Hạnh phúc trong mùa dịch chỉ đơn giản là được làm việc, được bận rộn và vẫn nghe tiếng "ting ting" mỗi tháng

M52,
Chia sẻ

Nghe thì sai sai nhưng trong lúc dịch, hàng ngàn người bị nghỉ việc không lương thì rõ ràng giữ được công việc đã là một hạnh phúc lớn lao rồi!

Hôm nay, trong lúc lướt Facebook tôi tình cờ thấy được một bình luận của cô nàng công sở nọ, đọc qua thì tưởng vô thưởng vô phạt nhưng càng ngẫm lại càng thấy lắm vấn đề. "B.H vẫn chưa thấy đóng. Xách cái !@$#% đi làm thấy mệt" - cô nàng này viết.

Có vẻ như cô gái này trong lúc trò chuyện với bạn bè nên đã thoải mái chia sẻ suy nghĩ. Nhưng này, dù là công khai hay kín đáo, dù là nói với cả thế giới hay chỉ bình luận dạo với bạn bè thì suy nghĩ này cũng thật sự rất ích kỷ đấy! Tại sao chỉ vì chút chán nản của bản thân mà mong dịch lan rộng để công ty đóng cửa, để được nghỉ làm? Chẳng lẽ bạn gái này không ý thức được rằng, tình hình dịch Covid-19 chỉ như hiện tại thôi đã đủ thiệt hại nặng nề tới kinh tế hay sao?

Những con số biết nói

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong tháng 2, có khoảng 10% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất. Nửa đầu tháng 3, con số tăng lên khoảng trên 15% tổng số doanh nghiệp. Số người thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng lên rõ rệt so với cùng kì năm trước.

Nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến xấu (như hiện nay) thì số lao động bị giảm giờ làm hoặc bị mất việc làm là từ 440.000 đến 880.000 lao động. Thậm chí, nếu dịch bùng phát, thì số lao động bị giảm giờ làm bị hoặc mất việc làm là từ 880.000 đến 1,32 triệu lao động.

Theo đánh giá mới đây của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cuộc khủng hoảng kinh tế và lao động do Covid-19 gây ra có thể làm tăng thêm 25 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu.

Cắt giảm nhân sự, nghỉ tạm thời không lương và những câu chuyện… không của riêng ai

Nếu dẫn chứng trên khiến bạn thấy thật rắc rối, vĩ mô và cũng khó để hình dung về tác động tiêu cực của dịch Covid-19 tới kinh tế và cuộc sống con người; vậy hãy đọc một mẩu chuyện nhỏ cũng được đăng tải lên MXH cách đây ít ngày.

Đầu đuôi là thế này, người đàn ông có một khối lượng hàng hóa tương đối cần chuyển từ sảnh lên nhà. Ông quyết định thuê 2 người thợ bốc vác trong 1 buổi sáng với tiền công 250k/người.

Vừa đăng tải lên một hội nhóm trên Facebook đã nhanh chóng có một chàng trai trẻ vào nhận. Khi anh ta tới, chủ nhà cảm thấy rất ngạc nhiên. Bởi lẽ, anh ta sơ vin đóng thùng, mặc vest bảnh bao và xách túi rất lịch lãm. Để rồi đi làm công việc chân tay?

Cuối buổi đó, khi thanh toán tiền người đàn ông mới hỏi lý do. Anh chàng này cũng cười xòa, thật thà kể: "Công ty cắt giảm nhân sự và em bị nghỉ. Nhưng em không muốn vợ lo nên vẫn mặc như vậy ra ngoài tìm tạm việc gì đó làm, kiếm tiền mua bỉm sữa cho con".

Nếu còn được đi làm, nhận lương thì còn hạnh phúc... - Ảnh 2.

Bị nghỉ việc nhưng ông bố trẻ phải ra ngoài bốc vác kiếm tiền lo cho gia đình. (Ảnh minh họa)

Câu chuyện có thể không chính xác được từng từ, từng chữ nhưng nội dung cơ bản thì chuẩn chẳng cần chỉnh. Một người chồng, người cha vì dịch Covid-19 mà mất việc, bạn có tưởng tượng được cả gia đình ấy sẽ khốn đốn thế nào không?

Thêm một trường hợp khác nhé! Hồi đầu tháng 3 vừa qua, trên MXH lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh quản lý khách sạn E.W (Hà Nội) đứng ra thông báo cho nhân viên nghỉ và đề nghị hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người đã khiến nhiều người xôn xao.

Theo người quản lý, vì ảnh hưởng của dịch nên hơn chục ngày qua công ty đang vô cùng khó khăn. Mỗi một ngày khách sạn thu được 1-3 triệu mà tiền điện cho toàn công ty cũng lên tới 300-400 rồi, chưa kể các chi phí vận hành khác.

Nếu còn được đi làm, nhận lương thì còn hạnh phúc... - Ảnh 3.

Khách sạn E.W ở Hà Nội phải cho nhân viên nghỉ việc và hưởng lương thất nghiệp vì kinh doanh ế ẩm. (Ảnh cắt từ clip)

Dù không muốn nhưng khách sạn này buộc phải cho nhân viên nghỉ và hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người coi như lương thất nghiệp. Nhưng thậm chí một con số khá khiêm tốn thế công ty cũng không thể trả ngay mà phải đợi hết tháng 6 khi tình hình kinh tế công ty khá hơn. Bởi lẽ, "10 ngày hôm nay, gom tiền trả tiền điện thôi cũng đã rất khó khăn rồi" – người quản lý cho biết.

Sau quyết định bị nghỉ việc với mức lương 1,5 triệu đồng hỗ trợ ấy có lẽ cuộc sống của rất nhiều người, nhiều gia đình sẽ bị đảo lộn. Còn đứng trên cương vị của những người sếp, người đầu tư, họ cũng bị điêu đứng vì Covid-19. Chỉ trong vài tháng qua mà việc làm ăn thua lỗ gần 20 tỷ đồng, một con số theo chị quản lý này nói phải chắt chiu, dành dụm cả đời.

Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp nhưng cũng là minh chứng rõ nét về ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19.

Vậy thì tại sao không hạnh phúc vì công việc của mình chưa bị ảnh hưởng vì dịch?

Trong khi hàng trăm ngàn người gồng mình lên chịu những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, còn bạn chưa bị nhiễm bệnh, công việc cũng không bị ảnh hưởng thì có gì để kêu than? Nghe thì sai sai nhưng rõ ràng, được tới công ty mỗi ngày, miệt mài gõ phím, nghe tiếng ting ting mỗi tháng thì còn gì hạnh phúc hơn? Lạc quan mà nghĩ, chí ít bạn vẫn có "cần câu cơm", có mái nhà và miếng ăn - điều mà hàng ngàn người ngoài kia mơ ước.

Nếu còn được đi làm, nhận lương thì còn hạnh phúc... - Ảnh 4.

Được tới công ty và làm việc trong mùa dịch đã là một hạnh phúc rồi! (Ảnh minh họa)

Dịch bệnh xảy ra là điều không ai mong muốn, nhưng cũng từ đó chúng ta nhận ra nhiều giá trị. Còn làm việc là còn sống, mà còn sống thì phải làm việc!

Trắc nghiệm nhanh làm gì khi tiếp xúc nguy cơ?

 - Ảnh 1.

Chia sẻ