nhiều năm sống nơi đất khách quê người. 22 năm lưu lạc nơi xứ người, chịu bao cay đắng, cực khổ, người phụ nữ 43 tuổi đã được gia đình làm giấy "khai tử" bất ngờ trở về quê hương Bạc Liêu, gặp người mẹ ruột đã ngoài 80 tuổi, cùng các anh chị em và hàng xóm.

Được biết, hơn 22 năm trước, chị Hon từng có chồng ở quê nhà nhưng đã ly hôn. Sau đó chị theo bạn bè lên TP.Cần Thơ làm thuê được khoảng một tháng thì có một người cùng quê ngỏ ý rủ về thăm quê và chị đồng ý. Thế nhưng, trên đường đi, chị được cho ăn uống rồi ngủ thiếp đi. Đến khi tỉnh dậy, chị thấy mình đang ở... Trung Quốc.

Trong khoảng thời gian này, chị bị gả bán làm vợ qua 4-5 người đàn ông nhưng không có con. Người "chồng" cuối cùng sống với chị lâu nhất là 8 năm. Cũng vì không sinh được con nên chị bị hắt hủi, đuổi ra khỏi nhà, sống vất vưởng đầu đường xó chợ. Đau đớn nhất là những năm tháng đọa đày ấy, chị không nhớ nổi mình là ai và từ đâu đến.

 - Ảnh 2.

Chị Hon trong vòng tay anh trai.

Những lúc bế tắc nhất của phận người lưu lạc cũng chính là lúc may mắn mỉm cười với chị. Có lần, chị xem một chương trình trên tivi có nhắc đến hai từ "ăn cơm" bằng tiếng Việt, bỗng dưng bao ký ức tràn về, chị nhớ rõ mọi chuyện ở quê nhà, nhớ tên quê quán, nhớ tên từng thành viên trong gia đình và biết mình là người Việt Nam. Đó cũng là cánh cửa duy nhất giúp chị trở về đoàn tụ gia đình.

Sau khoảng thời gian "nay đây, mai đó", từ giúp việc nhà cho đến rửa ly, chén ở các quán ăn uống ở Trung Quốc thì cuối cùng chị cũng đã đặt chân đến tỉnh Lạng Sơn.

 - Ảnh 3.

Chị Hon đã về nhà, gặp lại người mẹ già sau hơn 22 năm lưu lạc xứ người

Người xưa có câu nói: "Ông trời không phụ lòng người" và rồi chị Hon gặp được một câu lạc bộ thiện nguyện ở tỉnh Lạng Sơn trong lúc chị đang đi lang thang tại cửa khẩu giáp biên giới Trung Quốc. Do đó, người dân sở tại đã đến hỏi thăm rồi đưa người phụ nữ này về trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh.Trong mớ hành trang ít ỏi của người phụ nữ này có tờ giấy "nhàu nát" ghi lại địa chỉ quê quán và tên người thân trong gia đình ở ấp Bửu Đông, xã Long Điền Đông, tỉnh Bạc Liêu.

Câu chuyện 22 năm lưu lạc xứ người của người phụ nữ tội nghiệp này được cộng đồng mạng chia sẻ và nhanh chóng giúp chị gặp lại người thân và lên đón chị về nhà.

Sau nhiều năm lưu lạc, ngày 4/7, chị Nguyễn Kim Hon đã di chuyển về tỉnh Bạc Liêu để đoàn tụ cùng người mẹ già 80 tuổi. Trước giây phút cận kề được gặp những người thân yêu của mình, chị Hon đã òa khóc như một đứa trẻ, những giọt nước mắt lăn dài sau nhiều năm tháng lưu lạc nơi đất khách quê người. Còn người mẹ già đã ngất xỉu ngay khi người con gái trở về sau 22 năm xa cách.

Đi làm thuê bị bán sang xứ người và cuộc lưu lạc suốt 24 năm

Nhẹ dạ cả tin, một người phụ nữ ở Nghệ An cũng đã trở thành nạn nhân của bọn buôn người. Và rồi, sau hơn 23 năm may mắn đã mỉm cười với cô Trương Thị Thìn (52 tuổi) ở xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) khi được đoàn tụ với người thân.

Kể về khoảng thời gian khó khăn đó, năm 1997, biết bà bị đau chân, một người đàn ông cùng xã giới thiệu qua thầy lang ở tỉnh Hà Tĩnh bốc thuốc và hứa cho người thân dẫn đường. Tin lời người này, bà Thìn gật đầu...

Tháng 3/1997 gửi lại con gái ba tuổi, bà Thìn được một người phụ nữ dẫn ra quốc lộ cách nhà gần chục cây số để bắt xe khách đi Hà Tĩnh. Vừa lên xe, bà Thìn được một người xưng là bạn của phụ nữ đi cùng mời uống một cốc nước. Uống xong, bà ngủ thiếp đi. Tỉnh dậy thấy mình đang ở Lạng Sơn, bà hỏi thì được người đi cùng thông báo "chưa đến Hà Tĩnh".

