Hành trình của những người đã vượt qua trầm cảm: Phục hồi hy vọng và mong muốn được sống

Lạc Hà,
Chia sẻ

Không có bất cứ ai miễn dịch với trầm cảm.

Bạn có thể có mọi thứ, từ một gia đình hoàn hảo, một công việc tốt đẹp và một túi tiền không bao giờ vơi, thì bạn vẫn có thể bị trầm cảm. Thật vậy, đây là một căn bệnh âm thầm và lén lút khiến bạn có thể bị lúc nào mà không hề hay biết, thuyết phục bạn rằng bạn cô đơn và không xứng đáng được yêu thương.

Một báo cáo do WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) đã tuyên bố rằng do hậu quả của đại dịch Covid-19, tỷ lệ lo lắng và trầm cảm đã tăng lên 25%. Hơn nữa, càng ngày càng có nhiều trẻ em và thanh thiếu niên có vấn đề về sức khỏe tinh thần.

Trong bối cảnh xã hội, kinh tế và thậm chí cả văn hóa phức tạp, các chứng rối loạn tâm thần sẽ chỉ gia tăng trong những năm tới nếu không được quan tâm đúng cách. Cần có những thay đổi và nguồn lực mới, cũng như chấm dứt sự kỳ thị đối với sức khỏe tinh thần và bình thường hóa việc hỗ trợ tâm lý.

Về mặt tích cực, nhiều người đã vượt qua trầm cảm và để lại một số thông điệp khích lệ. Đây là 9 điều mà người đã vượt qua trầm cảm sẽ nói với bạn!

Hành trình của những người đã vượt qua trầm cảm: Phục hồi hy vọng và mong muốn được sống - Ảnh 1.

1. “Vượt qua trầm cảm không có nghĩa là mạnh mẽ, mà là có công cụ để đối phó với nó”

“Can đảm lên, mạnh mẽ lên…” chính là câu nói phổ biến mà nhiều người thường sử dụng.

Những ai đã từng điều trị tâm lý đều biết rằng vượt qua trầm cảm không phải là trở thành siêu anh hùng, trở thành người mạnh mẽ, mà là biết cách áp dụng các chiến lược mà họ đã được dạy. Nó có nghĩa là biết nên chọn những suy nghĩ nào khi họ cảm thấy vô vọng. Đó là học cách nhìn nhận bản thân theo một cách khác và hiểu những phản ứng cần đưa ra trong một số trường hợp nhất định. 

Đôi khi, họ thấy cần phải hành động mặc dù không thực sự có can đảm hoặc mong muốn làm điều đó. Chứng trầm cảm của họ là một cuộc chiến không ngừng chống lại một phiên bản của chính họ mà họ cần phải điều chỉnh lại thông qua học tập và một cái nhìn nội tâm lành mạnh, nhân ái hơn.

2. “Tôi đã học được rằng tôi không đơn độc và tâm trí của tôi đang lừa dối tôi”

Trầm cảm nói với người mắc bệnh những lời nói dối. Phổ biến và nguy hiểm nhất trong số chúng là việc khiến họ tin rằng họ chỉ có một mình, rằng không ai có thể hiểu họ và rằng họ không xứng đáng được yêu thương. Và phản ứng phổ biến nhất của những người trầm cảm là tự cô lập bản thân.

Tuy nhiên, trong quá trình chữa lành và đối phó với trầm cảm, những người bệnh nhận thức được những điều sai lầm mà tâm trí họ đã củng cố từ trước. Họ nhận ra rằng có những người vẫn yêu thương họ, vẫn quan tâm đến họ và họ có thể khóc trên vai người đó. Nhận ra tình cảm và sự thấu hiểu xung quanh mình là một trong những bước quan trọng nhất để đánh bại chứng trầm cảm.

3. “Cảm xúc của tôi không phải là kẻ thù của tôi, giờ tôi đã hiểu chúng hơn”

Những người đã vượt qua trầm cảm có được các chiến lược mới để hiểu rõ hơn và điều chỉnh cảm xúc của chính mình. Trước đây, chúng bị chặn lại bởi sự căng thẳng, đau khổ, cáu kỉnh, buồn bã hoặc sợ hãi. Bây giờ, họ biết rằng họ phải hiểu thông điệp đằng sau những cảm xúc mà họ có.

Một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Bergamo tại Ý đẫ nêu bật cách thức rối loạn điều hòa cảm xúc và kiểu suy nghĩ nhai lại dẫn đến trạng thái trầm cảm. Vì lý do này, những người vượt qua được trầm cảm có được cách tiếp cận mới với thế giới cảm xúc. Họ học cách điều chỉnh cảm xúc của mình để ứng phó tốt hơn với từng hoàn cảnh. 

Hành trình của những người đã vượt qua trầm cảm: Phục hồi hy vọng và mong muốn được sống - Ảnh 2.

4. “Muốn vượt qua trầm cảm thì phải có lý do sống mỗi ngày”

Đối lập với trầm cảm không phải là hạnh phúc, mà là mong muốn được sống. Những người bị trầm cảm đã mất lý do để ra khỏi giường mỗi ngày. Thực tế là họ không thiếu niềm vui, cái họ thiếu là lý do để cảm thấy hạnh phúc, có động lực và hào hứng. 

Những người từng vượt qua được trầm cảm đều đặt mục tiêu cho mình mỗi ngày. Hơn nữa, họ đặt ra cho mình cả những ước mơ và quyết tâm mới để thực hiện.

5. “Tôi đã tìm thấy những điều nhỏ bé có thể cứu cánh tôi”

Khi ai đó bị mắc kẹt trong hố đen của sự trầm cảm, niềm đam mê, sở thích và những gì họ từng yêu thích đều trở nên mờ nhạt. Khả năng hưởng thụ của họ biến mất, họ mất đi niềm yêu thích và chỉ còn lại cảm giác tuyệt vọng. 

Vì lý do này, khi những người bệnh đang ở trong quá trình trị liệu, họ cần tìm ra những cách thực hành, kịch bản, sự vật hoặc cảm giác mới có thể cứu họ khi họ cần nhất. Đôi khi đó là đi dạo trên bãi biển, hoặc uống cà phê và đọc sách. Những người khác có thể tìm thấy sự nhẹ nhõm trong việc viết lách, vẽ tranh, nuôi thú cưng… Chính những điều nhỏ bé đã khơi dậy lại những sở thích mới và khiến họ mỉm cười.

6. “Tôi không bao giờ so sánh chứng trầm cảm của mình với người khác”

Những người đã vượt qua trầm cảm biết rằng không bao giờ nên so sánh mình với một người khác, người có lẽ đã vượt qua vấn đề của họ theo một cách khác. Họ cũng biết rằng không nên yêu cầu một số phương pháp điều trị chỉ vì chúng có hiệu quả với người khác.

Các chuyên gia y tế quyết định các biện pháp can thiệp phù hợp nhất dựa trên cơ sở khoa học và nhu cầu cụ thể của từng khách hàng. Mọi người đều tiến bộ trên hành trình của riêng mình với các nguồn lực cụ thể và trong khoảng thời gian riêng của họ. Không có sự vội vàng, vì đó không phải là một cuộc thi.

Hành trình của những người đã vượt qua trầm cảm: Phục hồi hy vọng và mong muốn được sống - Ảnh 3.

7. “Tôi có những lúc cảm xúc bất ổn và tái phát, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi thất bại”

Những người đã vượt qua trầm cảm biết rằng quá trình này không diễn ra theo một đường thẳng. Những cảm xúc bất ổn là điều xảy ra thường xuyên, đến mức tái phát lại trầm cảm là một hiện tượng phổ biến trong những tháng sau khi đã khỏi bệnh. Đây có phải là một thất bại, điều đó có nghĩa là họ đang làm sai? Câu trả lời tuyệt đối là không!

Điều đó chỉ đơn giản là một số triệu chứng còn sót lại, ví dụ như các kiểu suy nghĩ, cần được khắc phục. Điều đó không có nghĩa là họ cần bắt đầu lại, mà họ cần bắt đầu từ nơi họ đã dừng lại để đạt được động lực cần thiết trong quá trình trị liệu tâm lý.

8. “Tôi phải thực hiện những thay đổi mà tôi nghĩ mình chưa sẵn sàng”

Tất cả các điều trị tâm lý đều thúc đẩy người ta hướng tới sự thay đổi, tới một bối cảnh mới nơi mà họ mong muốn có được hạnh phúc. Điều này có nghĩa là để vượt qua trầm cảm, họ phải bỏ lại nhiều thứ phía sau. Ngoài ra, họ có thể cần phải thực hiện nhiều sự thay đổi, chẳng hạn như chấm dứt một số mối quan hệ độc hại, trao đổi một số trách nhiệm cho người khác…

9. “Để vượt qua trầm cảm, nhờ sự trợ giúp của chuyên gia là bước quan trọng nhất”

Những người đã vượt qua trầm cảm biết rằng họ cần can đảm. Rốt cuộc, thực hiện bước yêu cầu sự giúp đỡ không bao giờ là điều dễ dàng. Thậm chí còn có nhiều người chống lại việc đó.

Tuy nhiên, đây là việc làm cần thiết. Những người vượt qua được trầm cảm bắt đầu bằng cách bày bỏ với những người thân yêu của họ rằng họ cảm thấy không khỏe. Chính ở những người thân yêu này, họ đã tìm thấy được sự hỗ trợ.

Bước thứ hai đối với họ là bắt đầu liệu pháp tâm lý với một chuyên gia trị liệu. Đây là trải nghiệm quan trọng đối với những người vượt qua trầm cảm. Tìm một nơi ẩn náu an toàn, đồng cảm và hợp lệ, nơi họ có thể thể hiện bản thân, được thấu hiểu và học cách vượt qua, là chìa khóa để họ đạt được hạnh phúc.

Chia sẻ