Vì chưa bao giờ xa nhà nên bà vẫn tin tưởng đi theo. Đến khi người này dẫn xuống xe giao cho một người đàn ông lạ mặt, bà mới giật mình. "Lúc bị giao cho người lạ thì tôi nghi ngờ mình bị lừa nhưng ngay lập tức bị họ khống chế, không thể trốn chạy được nữa", bà nhớ lại. Họ dẫn bà vượt biên qua Trung Quốc.

Những ngày đầu ở Trung Quốc, bà bị giam lỏng cùng một tốp 5 phụ nữ người Việt. Vài tuần sau, nhóm phụ nữ được đưa lên xe khách chạy liên tục hai ngày đêm, rồi lên thuyền đi khoảng bốn giờ và cập bến tại một hòn đảo.

Nơi đất lạ, họ bị giam lỏng và yêu cầu phải lao động, hàng ngày có các tốp đàn ông bản địa ghé qua xem mặt. Khoảng một tháng sau, bà Thìn được một người nông dân dẫn về làm vợ. Biết không thể phản kháng nên bà nhắm mắt đưa thân...

Không biết tiếng, không biết đường, cuộc sống gò bó khiến có lúc người phụ nữ nghĩ đến cái chết để giải thoát, nhưng rồi lại thương bố mẹ, hai con ở quê đang ngóng trông mình.

Sau khi sinh một con trai và một con gái cho chồng Trung Quốc, bà bắt đầu được nhà chồng cho tự do đi làm đồng, đi chợ, được dạy tiếng bản địa. Bà kể hết chuyện bị lừa bán cho chồng nghe để chia sẻ.

Hơn một năm trước, trong lần đi làm, bà gặp người đàn ông quê Hà Tĩnh làm thuê gần nhà nên nhờ liên lạc về quê hương. Nửa năm sau, bà mới nối được liên lạc với anh trai. "Lúc anh trai gọi tới thì cả hai òa khóc không nói nên lời", bà nhớ lại.

Nói với chồng nguyện vọng muốn một lần về quê thắp nén nhang cho bố mẹ đã qua đời, thăm hai người con, ban đầu bà không được ủng hộ. Người chồng đắn đo vì sợ vợ không trở lại. Khi người đàn ông quê Hà Tĩnh quen biết từ trước đứng ra "bảo lãnh", người chồng đã đồng ý. Để có lộ phí cho vợ về Việt Nam, chồng bà bán ba con bò, dặn "hai tháng sau phải quay trở lại Trung Quốc".

Tìm thấy con sau 24 năm bị bán sang Trung Quốc nhờ mạng xã hội

Cùng từng bị lừa qua biên giới và mất liên lạc với gia đình nhiều năm, chị Lê Thị Lan như vỡ òa hạnh phúc khi tìm thấy người thân qua mạng xã hội Facebook.

Là con cả trong gia đình có 5 chị em, năm 1995, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà đông anh chị em, chị Lan khi đó vừa tròn 19 tuổi nghe lời rủ đi làm thuê cho vợ chồng một người hàng xóm ở huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An).

 - Ảnh 5.

Chị Lê Thị Lan mừng tủi trong ngày trùng phùng

Chị Lan đi với suy nghĩ "có việc làm để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ nuôi các em".

Khoảng 10 ngày sau, chị Lan xin về quê thì một người phụ nữ tên Th. (hàng xóm của chủ nhà) rủ ra Thanh Hóa chơi. Nhưng thay vì ra Thanh Hóa, giữa đêm tối mịt mùng rét buốt, bà Th. đưa chị Lan vượt biên sang Trung Quốc.

Sau một giấc ngủ, chị Lan tỉnh dậy nhận ra mình vừa bị bán làm vợ một người đàn ông ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) với giá 3.000 nhân dân tệ.

"Họ đánh đập, cho tôi uống thuốc gì đó khiến tôi gần như mất trí nhớ", chị Lan kể lại.

Bị mua về làm vợ, chị Lan đã nhiều lần tìm cách bỏ trốn về nước song đều bất thành bởi chị không biết tiếng, không biết đường cũng không có người thân thích bên cạnh. Thế rồi chị lần lượt bị bán qua tay nhiều người đàn ông khác, đến nay đã có 4 người con.

Người đàn ông cuối cùng mà chị Lan được bán về làm vợ 6 năm trước là người tốt nhất. Không còn bị ép uống thuốc, lại được đối xử tốt, chị Lan dần nhớ lại quê nhà sau khi xa 24 năm.

 - Ảnh 6.

Chị Lê Thị Lan (thứ 2 từ trái sang). Ảnh: Facebook chị Lê Thị Lan.

Chị Lan nói 2 năm trước chị nhớ lại được quê của mình nên được chồng cho tiền làm lộ phí về nước. Nhưng đến khu vực biên giới, chị lại bị kẻ xấu lừa lấy hết tiền, đành phải quay lại.

Những ngày đầu tháng 7, chị tình cờ quen một người phụ nữ Việt Nam đang làm việc ở tỉnh Quảng Tây. Qua tâm sự, người phụ nữ này biết câu chuyện đời gian truân của chị Lan nên quay lại một đoạn video rồi đăng lên mạng xã hội.

Dù nói tiếng Việt không còn rõ nhưng chị Lan vẫn nhớ tên bố mẹ, quê quán và bày tỏ mong muốn được trở về với gia đình.

"Lúc đầu nhìn tôi cũng không biết, nhưng khi nghe chị ấy nói địa chỉ nhà, tên cha mẹ và các em thì tôi biết đó là chị dâu của mình rồi", chị Đặng Thị Thảo (32 tuổi, em dâu chị Lan) cho biết. cuối cùng dưới sự giúp đỡ của mọi người chị Lan cũng đã được trở về quê hương, òa khóc nức nở trong vòng tay người thân sau nhiều năm xa cách.

Ký ức tủi nhục của thiếu nữ bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ

Không chỉ những người phụ nữ đã có gia đình muốn kiếm thêm tiền lo toan kinh tế, mà nhiều cô gái trẻ tin vào lời "mồi chài" của bọn buôn người cũng đã bị đưa sang Trung Quốc bán làm vợ. Tuy nhiên, sau 7 năm phải chịu đày đoạ, tủi nhục bởi gia đình chồng, cô gái này đã được công an giải cứu và đưa về Việt Nam.

Nhớ lại những tháng ngày đau khổ, bị gia đình chồng đầy đoạ, chị B. kể, khoảng tháng 4/2012, thông qua mạng xã hội, thiếu nữ này quen biết với một người đàn ông tên Tuấn (không rõ lai lịch).

 - Ảnh 7.

Qua nhắn tin tâm sự, Tuấn rủ rê, hứa hẹn dẫn chị đi làm việc với mức cao, 7-8 triệu đồng một tháng. Gia đình thuộc hộ nghèo của xã nên khi nghe Tuấn nói như vậy, chị B. gật đầu đồng ý.

Người tên Tuấn sau đó hẹn gặp chị B. tại một trạm xe buýt gần nhà rồi cả hai bắt xe đi Lào Cai. "Đến nơi, chúng tôi ở lại trong một nhà nghỉ. Đến tối, Tuấn dùng xe máy chở tôi đi đâu không rõ, vì chạy trong rừng. Tôi có hỏi đi đâu thì Tuấn nói đi xin việc làm", chị B. thuật lại.

Đến khuya, Tuấn đưa chị B. đến một gia đình có vợ là người Việt Nam, còn chồng là người Trung Quốc. Ở đây được một lúc thì tôi không thấy Tuấn đâu. Tôi hỏi người phụ nữ Việt Nam thì bà ta nói, Tuấn đã đi rồi.

Bà ta còn nói: "Mày bị nó lừa rồi, nó lừa mày mà mày không biết à?". Lúc này, tôi mới biết mình bị Tuấn bán sang Trung Quốc và chỉ biết ngồi khóc", chị B. chua xót kể. Và chỉ vài ngày sau đó, chị B. tiếp tục bị bán tiếp cho một gia đình người đàn ông Trung Quốc làm vợ. Đau đớn thay, “người chồng” của chị B. lấy lại bị thiểu năng trí tuệ, chẳng biết làm gì.

Cũng theo chị B., "nhà chồng" của chị làm nông, 7 người phải sống trong một căn nhà chật chội. Mỗi sáng sớm chị B. cũng phải đi làm đồng một mình, nếu hôm nào không đi sẽ bị ba mẹ "chồng" la mắng, chửi bới.

 - Ảnh 8.

B. trở về Việt Nam, chấm dứt chuỗi ngày sống trong tủi nhục.

"Ở đây được 3-4 năm, tôi mới bập bẹ nói được tiếng Trung, còn gia đình chồng thì cấm không cho dùng điện thoại. Đến năm 2017, họ mới mua cho tôi một cái điện thoại để xài", chị B. nhớ lại. Cũng theo chị B., sau 7 năm chung sống với "người chồng" thiểu năng, chị đã sinh cho anh ta được hai người con.

"Đến năm 2018, tôi biết nhiều tiếng Trung hơn. Lợi dụng lúc gia đình chồng đi vắng, tôi bỏ trốn. Lang thang khắp nơi mà trong túi không có một đồng nào, lúc đó tôi được một người đàn ông Trung Quốc khác giúp đỡ và cho ăn uống", chị B. nhớ lại.

Thấy người đàn ông này "tốt" nên chị B. đi theo anh ta. Nào ngờ, người này sau đó cũng ép chị B. làm vợ hắn và tiếp tục bị bạo hành. Không cam chịu tủi nhục nơi xứ người, chị B. tìm cách liên lạc về với gia đình ở Việt Nam.

Đầu năm 2019, nhờ sử dụng mạng xã hội, chị B. liên hệ được với người thân và công an để được giúp đỡ quay trở lại Việt Nam đoàn tụ với người thân.

Chia sẻ